Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu 5 vấn đề lớn tác động trực tiếp tới thị trường M&A
Baodautu.vn - 09/08/2018 18:38
 
Tham dự Diễn đàn Mua bán sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2018 (Vietnam M&A Forum 2018) tổ chức ngày 8/8 tại Tp.HCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ có bài phát biểu và chia sẻ cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn

Thưa toàn thể quý vị,

        Tôi rất vui mừng tham dự Diễn đàn thường niên về mua bán - sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp (M&A) Việt Nam lần thứ 10 năm 2018 được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ KH&ĐT. Sự hiện diện đông đảo các nhà lãnh đạo DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Diễn đàn hôm nay không chỉ là nguồn cổ vũ to lớn đối với Ban tổ chức Diễn đàn, mà còn là biểu hiện sinh động về sự hưởng ứng của cộng đồng DN và nhà đầu tư trong nước và quốc tế đối với chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư nói chung và đầu tư theo hình thức M&A nói riêng của Việt Nam.

        Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin chào mừng tất cả các quý vị và bày tỏ tin tưởng Diễn đàn M&A năm nay sẽ mang lại nhiều kết quả thiết thực cho các cơ quan của Chính phủ, cũng như cho mỗi quý vị đại biểu tham dự, tạo động lực mạnh mẽ hơn thúc đẩy thị trường M&A Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững trong thời gian tới.

        Thưa quý vị,

        Diễn đàn M&A Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến chuyển nhanh và phức tạp, Việt Nam đang tiếp tục đà phát triển nhanh và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam đã hoàn thành và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu đề ra và đạt nhiều mốc “kỷ lục” mới. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,5%, lãi suất và tỷ giá ổn định, kim ngạch thương mại đạt kỷ lục 425 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ đạt trên 60 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP tiếp tục đạt mức cao, tăng 7,08% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất từ năm 2011 trở lại đây.

        Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục gia tăng. Năm 2017, vốn FDI đăng ký đạt 36 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm nay, vốn FDI đăng ký đạt 22,94 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017; vốn thực hiện đạt 9,85 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả đó cho thấy Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực ASEAN. Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đang trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 20% GDP, trên 70% kim ngạch XK của cả nước.

        Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ trên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng trước những thách thức lớn. Năng suất, hiệu quả, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa đạt yêu cầu. Khoảng cách phát triển so với nhiều nước trong khu vực còn lớn. Nhu cầu vốn đầu tư nhằm phát triển, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng là rất lớn, trong khi nguồn lực trong nước có hạn. KTVM tuy ổn định, nhưng áp lực lạm phát vẫn còn lớn; thị trường tài chính - tiền tệ, đặc biệt là TTCK còn không ít bất cập. Môi trường ĐTKD tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Cùng với đó là các tác động khó lường từ diễn biến phức tạp của tình hình địa-chính trị, kinh tế quốc tế...

        Nhận thức đầy đủ về những thách thức đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Tại Diễn đàn này, tôi muốn nhấn mạnh một số vấn đề sau đây có tác động trực tiếp tới sự phát triển của thị trường M&A Việt Nam:

        Một là, niềm tin đã dần trở lại trong xã hội, trong từng DN và trong mỗi chúng ta. Tin vào đường lối, tin vào sức mạnh nội lực để cùng hành động vì sự phát triển của đất nước, vì sự phát triển của DN. Chính phủ Việt Nam với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” đang đẩy mạnh thực hiện CCHC, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai minh bạch hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm, đề cao trách nhiệm thực thi công vụ nhằm tháo gỡ những rào cản, khơi nguồn động lực tăng trưởng mới.

        Hai là, khuyến khích phát triển mạnh mẽ KTTN. Nghị quyết 10 Hội nghị TW 5 khóa XII đã khẳng định chủ trương phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế TT định hướng XHCN. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tập trung vào các giải pháp chủ yếu là:

        - Hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường ĐTKD an toàn, ít rủi ro; Bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; Tăng cường khả năng tiếp cận CSHT và các nguồn lực; Hỗ trợ DNTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao NSLĐ; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN, thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển KTTN.

        - Phấn đấu đến đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60-65%...

        Có thể nói, khu vực KTTN của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới để phát triển trong một không gian kinh tế rộng mở dựa trên thể chế KTTT ngày càng được hoàn thiện. Tinh thần khởi nghiệp, tinh thần DN đang được thắp sáng và lan tỏa rộng rãi nhờ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ và chính quyền các địa phương trong việc cải thiện môi trường ĐTKD. WB xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc lên thứ 68/190; Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đánh giá Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam tăng 12 bậc, lên thứ 47/127 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được từ trước đến nay. Sự tiến bộ vượt bậc này đã thúc đẩy số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Năm 2017 đã có thêm 126.859 DN thành lập mới và con số này là 75.793 DN trong 7 tháng đầu năm nay.

        Ba là, quá trình TCC DNNN đang được đẩy mạnh với trọng tâm là CPH các TĐ, TCT nhà nước, thoái vốn nhà nước trong các DN. Tính tiêng trong 6 tháng đầu năm nay, 16 DNNN đã IPO và bán gần 46% vốn điều lệ cho các cổ đông chiến lược, trị giá gần 22.500 tỷ đồng, gấp 4,5 lần trị giá từ IPO của cả năm 2017. Các bộ, địa phương cũng bán vốn nhà nước tại 42 DN với giá trị 5.598 tỷ đồng.

Sau phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tham gia thảo luận, chia sẻ trong với các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp
Sau phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tham gia thảo luận, chia sẻ trong với các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp

        Như vậy, tổng thu từ CPH, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm đạt trên 28 nghìn tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, tổng số thu từ CPH, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng số thu từ CPH, thoái vốn giai đoạn 2011-2015. Các con số này cho thấy quá trình CPH DNNN đang đi vào thực chất, khác với trước đây là CPH nhiều DN, nhưng số vốn nhà nước bán ra lại không đáng kể. Đồng thời, yêu cầu đề cao chất lượng CPH và nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD của DNNN sau CPH đang được đáp ứng tốt hơn.

        Đặc biệt, đã thành lập Ủy ban QLVNN tại DN và đang hoàn tất các văn bản pháp lý để đưa vào hoạt động, thống nhất đầu mối trách nhiệm và thực hiện CPH, thoái vốn nhà nước trong DN, nâng cao trách nhiệm giải trình của đại diện chủ sở hữu nhà nước, đảm bảo thông tin công khai, minh bạch, thuận lợi cho sự tham gia của các nhà đầu tư, DN...

        Bốn là, quá trình CCHC, cải thiện môi trường ĐTKD, hỗ trợ DN đang được Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển KTXH đất nước. Chính phủ đã ban hành và thường xuyên chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết 19 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020 với các mục tiêu và giải pháp cụ thể.

        Từ đầu năm đến nay, đích thân Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc đối thoại với các DN trong nước và nước ngoài và theo dự kiến từ nay đến cuối năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ dành thời gian để chủ trì hai sự kiện lớn, đó là Hội nghị Tổng kết 30 năm ĐTNN và Hội nghị toàn quốc về DNNN.

        Năm là, để tận dụng những cơ hội và vượt qua thách thức của cuộc CMCN 4.0, Chính phủ đã ban hành và đang chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4, tập trung vào các giải pháp cụ thể là:

        - Thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực về CNTT-truyền thông; phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng; cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho người dân và DN dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.

        - Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh…; Tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia; xây dựng các cơ chế chính sách cụ thể để phát triển mạnh mẽ DN khởi nghiệp sáng tạo, nhanh chóng hấp thụ và phát triển các công nghệ sản xuất mới.

        - Thay đổi mạnh mẽ chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới.

        Tại Diễn đàn cấp cao về CN 4.0 mới đây tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “CMCN 4.0 mở ra thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại; đây chính là cơ hội lịch sử, nhưng đầy thách thức với công cuộc cải cách phát triển đất nước. Để không bỏ lỡ cơ hội này, trước hết Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số”. Hiện tại, Việt Nam đang thiết lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ làm chủ tịch trực tiếp chỉ đạo, các thành viên Ủy ban là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các bộ liên quan, đồng thời có sự tham gia của khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả của khu vực công-tư trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

        Sáu là, mặc dù quan hệ KTQT nói chung và TMQT nói riêng đang đứng trước những thách thức lớn, chưa có tiền lệ do chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chiến tranh thương mại, song Việt Nam tiếp tục kiên trì chủ động HNQT. Sau khi chính thức tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam đang tích cực đàm phán để có thể ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vào cuối năm nay. Đến nay, Việt Nam đã ký kết nhiều FTA; 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; 54 hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với các nước. Chính phủ cũng đang tìm kiếm các giải pháp để ứng phó với những diễn biến bất lợi trong quan hệ KTQT và thương mại đa phương toàn cầu.

        Ngoài ra, tôi muốn nói thêm rằng, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tình trạng thoái hóa biến chất của một bộ phận CBĐV đang được Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện quyết liệt. Những kết quả đạt được trong thời gian qua đang góp phần làm trong sạch bộ máy QLNN các cấp, nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, làm lành mạnh hóa môi trường ĐTKD, tạo sự công bằng và bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong việc tiếp cận các nguồn lực và cơ hội đầu tư. Chúng tôi tin rằng, những yếu tố nói trên đang tạo nên động lực mới thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 6,8%/năm trong giai đoạn 2018-2020 trên cơ sở ổn định KTVM và gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm công bằng XH.

        Thưa Quý vị,

        Cùng với tiến trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam theo đường lối đổi mới, chủ động hội nhập sâu rộng vào KTTG và được thúc đẩy bởi quá trình chuyển đổi, cơ cấu lại nền kinh tế, trong suốt thập kỷ qua, thị trường M&A tại Việt Nam đã phát triển sôi động. Năm 2017, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã lên tới 10,2 tỷ USD, tăng gần 10 lần so với năm 2009. Trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị các thương vụ M&A đạt trên 3,55 tỷ USD.

        Ngoài ra, số liệu thống kê về FDI tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay cho thấy, trong số 22,94 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, có tới 4,79 tỷ USD được thực hiện theo hình thức góp vốn, mua cổ phẩn, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung trong 10 năm từ 2009 đến nay đã có trên 4.000 thương vụ M&A được thực hiện với tổng giá trị 48,8 tỷ USD. Hoạt động M&A đang thực sự trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn, đồng thời là yếu tố quan trọng thúc đẩy tái cấu trúc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của DN nói riêng.

        Tôi đề nghị Diễn đàn năm nay cần tập trung đánh giá xu hướng của hoạt động M&A, những tác động tích cực cũng như những hạn chế, chỉ ra những cơ hội đầu tư và điều quan trọng nữa là đưa ra được các khuyến nghị chính sách nhằm khơi thông mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư trong nước và quốc tế theo hình thức M&A. Diễn đàn cũng cần thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tế về các thành công và thất bại của các thương vụ M&A, từ khâu đàm phán, ký kết hợp đồng đến “hậu M&A”, để hoạt động M&A ngày càng hiệu quả hơn.

        Đề nghị đại diện Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành, địa phương có mặt tại Diễn đàn lắng nghe và nghiên cứu, tiếp thu các đề xuất, kiến nghị hợp lý của các chuyên gia, các nhà đầu tư, doanh nghiệp để kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động M&A.

        Cuối cùng, tôi xin khẳng định rằng, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hành động vì một môi trường đầu tư thực sự lành mạnh, minh bạch, thuận lợi, khuyến khích hoạt động M&A phát triển cả về số lượng và chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế../

Thị trường mua bán, sáp nhập (M&A): Hào hứng đổ vốn vào hàng tiêu dùng, bất động sản
Một cuộc đua kỳ thú sẽ xuất hiện trên thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) nhắm vào thị trường gần 100 triệu dân trong tương lai của Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư