Trong 2 tháng qua, dòng tiền chảy vào thị trường khá mạnh và thường tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Chính sự quan tâm của dòng tiền giúp nhóm cổ phiếu này có chuỗi tăng điểm khá ấn tượng và hỗ trợ tốt cho thị trường. Tuy nhiên, kể từ giữa tuần qua, dấu hiệu chốt lời đã xuất hiện tại nhóm cổ phiếu này, khiến VN-Index có những phiên rung lắc mạnh.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch hôm nay, dòng tiền đã có dấu hiệu chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi nhóm ngân hàng và dầu khí bị chốt lời, khiến các chỉ số giảm khá mạnh sau phiên hồi mục tốt hôm qua.
Chốt phiên chiều nay, VN-Index giảm 8,03 điểm (-0,72%), xuống 1.112,26 điểm với 145 mã tăng và 149 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 279,1 triệu đơn vị, giá trị 7.654,89 tỷ đồng, tăng 18,1% về khối lượng và tăng 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 39,1 triệu đơn vị, giá trị 1.462,64 tỷ đồng, chủ yếu từ 6,26 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 494,4 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 7/3 |
Như đã đề cập, trong phiên hôm nay, dòng tiền chuyển hướng mạnh vào nhóm cổ phiếu thị trường, xuất phát từ sự bùng nổ của FLC sau thông tin Tập đoàn này ký thỏa thuận mua 24 máy bay Airbus 321NEO cho Hãng hàng không Bamboo Airway.
Cụ thể, chốt phiên, FLC đóng cửa ở mức trần 5.990 đồng với 24,37 triệu đơn vị được khớp, thay thế STB, CTG dẫn đầu về thanh khoản trên sàn HOSE.
Các mã “họ FLC” khác trên sàn nay như HAI, AMD cũng đóng cửa trong sắc tím 4.820 đồng và 5.220 đồng và còn dư mua trần rất lớn. ROS là mã có mức tăng khiêm tốn nhất trong nhóm khi đóng cửa ở mức 139.000 đồng, tăng 2,96%.
Con sóng từ “họ FLC” lan sang nhiều mã thị trường khác khiến nhiều mã tăng trần như FIT, TSC, HNG, đôi lúc có cả DLG, ITA, HHS, JVC, HVG, HQC. Tuy nhiên, về cuối phiên, chỉ còn FIT, TSC, HNG giữ được mức trần, còn lại đều đánh mất sắc tím, nhưng thanh khoản cao do nhận được lực cầu lớn.
Dù không thể có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp như người anh em HNG, nhưng HAG cũng tăng 3,4%, lên 6.990 đồng với 11,55 triệu đơn vị được khớp, đứng sau FLC. HQC cũng được khớp lớn hơn 9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,19%, lên 2.430 đồng.
Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng, ngoại trừ VPB có sắc xanh nhạt (+0,32%, lên 62.000 đồng) sau thông tin được margin sau khi đủ điều kiện lên sàn, còn lại đều bị chốt mạnh và quay đầu giảm giá.
Trong đó, VCB giảm 2,25% xuống 69.600 đồng, BID giảm 0,4% xuống 37.500 đồng, CTG giảm 2,48% xuống 31.500 đồng, MBB giảm 2,94% xuống 33.000 đồng, HDB giảm 1,62% xuống 42.500 đồng, STB giảm 1,63% xuống 15.050 đồng với 10,58 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 3 sau FLC và HAG, EIB giảm mạnh nhất khi mất 3,72% xuống 14.250 đồng.
Không chỉ nhóm ngân hàng, 2 cổ phiếu dầu khí lớn cũng đồng loạt giảm trong phiên hôm nay với GAS giảm 1,88% xuống 114.800 đồng, PLX giảm 3,81% xuống 83.300 đồng. Trong khi nhóm bất động sản có sự phân hóa.
Trong phiên hôm nay, VNM lại bất ngờ tăng khá 2,03%, lên 206.100 đồng, chặn đà rơi của VN-Index. Cũng góp phần hỗ trợ cho thị trường còn có VIC, SAB với mức tăng nhẹ.
Trong khi đó, trên HNX do không có sự hỗ trợ của các mã lớn như VNM, VIC, SAB, trong khi mã lớn nhất sàn là ACB đóng cửa trong sắc đỏ, các mã lớn khác giảm sâu như SHB, VCG, PVI, PVS khiến HNX-Index giảm mạnh hơn VN-Index.
Cụ thể, chốt phiên chiều, HNX-Index giảm 1,73 điểm (-1,36%), xuống 125,6 điểm với 74 mã tăng và 101 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 72,46 triệu đơn vị, giá trị 1.157,45 tỷ đồng, 26,2% về khối lượng và 9,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9 triệu đơn vị, giá trị 122,9 tỷ đồng.
Trong Top 10 cổ phiếu lớn nhất sàn HNX, chỉ có VCS và DL1 đi ngược xu thế, trong đó VCS tăng 1,11% lên 228.000 đồng và DL1 tăng 0,22% lên 46.000 đồng, còn lại đều chìm trong sắc đỏ.
Cụ thể, ACB giảm 1,53% xuống 45.200 đồng với 5 triệu đơn vị được khớp; SHB giảm 3,94% xuống 12.200 đồng với 21 triệu đơn vị được khớp, đứng đầu sàn HNX; PVS giảm 2,4% xuống 24.400 đồng với 4 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, VCG giảm 4,33% xuống 24.300 đồng, VGC giảm 0,86% xuống 23.100 đồng, PVI giảm 4,82% xuống 39.500 đồng…
Giống các anh em trên HOSE, KLF hôm nay cũng hút mạnh dòng tiền, trong khi lực cung đã hãm lại trong phiên chiều, khiến mã này chỉ được khớp 5,4 triệu đơn vị, đứng sau SHB và đóng cửa ở mức trần 2.500 đồng, còn dư mua giá trần hơn 6 triệu đơn vị. Một số mã nhỏ khác tăng ấn tượng hôm nay như VE9, MST, SDP, SDD, MPT, L61…
Trên UPCoM, thị trường cũng chỉ giao dịch trong sắc đỏ suốt phiên chiều khi các mã lớn như POW, BSR, HVN, MSR, SDI, VSN, VGT đều chìm trong sắc đỏ.
Chốt phiên chiều nay, UPCoM-Index giảm 0,57 điểm (+0,93%), xuống 60,45 điểm với 72 mã tăng và 59 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 34,8 triệu đơn vị, giá trị 789,52 tỷ đồng, tăng 30,5% về khối lượng và 22,8% về giá trị so với phiên hôm qua, chủ yếu có sự đóng góp thêm của OIL. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,1 triệu đơn vị, giá trị 67 tỷ đồng.
Đà tăng của tân binh OIL bị hãm mạnh trong phiên chiều và chỉ đóng cửa ở sát mức giá thấp nhất ngày 24.200 đồng, tăng 19,8% với 8,31 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu UPCoM về thanh khoản. Trong phiên sáng, có lúc OIL tăng hơn 36%, lên 27.500 đồng. Mức giá trung bình 25.500 đồng, tăng 26,2% (đây là mức giá tham chiếu cho phiên ngày mai).
Trong khi đó, hiệu ứng lên sàn của POW và BSR chấm dứt khi cả 2 đều đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm lần lượt 3,43%, đóng cửa ở mức 16.800 đồng với 7,2 triệu đơn vị và giảm 2,61%, đóng cửa ở mức 29.900 đồng với 2,77 triệu đơn vị được khớp. Mức giá trung bình của 2 mã này lần lượt là 17.200 đồng và 30.500 đồng, giảm nhẹ 1,71% và 0,65%.
Trong khi đó, ART cũng nối gót FLC, HAI, AMD, KLF đóng cửa ở mức trần 10.300 đồng với 2,1 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 2 triệu đơn vị. Tuy nhiên, mức giá trung bình trong phiên hôm nay của ART là 10.100 đồng, tăng 12,2%.
Chứng khoán phái sinh hôm nay có 34.686 hợp đồng được chuyển nhượng với tổng giá trị 3.804 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với phiên trước. Cả 4 mã phái sinh hôm nay đều giảm từ 1,5% đến hơn 2,5%.