Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Phú Thọ đánh thức đất vàng du lịch
Diệu Thúy - 19/09/2013 08:08
 
Để du lịch Phú Thọ phát triển tương xứng với tiềm năng, từ nay đến năm 2015, tỉnh Phú Thọ sẽ đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình du lịch - thương mại - dịch vụ phù hợp với đặc điểm tài nguyên du lịch. Du lịch biển Việt Nam có 6 điểm đến tầm quốc tế

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Phú Thọ là vùng đất cổ với nhiều di sản văn hóa. Trong đó, Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng là một không gian văn hóa có một không hai, vô cùng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng (Phú Thọ) là một không gian văn hóa có một không hai của Việt Nam

Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Vườn quốc gia Xuân Sơn là một trong 13 vườn quốc gia của Việt Nam có đa dạng sinh thái phong phú.

Mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy có trữ lượng lớn hàm lượng nguyên tố vi lượng hữu ích…

Nhiều người từng nói, Phú Thọ là đất “vàng” để phát triển du lịch.

Ngoài di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ còn có nhiều di tích lịch sử và các danh thắng đẹp: Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Tam Giang, chùa Đại bi, Ao Giời - Suối Tiên, đầm Ao Châu, đầm Vân Hội...; cùng các lễ hội: Lễ hội Trò Trám - Tứ Xã, Hội Phết - Hiền Quan, Hội bơi chải - Bạch Hạc, Hội rước voi - Đào Xá… Tất cả đã tạo cho Phú Thọ một tiềm năng vô cùng to lớn về du lịch, có thể phát triển khá đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, tham quan, nghỉ dưỡng.

Với hơn 30 dân tộc anh em cùng sinh sống trên vùng đất cổ Phú Thọ, từ hàng ngàn năm nay, di sản văn hóa phi vật thể của Phú Thọ khó có thể kể hết. Đây là kho tàng di sản văn hóa vô giá, là niềm tự hào của vùng đất mạch nguồn trong dòng chảy lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, từ thời Hùng Vương dựng nước đến Thời đại Hồ Chí Minh giữ nước.

Song điều đáng nói là, lâu nay, Phú Thọ vẫn chưa thật sự là “điểm đến” của khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, du lịch đã góp phần tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Nếu tính mức tham quan trong ngày, thì du khách đến Phú Thọ tương đối cao, nhưng lưu trú lại đạt rất thấp so với các tỉnh khác trong khu vực trung du miền núi.

Chỉ tính năm 2012, tỉnh Phú Thọ đón 6,1 triệu lượt khách, trong đó tới 5,5 triệu là khách trong ngày. Mức chi tiêu chỉ đạt khoảng 250.000 đồng đối với khách lưu trú, khoảng 100.000 đồng đối với khách trong ngày, thấp hơn mặt bằng chung cả nước 400.000 - 600.000 đồng.

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do việc đầu tư phát triển du lịch chưa tương xứng với tầm vóc của một địa phương có các di tích lịch sử quốc gia và thế giới, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn thiếu, chất lượng thấp, chưa tạo được những sản phẩm du lịch đặc thù có chất lượng cao, xuất phát điểm thấp, nên chưa tập trung khai thác đồng bộ các tiềm năng du lịch.

Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn chưa nhiều và khả năng cạnh tranh hạn chế, nên chưa khai thác hết tiềm năng du lịch của tỉnh. Nhiều dự án chậm triển khai, các hạng mục đưa vào khai thác chiếm tỷ lệ thấp.

Một trong những nguyên nhân nữa là do chưa có những doanh nghiệp du lịch và những nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch có tiềm lực tạo ra những điểm vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái hoàn chỉnh, với những sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, để tăng mức chi tiêu bình quân của khách trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Phần lớn khách du lịch đến Phú Thọ với loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch lễ hội với mức chi tiêu thấp.

Để ngành công nghiệp không khói phát triển

Để du lịch Phú Thọ phát triển tương xứng với tiềm năng, tỉnh Phú Thọ đã có kế hoạch từ nay đến năm 2015 đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình du lịch - thương mại - dịch vụ phù hợp với đặc điểm tài nguyên du lịch, gắn với các địa bàn trọng điểm du lịch, tạo thành cụm liên kết phục vụ phát triển du lịch;

Tỉnh cũng tập trung xây dựng các tour, tuyến; liên kết các khu, điểm du lịch, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, làng nghề truyền thống; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh tạo sức hút cho du khách; đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng được nhu cầu...

Phú Thọ phấn đấu xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch thiết yếu, từng bước đưa vào khai thác các dự án thành phần của 5 khu du lịch: Thành phố Việt Trì và Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Vườn quốc gia Xuân Sơn, Khu đô thị sinh thái du lịch nghỉ dưỡng thể thao Tam Nông; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; Khu du lịch đầm Ao Châu, đầm Vân Hội, Ao Giời - Suối Tiên; mỗi năm thu hút từ 6-6,5 triệu lượt du khách; doanh thu năm 2015 đạt 1.500 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm, tạo việc làm cho 20.600 lao động

Để sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2015, Phú Thọ đang từng bước đưa ra nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, như hỗ trợ về đất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, phí hạ tầng, chi phí san lấp mặt bằng, các dịch vụ và xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại...; tăng cường xúc tiến quảng bá, xã hội hóa ngành du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu đáp ứng cho nhu cầu phát triển của ngành; đổi mới phương thức, nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với các thông tin về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.

Tỉnh khuyến khích phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch; tiếp tục làm giàu các tài nguyên du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường thông thoáng thu hút và tháo gỡ những vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch.

Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Phú Thọ đã chú trọng tập trung quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng kêu gọi, thu hút đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm của tỉnh.

Đến nay, tỉnh đã có 3 khu du lịch, gồm Đền Hùng, nước khoáng Thanh Thủy, Vườn quốc gia Xuân Sơn, đã đưa vào khai thác một số hạng mục phục vụ khách du lịch; một số khu du lịch dịch vụ đang triển khai xây dựng, sớm đưa vào sử dụng.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng, hy vọng đến năm 2015, du lịch Phú Thọ sẽ có những bước phát triển mới để từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và Phú Thọ sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Cú hích thương hiệu du lịch Việt
Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 được kỳ vọng sẽ tạo cú hích trong xây dựng thương hiệu, tạo một hình ảnh mới cho du...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư