Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Phiên 6/6: VNM giảm 3.000 đồng/CP, VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ
 
Áp lực bán gia tăng mạnh khiến sắc đỏ bao trùm bảng điện tử, cả hai sàn đều quay đầu giảm điểm. Trong đó, chỉ số VN-Index đã dành lại mốc 620 điểm vào cuối phiên dù chịu sức ép từ các cổ phiếu bluechip.

Thị trường tăng điểm khá mạnh, chỉ số VN-Index áp sát ngưỡng 625 điểm, tuy nhiên, thiếu lực đỡ vững chắc khiến thị trường đảo chiều giảm điểm về cuối phiên sáng.

Áp lực bán gia tăng mạnh đẩy thị trường lùi sâu dưới mốc tham chiếu khi bước sang phiên giao dịch chiều. Sau những nhịp rung lắc với ngưỡng thử thách 620 điểm, lực cầu hấp thụ tích cực giúp VN-Index thoát hiểm về cuối phiên, giữ vững mốc kháng cự mạnh trên.

Tuy nhiên, lực bán trên diện rộng, sắc đỏ bao trùm bảng điện tử khiến thị trường chưa thể hồi phục và lấy lại mốc tham chiếu.

Đóng cửa, sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử khi sàn HOSE có tới 150 mã giảm, gấp đôi số mã tăng (75 mã), chỉ số VN-Index giảm 1,83 điểm (-0,29%) xuống 620,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 133,23 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.352,13 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận dạt hơn 15 triệu đơn vị, trị giá 412,35 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 6/6
Diễn biến VN-Index phiên 6/6

Tương tự, sàn HNX cũng đảo chiều giảm điểm trước áp lực bán trên diện rộng. Với 122 mã giảm và 86 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm nhẹ 0,01 điểm (-0,01%) xuống 82,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44,51 triệu đơn vị, trị giá hơn 489 tỷ đồng.

Diễn biến HNX-Index phiên 6/6
Diễn biến HNX-Index phiên 6/6

Nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch thiếu tích cực, trong đó, nhóm VN30 có tới 20 mã giảm và chỉ 7 mã tăng, chỉ số VN30-Index giảm 2,17 điểm xuống 618,88 điểm; còn HNX30-Index giảm 0,69 điểm xuống 148,74 điểm với 7 mã tăng và 15 mã giảm.

Trong đó, ông lớn VNM tiếp tục nới rộng đà giảm, xuống mức giá thấp nhất trong ngày 136.000 đồng/CP, với mức giảm 2,16%, đóng vai trò lực hãm chính. Các trụ cột khác hầu hết cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu như MSN, VIC, BID, FPT, HSG, PVD…

Cổ phiếu đáng chú ý của phiên sáng - HPG cũng chịu sức ép bán mạnh và quay đầu giảm điểm. Với mức giảm 0,56%, HPG đứng ở mức giá 35.400 đồng/CP và khối lượng khớp dẫn đầu thị trường 7,41 triệu đơn vị. Đây cũng là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng 8,65 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng khá phân hóa, trong khi BID, MBB, EIB đều đang giảm điểm thì VCB vẫn duy trì đà tăng tích cực, cùng điểm sáng STB. Lực cầu gia tăng mạnh giúp STB vượt qua mốc tham chiếu và tăng vọt lên mức giá trần. Chốt phiên STB tăng 6,19% lên 12.000 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị, dư mua trần gần 40.000 đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, OGC tiếp tục tình trạng dư mua trần chất đống trong khi vắng cung. Chốt phiên, OGC giữ mức giá trần 3.100 đồng/CP với khối lượng khớp 5,42 triệu đơn vị và dư mua trần 6,24 triệu đơn vị.

Trong khi đó, PTL quay đầu giảm điểm xuống mức giá 2.800 đồng/CP, chấm dứt những phiên tăng trần liên tiếp trước đó và khối lượng khớp lệnh đạt 5,35 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, DCS tiếp tục ghi nhận phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp. Với mức giảm 4,26%, DCS đứng ở mức giá 4.500 đồng/CP và khớp 3,52 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn.

Với sự thoái trào của nhóm blue chips, trong khi chưa có các nhóm ngành thay thế, lực đỡ của cổ phiếu nhỏ cuối tuần trước không tạo nên nhiều tác động nâng đỡ thị trường. Đây là một dấu hiệu cảnh báo thị trường đang ở mức rủi ro cao với hoạt động mua vào.
Danh sách các công ty vào chung khảo Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên 2016
Đầu tư xin công bố danh sách công ty có báo cáo thường niên và báo cáo phát triển bền vững vào vòng chung khảo ARA 2016.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư