Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Phòng ngừa rủi ro tỷ giá dịp cuối năm
Vân Linh - 24/09/2023 09:17
 
Tỷ giá tiếp tục tăng nhẹ và khả năng từ nay đến cuối năm 2023 vẫn còn áp lực. Do đó, doanh nghiệp nên phòng ngừa rủi ro tỷ giá, nhất là dịp cuối năm.

Tỷ giá biến động

Giá USD niêm yết tại các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh trong thời gian qua, bán ra ở mức 24.550 đồng/USD tại Vietcombank ngày 20/9. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh USD so với các đồng tiền chủ chốt hiện duy trì trên 105,11 điểm.

Theo phân tích của các chuyên gia, tỷ giá “nổi sóng” thời gian gần đây không chỉ do USD tăng giá trở lại trên thị trường quốc tế. Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, ngược lại với chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ là một trong những nguyên nhân gây áp lực cho tỷ giá VND/USD.

Tuy vậy, tỷ giá vẫn có những yếu tố hỗ trợ như thặng dư thương mại 8 tháng đầu năm ước đạt 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm 2022 đạt 5,26 tỷ USD), tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,15 tỷ USD (tăng 8,2% so với cùng kỳ ), dòng kiều hối chuyển về nước đạt 10,13 tỷ USD (tăng 28% so với cùng kỳ). Do đó, rủi ro về tỷ giá được nhận định là không quá lớn như năm ngoái.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian qua, Mỹ nâng lãi suất điều hành lên 5 - 5,25%, mức cao nhất trong 22 năm; USD mạnh lên làm cho các đồng tiền đối ứng giảm đi một cách tương đối. Thế nhưng, NHNN vẫn quyết tâm giữ vững giá trị VND so với USD, nên nhiều năm nay, trong khi các đồng tiền trên thế giới mất giá nhiều, thì VND chỉ mất giá khoảng 2 - 3%. Như vậy, có thể tin tưởng rằng, từ nay đến cuối năm, VND sẽ ổn định so với USD và nếu có thì chỉ thay đổi 2 - 3% so với USD.

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng, trong bối cảnh NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu hạ lãi suất cho vay, áp lực lên tỷ giá có xu hướng dồn tích, khả năng VND giảm giá so với USD tiếp diễn trong các tháng cuối năm. Điểm thuận lợi là, giai đoạn này, nguồn cung ngoại tệ cùng tỷ giá ổn định nhờ một số yếu tố, nên VCBS duy trì dự báo mức mất giá hợp lý của VND so với USD khoảng 3% trong năm nay.

Phòng ngừa rủi ro

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, USD có thể có lúc tăng giá, nhưng sẽ quay về mức bình thường và hiện NHNN cũng chưa phải can thiệp vào tỷ giá. Do đó, các doanh nghiệp không nên tích trữ USD nếu không thật sự cần thiết, vì sẽ tạo cung cầu ảo, đẩy tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng. Khi nào doanh nghiệp cần thanh toán đơn hàng nhập khẩu, thì NHNN sẵn sàng nguồn cung. Nếu vội vàng tích trữ USD trong lúc giá đang cao, bản thân doanh nghiệp sẽ thiệt thòi.

Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ (Ngân hàng UOB Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất trong thời giam còn lại của năm 2023, dù có quan điểm khác nhau giữa các nhà hoạch định chính sách của Fed. Do vậy, UOB tiếp tục dự báo, tỷ giá sẽ có biến động trong mức kiểm soát mục tiêu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu về ngoại tệ cũng cần sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, tỷ giá VND/USD tăng cao sẽ giúp ích cho xuất khẩu. Tỷ giá VND/USD tăng cũng không quá cao, tính đến nay mới tăng khoảng 3 - 4% và chưa đáng quan ngại. Yếu tố tỷ giá tăng cao cũng mang tính mùa vụ, thường tăng vào giai đoạn quý III và cuối năm.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, khi USD tăng mạnh lên so với các đồng tiền khác, nếu Việt Nam vẫn cố gắng neo VND so với USD, thì cũng không tốt cho xuất khẩu - vốn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, có thể hy sinh một phần nào đó về tỷ giá để hỗ trợ tăng trưởng ở thời điểm hiện tại. Từ nay đến cuối năm, tỷ giá có thể lên trên 25.000 đồng/USD, sau đó về lại mức 24.000 đồng/USD, bởi kiều hối về nhiều vào cuối năm.

Sàn chứng khoán “đỏ lửa” ngày tỷ giá tăng nóng
Nhích tăng nhẹ trong phiên thứ Sáu, VN-Index quay đầu giảm hơn 15,5 điểm. Sắc đỏ lại trở lại áp đảo trên cả ba sàn. Khối ngoại cũng trở lại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư