Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Phiên 28/11: Đè thị trường để mua?
Thanh Thuý - 28/11/2013 17:36
 
Việc đè giá các mã vốn hóa lớn như MSN, VNM, GAS, BVH đã khiến thị trường giảm điểm, dù số mã tăng vẫn chiếm ưu thế.

Theo CTCK IVS, trong những ngày sắp tới, đợt cơ cấu danh mục cuối cùng của năm 2013 của các quỹ ETFs sẽ diễn ra. Do đó, những động thái của các cổ phiếu trên sẽ trở nên sôi động hơn và sẽ thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư nhiều hơn. Điều này cũng sẽ tạo những ảnh hưởng nhất định với chỉ số.

"Bởi vậy, điểm số của Index có khả năng sẽ không đánh giá đúng diễn biến thị trường nên nhà đầu tư cần theo dõi sát sao những cố phiếu trong danh mục của mình, đặc biệt là với những cổ phiếu có tính chất đầu cơ", IVS đánh giá.

Đúng như nhận định trên, dù số mã tăng vẫn chiếm thế áp đảo, nhưng VN-Index lại kết thúc phiên trong sắc đỏ.

Sau khi dùng các mã bluechip đè thị trường trong phiên sáng, giới đầu cơ đã tranh thủ mua vào trong phiên chiều, giúp thị trường dần hồi sức. Tuy nhiên, một lần nữa, có “một thế lực nào đó” không muốn thị trường tăng điểm, nên lệnh bán các mã lớn như VNM, MSN, GAS được tung ra, kéo VN-Index lùi về dưới mốc tham chiếu. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index đã phục hồi nhẹ.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,72 điểm, trong đó, VN30-Index tăng 2,23 điểm (+0,39%) đứng ở mức 570,56 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,09 điểm (+0,13%) lên 65,28 điểm. HNX30-Index giảm 0,68 điểm (-0,55%) xuống 122,51 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam giảm 2,35 điểm (-0,47%) xuống 493,89 điểm.

Thanh khoản trên HOSE giảm nhẹ so với phiên hôm qua với khối lượng giao dịch đạt 82,13 triệu đơn vị, trị giá 1.045,86 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,83 triệu đơn vị, trị giá 133,86 tỷ đồng. Ngoài HQC thỏa thuận 1,5 triệu đơn vị, phiên giao dịch hôm nay còn có FPT được khối ngoại sang tay gần 1,27 triệu đơn vị ở mức giá trần 52.000 đồng/CP, tổng giá trị gần 65,94 tỷ đồng.

Nhóm VN30 phân hóa khá mạnh, trong khi PGD vẫn giữ được sắc tím, VIC bật tăng 1.000 đồng/CP dù vẫn bị khối ngoại bán mạnh, STB tăng 800 đồng/CP, trong khi VNM giảm 2.000 đồng, MSN giảm 500 đồng và GAS cũng mất 500 đồng/CP.

Là một trong số các doanh nghiệp vượt kế hoạch năm sau 9 tháng với mức lãi 200 tỷ đồng, vượt 57% kế hoạch, cùng với thông tin lấy ý kiến cổ đông phát hành thêm 17 triệu cổ phiếu, PGD đã tăng trần lên 35.000 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục tăng trần như DCT, DRH, DTA, DXV, FLC, LGL, NVN, UDC. Bên cạnh đó, chốt phiên giao dịch còn có thêm sắc tím của các mã nhóm cổ phiếu dầu khí gồm PTL, PXI, PXL và một số mã tí hon.

KMR sau phiên xả mạnh hôm qua đã báo hiệu khả năng suy yếu và phiên giao dịch hôm nay là minh chứng rõ ràng về dòng tiền đầu cơ thoát hàng. KMR bị kéo giảm sàn từ phiên sáng và không thể ngóc đầu dậy. Chốt phiên giao dịch, KMR vẫn còn dư bán sàn gần 310.000 đơn vị và đã chuyển nhượng 1,5 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, HQC cũng bị xả hàng mạnh trong phiên chiều. Chốt phiên giao dịch, giá cổ phiếu HQC giảm xuống dưới mốc tham chiếu với khối lượng khớp lệnh đạt gần 5,44 triệu đơn vị.

Một số mã khác cũng bắt đầu bị xả khá lớn như MCG và ITA, trong đó, MCG không còn giữ mức giá trần sau 3 phiên tăng trần liên tiếp, còn ITA đứng nguyên ở mốc tham chiếu. Khối lượng chặn bán đủ lớn để đáp ứng nhu cầu mua và MCG chỉ tăng 200 đồng/CP, tương ứng tăng 2,9% và đã khớp hơn 3,7 triệu đơn vị, trong khi ITA chuyển nhượng thành công 3,07 triệu đơn vị.

Trong khi đó, dòng tiền đầu cơ tiếp tục ưu ái cho FLC. Lệnh bán đã được vét sạch và chốt phiên giao dịch đã chuyển nhượng thành công gần 6,12 triệu đơn vị, dẫn đầu về thanh khoản trên sàn HOSE với lượng dư mua trần còn 1,17 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VHG đã không có thêm đơn vị nào chuyển nhượng trong phiên chiều mặc dù lệnh dư mua đang treo khá lớn. Chốt phiên, VHG chuyển nhượng 4,14 triệu đơn vị và còn dư mua trần 3,14 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX không có nhiều biến động. Khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ phiên hôm qua với 44,28 triệu đơn vị, trị giá 313,82 tỷ đồng. Trong đó, điểm sáng là giao dịch thỏa thuận của NVB với việc chuyển nhượng thành công 10,7 triệu đơn vị với tổng giá trị 72,09 tỷ đồng.

SCR và PV2 vẫn duy trì vị trí đứng đầu về thanh khoản trên sàn HNX lần lượt đạt 2,28 triệu đơn vị và 1,71 triệu đơn vị. Trong đó, PV2 đã tăng trần trở lại và còn dư mua trần, còn SCR cũng có được sắc xanh với mức tăng nhẹ trên mốc tham chiếu một đơn vị.

Trong phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 471.770 cổ phiếu trên sàn HOSE, giá trị mua ròng 1,45 tỷ đồng. Trên sàn HNX, họ mua dòng 445.639 cổ phiếu, giá trị mua ròng 5,17 tỷ đồng.

Trước đó, diễn biến của phiên giao dịch sáng cũng khá giống với phiên chiều, khi thị trường cũng bị đè bởi các mã bluechip. Sau khi VN-Index giảm xuống sát 507 điểm, lực mua bắt đầu dồn dập đưa vào, kéo VN-Index hồi lên trước khi lại bị các mã vốn hóa lớn như VNM, VCB, BVH, GAS, MSN kéo xuống.

Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,61 điểm (-0,12%) xuống 507,82 điểm. VN30-Index nhích nhẹ lên 568,63 điểm, tăng 0,3 điểm (+0,05%). HNX-Index giảm 0,13 điểm (-0,2%) xuống 65,06 điểm. HNX30-Index giảm 0,09 điểm (-0,07%), xuống 123,1 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam giảm 4,58 điểm (-0,93%), xuống 491,66 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 52,4 triệu đơn vị, tương đương giá trị 602,7 tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch trên HNX đạt 17,3 triệu đơn vị, trị giá đạt 126,19 tỷ đồng.

VNH có phiên tăng trần thứ 28 liên tiếp, trong khi VPC trên HNX cũng có phiên tăng trần thứ 14 liên tiếp.

Phiên 27/11: Đánh lên FLC
Dòng tiền đổ vào FLC tăng mạnh trong phiên chiều, quét hết lệnh bán, kéo cổ phiếu này leo lên mức trần với thanh khoản cao nhất kể từ khi lên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư