Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Cẩn trọng với tăng lương tối thiểu vùng
Mạnh Bôn - 23/01/2021 10:13
 
Năm 2020, thu nhập của người lao động giảm, song theo ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, thời điểm này, chưa nên bàn việc tăng lương tối thiểu vùng.
.
Ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tất cả người dân, nhưng theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, thu nhập bình quân tháng của người lao động chỉ giảm 128.000 đồng so với năm 2019. Thưa ông, liệu con số này có đủ độ tin cậy?

Tôi khẳng định, số liệu này là chính xác. Cụ thể, thu nhập bình quân từ công việc của người lao động trong quý IV/2020 đạt 5,7 triệu đồng/tháng, tăng 212.000 đồng so với quý trước và giảm 108.000 đồng so với cùng kỳ năm trước đó. Thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương trong quý IV/2020 là 6,649 triệu đồng/tháng, tăng 125.000 đồng so với quý trước và giảm 130.000 đồng so với cùng kỳ năm trước; còn cả năm đạt 6,621 triệu đồng, giảm gần 100.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Các con số trên không phải là do ngành thống kê “vẽ ra”, mà hàng tháng, chúng tôi tổ chức điều tra, khảo sát thống kê về lao động, việc làm trên cơ sở thu thập thông tin từ hơn 200.000 hộ gia đình, mỗi hộ bình quân có 3 người trong độ tuổi lao động. Như vậy, để có được con số trên, ít nhất phải thu thập thông tin từ khoảng 600.000 người trong độ tuổi lao động với đủ mọi ngành nghề, lứa tuổi, công việc, địa bàn, giới tính.

Nếu quan sát xung quanh và tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, không nhiều người tin rằng, thu nhập của người lao động năm 2020 chỉ giảm 128.000 đồng/tháng?

Đây là mức giảm thu nhập của người lao động đang đi làm việc, không tính thu nhập của người thất nghiệp, người mất việc, nhưng không đi tìm việc làm vì bất cứ lý do nào và càng không phải là mức giảm thu nhập của toàn bộ lực lượng lao động nói riêng, người dân nói chung.

Tôi cho rằng, mức giảm thu nhập 128.000 đồng so với năm 2019 là phản ánh đúng thực tế, vì năm 2019, kinh tế tăng trưởng trên 7%, người lao động được thưởng Tết Canh Tý khá cao và việc thưởng Tết rơi vào tháng 1/2020, nên thu nhập quý I/2020 đạt trên 7,4 triệu đồng/tháng, tăng hơn 616.000 đồng so với quý IV/2019 và tăng 477.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Nhưng do Covid-19, thu nhập của người lao động giảm mạnh trong quý II, phục hồi dần trong quý III và quý IV, song cả năm 2020 vẫn bị giảm, thậm chí, nếu so với cùng kỳ năm trước, thì thu nhập của người lao động trong quý III và quý IV năm 2020 đều giảm.

Thông thường, nếu không có dịch bệnh, thu nhập của người lao động trong quý IV đạt khá cao và bao giờ cũng cao hơn cùng kỳ năm trước. Nhưng năm 2020, thu nhập của người lao động trong quý IV giảm so với cùng kỳ, cho thấy bức tranh thu nhập của người lao động đã phản ánh sát thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Đúng là, nếu quan sát từng đối tượng, thì thu nhập của người lao động năm 2020 có thể giảm cao hơn con số 128.000 đồng rất nhiều, nhưng đó chỉ là quan sát từng nhóm đối tượng cụ thể.

Ví dụ, lao động trong khu vực dịch vụ hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn… bị giảm rất mạnh, nhưng số người làm việc trong khu vực này chiếm quyền số rất nhỏ so với tổng số lao động. Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm số lao động rất lớn, nhưng thu nhập của khu vực này giảm không nhiều, chỉ giảm khoảng 100.000 đồng/tháng.

Ngược lại, mặc dù dịch bệnh, nhưng lao động trong một số ngành lại tăng thu nhập, như trong lĩnh vực thương mại điện tử, bảo hiểm, dịch vụ tài chính.

Cộng thu nhập của toàn bộ người lao động có việc làm và chia cho số người lao động đang làm việc thì được con số thu nhập của người lao động năm 2020 giảm 128.000 đồng/tháng so với năm 2019.

Và nếu tính cả lạm phát thì thu nhập chắc chắn giảm sâu hơn nữa, thưa ông?

Chỉ số giá tiêu dùng năm 2020 tăng 3,23%, nên nếu trừ đi lạm phát, thì thu nhập của người lao động chắc chắn giảm sâu hơn. Hơn nữa, trong năm qua, tất cả các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá. Đặc biệt, giá thực phẩm tăng 12,28%, trong đó, giá thịt lợn tăng hơn 57%. Do vậy, thu nhập hàng tháng của người lao động nói riêng, của người dân nói chung trong năm 2020 giảm cao hơn nhiều so với con số 128.000 đồng.

Ông có nghĩ rằng, mức giảm thực tế có đáng quan ngại không?

Trong giai đoạn 2016 - 2019, thu nhập của người dân mỗi năm đều được cải thiện, kể cả trừ đi yếu tố lạm phát. Năm 2020, mặc dù con số tuyệt đối chỉ giảm 128.000 đồng, nhưng cũng rất đáng quan ngại, đặc biệt với những ngành giảm rất sâu như hàng không, khách sạn, du lịch, lưu trú, vận tải, kho bãi… Nếu tính cả yếu tố tăng giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là giá thịt lợn, sẽ thấy đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã chính thức đề nghị tăng lương tối thiểu vùng kể từ ngày 1/7/2021, thay vì để đến hết năm 2021… rồi mới tính. Quan điểm của ông về tăng lương tối thiểu vùng thế nào?

Tôi cho rằng, đây là ý kiến, đề xuất rất nghiêm túc, nhưng phải tiếp tục nghiên cứu, tính toán hết sức cụ thể về tác động của tăng lương tối thiểu vùng tới doanh nghiệp, tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Năm 2020, cả nước có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, tăng 14% so với năm 2019. Việc này cho thấy, hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù Chính phủ đã thực hiện nhiều gói giải pháp hỗ trợ.

Nếu tăng lương tối thiểu vùng ngay trong năm nay sẽ tăng chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất, đặc biệt là những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như công nghiệp chế biến, chế tạo (dệt may, da giày, chế biến thủy sản, điện tử, máy tính…).

Nếu tăng lương, chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn sẽ thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, giãn việc, cho lao động nghỉ luân phiên, thì thu nhập của người lao động còn bị giảm xuống và các gói giải pháp hỗ trợ, cứu trợ của Chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 sẽ giảm hiệu quả.

Chưa tăng lương từ 1/7/2020
Quốc hội quyết định chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư