Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Phục hồi nền kinh tế: Các lựa chọn chính sách nào cho Việt Nam? (Bài 2)
Nếu tư duy rằng, chi hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cũng là một hình thức đầu tư vào động lực tăng trưởng kinh tế, thì có thể vận dụng linh hoạt các nguồn vốn chưa giải ngân.

Đại dịch Covid-19 vẫn chưa biết lúc nào kết thúc, mọi thứ phía trước vẫn còn bất định. Tuy nhiên, một điều mà chúng ta biết chắc chắn sẽ xảy ra, đó là hành vi kinh doanh và tiêu dùng sẽ thay đổi vĩnh viễn hậu đại dịch. Doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ khẩn cấp của Nhà nước. Nhưng để các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả, doanh nghiệp nhận hỗ trợ cũng phải có khả năng thay đổi để phục hồi. Chính sách kinh tế cũng phải thay đổi trong môi trường mới này. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2021 giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước

Bài 2: Không thể chọn bảo toàn ngân sách thay vì bảo vệ động lực tăng trưởng

Chỉ cần thay đổi tư duy rằng, chi hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cũng là một hình thức đầu tư vào động lực tăng trưởng kinh tế, chứ không phải chi tiêu, thì có thể vận dụng linh hoạt các nguồn vốn đầu tư phát triển chưa giải ngân.

Bảo toàn ngân sách quan trọng hơn là bảo vệ động lực tăng trưởng?

“Việt Nam đang đứng trên góc độ bảo toàn ngân sách nhiều hơn là bảo toàn động lực, đầu tư cho tăng trưởng, thể hiện ở việc chi tiêu của Chính phủ Việt Nam dành cho an sinh xã hội hiện còn ở mức khiêm tốn, trong khi ngân sách vẫn thặng dư, trần nợ công của Việt Nam sau đánh giá chỉ ở mức 44% GDP - thấp nhất trong khu vực”, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB đã bày tỏ như vậy trong trao đổi với báo chí.

Trong khi đó, trong bài viết mở đầu loạt bài này, GS-TS. Trần Ngọc Thơ đã nói đến trạng thái không dám bước ra khỏi vùng an toàn của những người hoạch định chính sách tài khóa và tiền tệ: “Các cơ quan quản lý tài khoá và tiền tệ càng có cơ sở áp dụng nguyên tắc ‘không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm’ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính để bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình hơn nữa”.

Một điểm nổi bật từ hai phát biểu độc lập trên: chính sách không dám bước ra khỏi vùng an toàn, tập trung vào những mục tiêu của thời bình thường là duy trì thặng dư ngân sách, bảo đảm trần nợ công và không dám có các hỗ trợ đột phá cho doanh nghiệp và người dân, trong khi động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang cạn dần.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45.100 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tám tháng đầu năm 2021, Chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.HCM và nhiều tỉnh miền Nam giảm hơn 49%. Lĩnh vực dịch vụ, nhất là bán buôn, bán lẻ, vốn đóng vai trò quan trọng ở TP.HCM, sụt giảm mạnh, thể hiện qua báo cáo Community Mobility Reports của Google. Một thành phố dịch vụ mà di chuyển đến khu vực bán lẻ, vui chơi, tiệm tạp hóa, nơi làm việc giảm 71-89% thì còn có thể hoạt động như thế nào? Theo Cục Thống kê TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2021 ước giảm 15,9% so với tháng trước và giảm 59,4% so với cùng kỳ năm trước.

Một vài chấm phá như vậy để thấy động lực tăng trưởng kinh tế đã bị tổn hại nặng và kiệt quệ ở những đầu tàu như TP.HCM. Mở cửa lại hoạt động sản xuất không thể khiến những động lực này hồi phục ngay nếu không có những gói hỗ trợ kinh tế kịp thời.

Con số GDP âm 6,17% của quý III/2021, mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay là hệ quả rõ ràng nhất của việc kiệt quệ các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Đáng lo hơn là phần dịch vụ giảm tới 9,28%, trong khi các dự thảo khôi phục kinh tế phần lớn tập trung vào sản xuất, còn các quy định giãn cách xã hội sẽ tiếp tục làm khó khu vực dịch vụ, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức.

Điều này đặt ra yêu cầu chính đáng là cần có một gói hỗ trợ kinh tế rộng cho đủ loại thành phần kinh tế và không chỉ tập trung vào một số ngành nghề hay doanh nghiệp.

Thế nhưng, những gói hỗ trợ của ta, vốn đã ít hơn các nước, lại đang chỉ nhắm vào một vài mục tiêu lớn, có liên quan mật thiết đến Nhà nước, đang bỏ ngỏ khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này hoàn toàn trái với những động thái hỗ trợ doanh nghiệp của nhiều nền kinh tế đã hồi phục tốt giữa đại dịch trong năm nay. Nói cách khác, tiền vẫn đang chi cho các mục tiêu an toàn, dễ giải trình, hơn là chi đúng mục tiêu cần thiết.

Các nước làm như thế nào?

Ở Anh, nơi tôi sinh sống, tôi quan sát được hơn 10 gói chi tiêu hỗ trợ đủ loại hình doanh nghiệp và chủ thể nền kinh tế từ tháng 4/2020 đến nay. Trong đó, nổi bật là các gói chi tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữ lại việc làm trong nền kinh tế, bên cạnh gói kích thích kinh tế cho các doanh nghiệp lớn.

Việt Nam còn dư địa ngân sách và những nguồn tiền chưa dùng đến có thể chuyển mục đích sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế.

Lấy ví dụ, gói hỗ trợ CBILS (Coronavirus Business Interruption Loan Scheme) dành cho các doanh nghiệp có doanh thu dưới 45 triệu bảng Anh sẽ được vay 5 triệu bảng Anh do Nhà nước bảo lãnh 80% và lãi suất 12 tháng đầu tiên sẽ do Nhà nước chi trả. Hơn 100 ngân hàng và tổ chức tài chính cam kết tham gia kế hoạch này.

Các doanh nghiệp lớn có gói hỗ trợ đối ứng tương tự mức vay 50 triệu bảng Anh. Các doanh nghiệp lớn còn có thể phát hành trái phiếu ngắn hạn và Chính phủ Anh mua vào để hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp (Chương trình CCFF).

Ngoài ra, Chính phủ Anh mở ra Quỹ Tương lai (Future Fund), với quy mô 500 triệu bảng Anh để hỗ trợ riêng cho các start-up, trong đó 250 triệu  bảng là từ Chính phủ, 250 triệu bảng còn lại do các quỹ đầu tư tư nhân bỏ ra. Hợp tác công tư là một điểm đáng chú ý trong tiến trình hỗ trợ doanh nghiệp của Anh. Tư nhân bỏ vốn rất nhiều, nhưng Chính phủ đứng đằng sau bảo đảm và chi ngân sách đối ứng cho những khoản lãi vay trong 12 tháng, bỏ vốn mồi, hoặc trực tiếp hỗ trợ trả lương cho doanh nghiệp.

Một trong những chương trình nổi tiếng và gây tranh cãi nhất là Job Retention Scheme, nghĩa là doanh nghiệp nào phải cho nhân viên nghỉ giãn việc (furlough), thì có thể xin Bộ Tài chính hỗ trợ tiền (giới hạn là 80% tiền lương và mức tối đa là 2.500 bảng Anh/tháng) cho giai đoạn những nhân viên đó không thể làm việc so với bình thường, miễn là doanh nghiệp đồng ý không sa thải họ. Đây là khoản tài trợ (grant), nên không cần hoàn lại.

Đúng ra, chương trình trên đã dừng lại vào tháng 10/2020, nhưng đã được kéo dài ra đến tận tháng 9/2021. Theo Statista, con số chi tiêu của Chính phủ Anh từ tháng 4/2020 đến tháng 8/2021 đã vượt qua 68 tỷ bảng Anh chỉ cho chương trình này.

Mặc dù trước đây, có nhiều chỉ trích rằng, chương trình này là lãng phí, nhưng thực tế mở cửa lại kinh tế Anh cho thấy, nếu không có chương trình này, nhiều doanh nghiệp đã phá sản, thì không thể mở cửa lại nền kinh tế được, vì khi mở cửa ra, tất cả đều đứt gãy hết, không thể khôi phục. Chuỗi cung ứng nhà hàng, dịch vụ dù còn trục trặc, nhưng vẫn vận hành lại được. Nếu không hỗ trợ họ, thì đến lúc này, mở cửa ra sẽ không còn nhà cung cấp, trung gian dịch vụ thanh toán, thiết bị nhà hàng..., thì có thể mất nhiều tháng mới vận hành lại được.

Cần phải có những chính sách đột phá và linh hoạt, xuất phát từ khối óc và trái tim

Những kinh nghiệm nêu trên chỉ ra rằng, việc tập trung vào “cứu” một số doanh nghiệp trọng điểm là luận điểm sai lầm và không phải cách đã khôi phục tăng trưởng kinh tế như Anh, Mỹ đã làm. Bởi vì, không có doanh nghiệp nào có thể tự vận hành một mình trong chuỗi cung ứng phức tạp như hiện nay, đặc biệt là doanh nghiệp lớn. Họ cần các doanh nghiệp phụ trợ, đối tác, nhà cung cấp và nếu các công ty kia vỡ nợ hay đóng cửa, thì cần vài tháng để lập lại doanh nghiệp mới mà vận hành. Chưa kể, các nhóm nhân sự mới làm việc không ăn ý, sẽ tốn nhiều thời gian để vận hành. 

Điều đó đặt ra áp lực cần phải có sự hỗ trợ trên diện rộng từ ngân sách, kết hợp với ngân hàng với tinh thần hợp tác công - tư, theo đó tư nhân hỗ trợ tiền vốn qua hệ thống tài chính, nhưng có sự đảm bảo của các quỹ nhà nước. Việt Nam đã có sẵn các quỹ hỗ trợ phát triển ở các tỉnh, thành phố, chỉ thiếu cơ chế giải ngân mà thôi. Trong khi nguồn vốn đầu tư công chưa giải ngân còn đến 50%, có thể chuyển một số tiền chưa sử dụng sang mục đích này. Giải cứu doanh nghiệp lúc này cũng là đầu tư công.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về các chương trình giải cứu và hỗ trợ kinh tế, Việt Nam chỉ mới chi 1,7% GDP cho các biện pháp hỗ trợ chi thêm từ ngân sách cho mục tiêu chống dịch và giảm thuế; 0,5% qua các hoạt động hỗ trợ không chi tiền (như cho hoãn đóng bảo hiểm xã hội). Con số này là cực kỳ khiêm tốn so với mức bình quân 9,7% GDP (cho chi trực tiếp) và 6,2% (cho hỗ trợ không chi tiền). Không tính những nước chi đến hơn 25% GDP như Mỹ hay bình quân trên 13% GDP của châu Âu, trong ASEAN, Thái Lan cũng đã chi 11% cho việc chi tiền trực tiếp và 4,2% cho các khoản chi gián tiếp. Mức chi tương ứng của Campuchia cũng là 4,1 và 2,3%.

Những con số trên cho thấy, Việt Nam còn dư địa ngân sách và những nguồn tiền chưa dùng đến có thể chuyển mục đích sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế. Chúng ta chỉ cần thay đổi tư duy rằng, chi hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cũng là một hình thức đầu tư vào động lực tăng trưởng kinh tế, chứ không phải chi tiêu, thì có thể vận dụng linh hoạt các nguồn vốn đầu tư phát triển chưa giải ngân.

Hình ảnh người xe ôm lay lắt sau giãn cách xã hội không phải chỉ là vấn đề xã hội. Về mặt kinh tế, đó chính là một đơn vị trong một động lực tăng trưởng quan trọng: chi tiêu tiêu dùng. Trong thời điểm khó khăn bất thường như hiện nay, chúng ta cần phải có những chính sách đột phá và linh hoạt, xuất phát từ khối óc và trái tim.

(Còn tiếp)

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Góc nhìn chuyên gia về phục hồi kinh tế
Phát biểu tại tọa đàm về kinh tế-xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng, cần khung chính sách về phục hồi, phát triển kinh tế với lộ trình phù hợp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư