Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Kiểm soát tín dụng ở lĩnh vực rủi ro
Thùy Vinh - 10/01/2020 15:46
 
Sáng ngày 10/1, ngành ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch 2020. Tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, với mục tiêu tín dụng ngành ngân hàng đưa ra năm nay ở mức 14%, dòng vốn sẽ được hướng vào lĩnh vực ưu tiên (sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp, nông thôn...), đồng thời kiểm soát chất lượng tín dụng ở lĩnh vực rủi ro.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, mặt bằng lãi suất trong năm qua đã được ngành ngân hàng nỗ lực giảm, với 2 lần giảm lãi suất điều hành và giảm lãi suất cho lĩnh vực ưu tiên.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đưa ra ở mức 14% năm nay, chủ trương của ngành là hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lĩnh vực rủi ro. Trong đó, phải kể đến bất động sản, các ngân hàng cũng phải thận trọng khi rót vốn vào những dự án bất động sản, nếu không thận trọng sẽ khó tránh rủi ro nợ xấu, vì điều này đã từng xảy ra trong quá khứ.

Hiện nợ xấu (tính cả nội bảng và ngoại bảng) của ngành ngân hàng là 3,5-3,6% so với mức của 2016 là 10,6% và mục tiêu năm nay giảm xuống dưới 3%. Vì thế, việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu luôn đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh.

Tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng năm 2019 đạt mức tăng trưởng chưa tới 14%. Riêng tại địa bàn TP.HCM, báo cáo tại hội nghị sáng ngày 10/1, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, dư nợ cho vay đạt 303.427 tỷ đồng (tăng gần 6,3% so với năm 2018) với 8.555 khách hàng. Trong số này phần lớn là các khoản vay ngắn hạn với vòng quay tín dụng từ 3-4 tháng và lãi suất ưu đãi. 

Số liệu Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cũng cho thấy, dư nợ cho vay ngắn hạn (tính đến tháng 11-2019) đạt 162.939 tỷ đồng với 31.506 khách hàng. Trong đó cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 26.364 tỷ đồng, xuất khẩu 12.809 tỷ đồng, doanh nghiệp vừa và nhỏ 117.391 tỷ đồng, công nghiệp hỗ trợ 6.047 tỷ đồng, cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 328 tỷ đồng, chương trình bình ổn giá là 366 tỷ đồng

Vốn huy động ngoại tệ đạt 322.000 tỷ đồng, chiếm 13% nguồn vốn huy động, trong tổng 2.176.500 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 169.000 tỷ đồng, chiếm 7,3% trong tổng dư nợ tín dụng, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm 48,5%, dư nợ trung và dài hạn đạt 1.186.000 tỷ đồng, chiếm 51,5% trong tổng dư nợ tín dụng.

Nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM được kiểm soát, tổng nợ xấu 2,1% (tín hđến 30/11/2019), năm 2018 là 2,64%. Thu nợ bằng tiền đạt 44.600 tỷ đồng, chiếm 44,8% trong tổng nợ xấu xử lý được và tăng 51%, đây là xu hướng tích cực. Hầu hết các tổ chức tín dụng trên địa bàn đều có kết quả kinh doanh dương và nợ xấu được kiểm soát.

Theo đó tính đến 11 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng trên địa bàn bằng 95,01% so với cả năm 2018. Số lượng khách hàng đang sử dụng dịch vụ thanh toán qua internet: khách hàng doanh nghiệp tăng 18,85%,  khách hàng cá nhân tăng 26,31%, tanh toán qua ngân hàng điện tử tiếp tục tăng số lượng món tăng 20,11%, doanh số thanh toán tăng 34,6%.

Một trong những ly do giúp hoạt động ngân hàng hàng trên địa bàn hoạt động hiệu quả hơn là nhờ cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và ngân hàng tiếp tục phát huy hiệu quả và củng cố niềm tin nhà đầu tư, niềm tin thị trường. 

Tín dụng 2020: Tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở mức 14% và lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN sẽ là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư