Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Phóng viên nghị trường “ngày xưa” chuyên nghiệp hơn
An Nguyên - 21/06/2020 10:23
 
Đó là nhận định của nhà sử học Dương Trung Quốc.

Người trước khi làm đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa XI đến nay, đã có gần một nhiệm kỳ tác nghiệp ở hành lang Quốc hội trong vai trò phóng viên.

.
Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Thưa ông, khi còn làm phóng viên nghị trường, ông hay viết về “góc” nào của Quốc hội?

Khi đó (Quốc hội khóa X), tôi làm ở một tạp chí về lịch sử, nên không đưa tin thông tấn, mà quan tâm sâu đến lịch sử Quốc hội.

Vì thế, khi trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi hay có sự liên tưởng với lịch sử. Ngay trong kỳ họp đầu tiên, khi Quốc hội phê chuẩn các chức danh quan trọng, tôi phát biểu: tại sao lại để một chọn một, trong lịch sử thì những cuộc bầu cử luôn có nhiều ứng cử để lựa chọn.

Sau đó, tôi được biết báo chí được đề nghị không đưa tin về phát biểu “hồn nhiên” đó của đại biểu Dương Trung Quốc, đó là bài học sớm nhất của tôi trong 4 nhiệm kỳ liên tục làm đại biểu.

Từ khi đó, chắc ông cũng thông cảm hơn với cái “khó” của phóng viên nghị trường?

Khi đó, Quốc hội cũng họp ở đây, nhưng là Hội trường Ba Đình cũ, không gian ngày đó tạo cho đại biểu và phóng viên gần gũi hơn mỗi khi giải lao. Còn hiện nay, có thể do Nhà Quốc hội mới có các khu vực dành riêng cho đại biểu khi giải lao, nên việc trao đổi cũng không được gần gũi như ngày trước. Đó cũng là cái khó của phóng viên bây giờ. Nhưng dù thế, theo tôi, đại biểu Quốc hội nên tranh thủ cơ hội tiếp xúc báo chí nhiều hơn là né tránh.

Phải chăng, sự gần gũi của “ngày xưa” đó đã tạo nên một số tên tuổi trong làng báo nghị trường?

Đúng là ngày xưa, có những anh em phóng viên theo dõi hoạt động của Quốc hội rất sâu, nắm rất chắc hoạt động của Quốc hội, tính chuyên nghiệp rất cao. Sâu đến mức, họ nắm chắc cả tính cách, nhân thân của đại biểu và biết khai thác hợp lý, hiệu quả cả những thông tin đó.

Bây giờ thì không còn được như trước. Phóng viên nghị trường thiên về đưa tin nhiều hơn, ít có những bình luận sâu sắc về những vấn đề nảy sinh trong Quốc hội. Giữa những kỳ họp Quốc hội, có rất nhiều vấn đề nảy sinh trong đời sống, những vấn đề đó đi vào Quốc hội theo một cách riêng, rất cần được báo chí phản ánh. Tính minh bạch của Quốc hội thể hiện qua vai trò của báo chí, và đại biểu cần khai thác điểm này.

Và cá nhân ông đã khai thác rất hiệu quả?

Đại biểu Quốc hội là người nói lên tiếng nói của dân, nói cho ai nghe và ai nghe được tiếng nói của mình thì rất cần đến báo chí.

Liên quan đến tính minh bạch tại Quốc hội, đã nhiều lần ông phát biểu tại hội trường là cần thay đổi cách thức biểu quyết để cử tri thấy rõ đại biểu đồng ý/không đồng ý/không biểu quyết khi quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nhưng điều này có vẻ khó thực hiện?

Tôi đã qua 4 nhiệm kỳ Quốc hội và chứng kiến những thay đổi rất tích cực, bao gồm cả ứng dụng công nghệ trong hoạt động của Quốc hội.

Điều mà tôi đã rất băn khoăn, nhiệm kỳ nào tôi cũng nêu lên là cần minh bạch hóa kết quả biểu quyết, bấm nút điện tử thì nhanh nhạy và chính xác, nhưng nó là vô nhân xưng. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI thì mỗi người có một cái biển, khi biểu quyết, ai đồng ý thì giơ lên, mọi người đều chứng kiến được ngay. Giờ chỉ có con số, chứ không biết chính kiến của ai với ai cả. Người dân rất cần giám sát đại biểu họ bầu ra, xem quan điểm của đại biểu đó có phù hợp với suy nghĩ, nguyện vọng của họ không và điều đó thì cử tri có thể biết được qua báo chí.

Theo ông, đại biểu nên “khai thác” báo chí thế nào cho công việc của mình để đạt được hiệu quả cao nhất?

Theo kinh nghiệm của tôi, mỗi đại biểu nên có những phóng viên đáng tin cậy trực tiếp hỗ trợ cho mình, chuyển tải đúng ý kiến của mình, đúng lúc, đúng chỗ, thì sẽ làm cho tiếng nói của đại biểu đến được với công chúng và chính công chúng đánh giá đầy đủ nhất vai trò của đại biểu Quốc hội.

Chắc hẳn, ông đã có những phóng viên “ruột” như vậy?

Tôi có chứ, đó là những người đã làm việc nhiều với mình. Trước khi ngồi trong nghị trường, tôi đã đứng ở hành lang rất nhiều rồi và rất hiểu vai trò của báo chí như thế nào, khai thác như thế nào cho công việc làm đại biểu Quốc hội của mình.

Tôi vẫn muốn nhắc lại là trước đây (một, hai nhiệm kỳ gần đây), thì đại biểu và báo chí hòa đồng hơn. Bây giờ “nề nếp” hơn, thì đôi khi tạo sự cách biệt.

Với riêng ông, thì hình như sự cách biệt này không tồn tại?

Với tôi, báo chí là kênh tốt nhất để kiểm nghiệm xem ý kiến của mình có tác động xã hội hay không, tác động tích cực hay tiêu cực. Làm sao mà chỉ qua các cuộc tiếp xúc cử tri ít nhiều còn mang tính hình thức như hiện nay có thể chuyển tải hết chính kiến, quan điểm của đại biểu về những vấn đề cử tri quan tâm được. Thế nên, tôi luôn sẵn sàng trao đổi với báo chí, trong suốt 4 nhiệm kỳ làm đại biểu của mình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư