Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Thị trường mua bán, sáp nhập (M&A): Hào hứng đổ vốn vào hàng tiêu dùng, bất động sản
Hữu Tuấn - 09/08/2018 10:17
 
Một cuộc đua kỳ thú sẽ xuất hiện trên thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) nhắm vào thị trường gần 100 triệu dân trong tương lai của Việt Nam.

“Thỏi nam châm” 100 triệu dân

Thương vụ “bom tấn” Thai Beverage mua 53,59% cổ phần của Sabeco, với giá trị giao dịch đạt 4,94 tỷ USD đã trở thành tâm điểm của thị trường M&A năm 2017 và có lẽ cũng là của cả giai đoạn 2009 - 2018, bên cạnh thương vụ GIC Private Limited đầu tư khoảng 1,3  tỷ USD vào Vinhomes.

Hai thương vụ đình đám trên đang phản ánh một thực tế là, xu hướng xuyên suốt của thị trường M&A năm 2017 - 2018 và cả giai đoạn 2008 - 2018 là các nhà đầu tư ngoại rất hào hứng đổ vốn vào 2 lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam là hàng tiêu dùng và bất động sản. Điểm chung của 2 lĩnh vực này chính là sức tiêu thụ của thị trường 100 triệu dân trong tương lai.

Thương vụ giữa  TCC Holding và Metro Vietnam Cash&Carry là một trong những thương vụ bom tấn của người Thái tại thị trường M&A Việt Nam. Ảnh: Đ.T
Thương vụ giữa  TCC Holding và Metro Vietnam Cash&Carry là một trong những thương vụ bom tấn của người Thái tại thị trường M&A Việt Nam. Ảnh: Đ.T

Điều này thể hiện rõ trong Top 100 thương vụ M&A tiêu biểu trong thập kỷ qua. Có đến 7 thương vụ trong Top 10 và chiếm gần 50% trong 100 thương vụ là các ngành hàng sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, bán lẻ và bất động sản. Trong danh mục này, ngoài thương vụ Thai Beverage - Sabeco, GIC Private Limited - Vinhomes, còn có hàng loạt thương vụ quy mô tỷ USD như  Central Group - Big C 1,14 tỷ USD, Singha - Masan 1,1 tỷ USD, Fraser & Neave Ltd - Vinamilk 0,5 tỷ USD…

Theo Báo cáo thị trường M&A năm 2017 - 2018 của Nhóm Nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam, nếu năm 2016 là năm lên ngôi của bán lẻ với các thương vụ mua lại các chuỗi phân phối, thì năm 2017, ngành có tỷ trọng giá trị M&A lớn nhất là sản xuất hàng tiêu dùng (57%), tiếp đó là bất động sản (27%), tài chính - ngân hàng (4%), vật liệu hóa chất (3%). 6 tháng đầu năm 2018, bất động sản chiếm ưu thế với 66,75%.

“Những ngành đang được quan tâm nhất hiện nay là những ngành quan trọng trong việc tiếp cận thị trường hơn 93 triệu dân của Việt Nam. Việc mua lại những công ty sản xuất hàng tiêu dùng không chỉ là mua lại thương hiệu, mà còn mua lại mạng lưới phân phối để tiếp cận thị trường”, ông Đặng Xuân Minh, Giám đốc Công ty AVM, Trưởng nhóm nghiên cứu nhận xét.

Kết quả khảo sát của KPMG cho thấy, ngành tiêu dùng, thực phẩm được cho là sẽ có mức tăng trưởng M&A cao nhất. Ngoài ra, với mức đô thị hoá cao, bất động sản trở thành một kênh đầu tư đáng cân nhắc với các nhà đầu tư tham gia khảo sát.

Lý do khiến 2 lĩnh vực trên sẽ trở thành “thỏi nam châm” hút vốn đầu tư qua M&A là nhu cầu của dân số gần 100 triệu người trong tương lai, với gần 70% ở độ tuổi lao động, 34% sinh sống ở đô thị và GDP bình quân khoảng 2.385 USD/người (tăng 10% hàng năm), thị trường đang rơi vào giai đoạn “vàng” khi có tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng cao.

“Việt Nam có sức hấp dẫn lớn của thị trường hơn 93 triệu dân, với sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Những năm gần đây, ngành hàng tiêu dùng đã thu hút được lượng vốn lớn và theo dự đoán của chúng tôi, đây tiếp tục là ngành thu hút lượng lớn nhà đầu tư trong tương lai gần”, ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nhận định.

Cũng theo ông Thinh, lĩnh vực bất động sản cũng được kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế nói chung, tốc độ tăng trưởng dân số và đô thị hóa cao sẽ là những yếu tố thúc đẩy Việt Nam trở thành thị trường M&A hấp dẫn trong khu vực.

Cuộc đua của “tứ đại gia”

Năm 2017, giá trị thương vụ M&A tại Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò bên mua chiếm tới 91,8%. Thị trường được dự báo sẽ tiếp tục được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư ngoại, trong đó tập trung vào “tứ đại gia” là Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nổi bất nhất trong “tứ đại gia” nêu trên là Thái Lan. Trong Top 100 thương vụ nổi bật nhất thập kỷ qua, người Thái đã áp đảo với hàng loạt thương vụ bom tấn. Khẩu vị của người Thái là mua lại các mảng sản xuất tiêu dùng, thực phẩm (Sabeco, Masan), mua lại các hệ thống phân phối, bán lẻ (BigC, Metro, Nguyễn Kim), nguyên vật liệu (Prime Group, VCM, Xi măng Holcim), nhựa (Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong)…

“Các nhà đầu tư Thái Lan đưa ra mục tiêu và thực hiện quyết liệt hơn những nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác. Họ đầu tư vào các thương vụ lớn nhưng rất kín tiếng”, ông Đặng Xuân Minh nhận xét.

Nếu như “khẩu vị” của nhà đầu tư Thái Lan là bán lẻ và hàng tiêu dùng, thì các nhà đầu tư đến từ Singapore lại có vẻ “khoái khẩu” bất động sản. Ngoài thương vụ GIC Private Limited đầu tư 1,8 tỷ USD vào Vinhomes, thời gian qua, thị trường bất động sản đã ghi nhận một lượng vốn lớn đổ vào thị trường như: CapitaLand thành lập CapitaLand Vietnam Commercial Value-Added Fund (CVCVF) và Commercial Fund (CVCF) với tổng vốn 430 triệu USD để mua lại quỹ đất, tham gia phát triển các dự án bất động sản tại Việt Nam. Năm 2017 - 2018, CapitaLand đã thực hiện hàng loạt thương vụ M&A như mua lại dự án rộng 9.000 m2 tại Hà Nội; Dự án De La Sol, dự án 8.000 m2 tại quận 2 và VRG River View ở TP.HCM.

Trong khi đó, Keppel Land (Singapore) cũng thực hiện nhiều thương vụ M&A để phát triển các dự án như: Empire City có tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD, Saigon Sports City tổng vốn 500 triệu USD, Saigon Centre… Các đại gia khác như Mapletree Investment Pte Ltd, Laguna cũng thực hiện hàng loạt dự án tại Việt Nam…

Singapore sẽ tiếp tục là nhà đầu tư dẫn dắt thị trường bất động sản, cùng các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hồng Kông. Tuy nhiên, trong thời gian tới, rất có thể các nhà đầu tư Singapore sẽ “lấn sân” sang nhiều lĩnh vực mới như cảng biển và logistics.

“Việt Nam đang dần trở thành điểm đến cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tại châu Á. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Singapore, nhất là đối với các ngành như điện tử dân dụng, may mặc, sản xuất lương thực, cung ứng các dịch vụ phụ trợ như tự động hóa sectors và logistics”, ông Douglas Foo, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất Singapore cho biết.

“Đối thủ” chạy đua trong lĩnh vực bất động sản với các nhà đầu tư Singapore trong thời gian qua và cả trong tương lai chính là các nhà đầu tư Nhật Bản. Suốt thời gian dài, nhà đầu tư Nhật Bản thường đầu tư vào sản xuất, chế tạo, hàng tiêu dùng và tài chính. Điển hình là thương vụ Mitsubishi UFJ - VietinBank trị giá 744 triệu USD, Mizuho - Vietcombank 562 triệu USD, Unicham mua 95% cổ phần của Diana, Sumitomo mua cổ phần của Bảo Việt…

Thế nhưng, khoảng 3 năm gần đây, nhà đầu tư Nhật Bản bất ngờ “đổi lái”, thực hiện hàng loạt thương vụ M&A trong bất động sản. Dự án gây chấn động toàn thị trường là siêu dự án đô thị thông minh tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD tại Hà Nội của Tập đoàn Sumitomo với Tập đoàn BRG Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Aeon đầu tư xây dựng 6 siêu thị với tổng vốn hơn 800 triệu USD, Hankyu Hanshin Properties và Nishi Nippon Railroad hợp tác với Nam Long phát triển Dự án Akari City với tổng vốn đầu tư 7.676 tỷ đồng… Các quỹ Creed Group, Mitsubishi, Sanyo Homes, Daiwa House Group, Sumitomo liên tục thực hiện M&A với các doanh nghiệp bất động sản Việt.

Theo ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp phụ trách thị trường Việt Nam của RECOF Nhật Bản, bên cạnh lĩnh vực bán lẻ, thì những lĩnh vực phi ngân hàng như công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác sẽ là xu hướng đầu tư chính của các nhà đầu tư Nhật.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đang rất quan tâm tới mảng tài chính, fintech. Nửa đầu năm 2018, ông Michael DC Choi, Phó tổng giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (Kotra) đã tiếp đón gần 300 doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, ngân hàng, đặc biệt là fintech. “Dự kiến dòng vốn từ Hàn Quốc sẽ đổ vào Việt Nam thông qua con đường M&A là rất lớn trong thời gian tới”, ông Choi tiết lộ.

Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhận xét: “Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang chú trọng đầu tư vào thực phẩm, bán lẻ, tài chính - ngân hàng, với các thương vụ đình đám như Shinhan Việt Nam mua lại mảng bán lẻ của ANZ, CJ Group mua lại Cầu Tre và Minh Đạt, Daesang Corp mua lại Đức Việt… Tài chính là lĩnh vực được các nhà đầu tư Hàn Quốc đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây”.

Nhóm Nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam nhận định, khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam. Ngoài việc phải cạnh tranh với nhau, “tứ đại gia” này sẽ phải đối mặt với nhóm các doanh nghiệp Việt Nam mới trỗi dậy, là các tập đoàn tư nhân đang trên đà lớn mạnh như Vingroup, BRG, Masan, Hoà Phát, SHB…

Một cuộc chạy đua M&A hấp dẫn vào những lĩnh vực “hot”, phục vụ thị trường 100 triệu dân trong tương lai sẽ diễn ra…

Thị trường mua bán - sáp nhập (M&A): Động lực chính là sự trỗi dậy của khu vực tư nhân
Bên cạnh sự “máu lửa” của nhà đầu tư nước ngoài, thì sự trỗi dậy của khu vực tư nhân trong nước được xem là động lực chính thúc đẩy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư