Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 25 tháng 12 năm 2024,
PNJ lại thắng lớn mùa đón vía Thần Tài
Thanh Thủy - 26/03/2024 08:52
 
Dù sức mua chung suy giảm trong năm 2023 và vẫn còn “khiêm tốn” 2 tháng vừa qua, song sự hồi phục về doanh thu đầu năm là tín hiệu mừng cho tăng trưởng của PNJ thời gian tới.

Thêm một kỷ lục xác lập mùa Tết

Kết quả kinh doanh tháng 2/2024 của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố tiếp tục xác lập kỷ lục mới trong lịch sử hoạt động, với 4.649 tỷ đồng doanh thu thuần và 305 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tháng Giêng, cũng là dịp Tết và ngày vía Thần Tài nối ngay sau, luôn là những ngày bận bịu của các cửa hàng vàng, hãng trang sức tại Việt Nam hàng chục năm qua. Còn với PNJ, đến hẹn lại lên, những kỷ lục cũ về lợi nhuận liên tục bị “xô đổ” bởi các thành tích mới trong mùa kinh doanh cao điểm.

Năm nay, con số tăng trưởng không nằm ở sản lượng bán ra. Phía Công ty cho biết, tình hình sức mua chung trong mùa Tết 2024 là “khiêm tốn”. Như vậy, doanh thu tăng phần nhiều đến từ yếu tố giá. Ở chiều bán ra, giá vàng miếng SJC cuối ngày vía Thần Tài ở mức 78 triệu đồng/lượng, tăng hơn 15% so với năm trước. Chưa kể, các sản phẩm trang sức hay vàng khác cũng không nằm ngoài xu hướng tăng.

Tính chung 2 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PNJ tăng 22%, đạt 8.478 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế lại giảm nhẹ 1% so với nền kỷ lục năm ngoái, đạt 550 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp trung bình 2 tháng năm 2024 đạt 17,4%, thấp hơn mức cùng kỳ năm 2023 (19,4%), do sự thay đổi cơ cấu hàng hóa, biến động giá nguyên liệu và các yếu tố đầu vào khác.

Động lực chính cho mức tăng trưởng trên cũng chính từ vàng miếng/vàng 24K. Công ty cho biết, doanh thu trang sức bán sỉ 2 tháng đầu năm tăng 7,8%; trang sức bán lẻ tăng 8,4%; còn vàng 24K tăng tới 48,5%. Mức tăng trên có khiêm tốn, nhưng vẫn là tín hiệu tích cực nếu so với PNJ và bối cảnh chung toàn ngành năm ngoái.

“Doanh thu trang sức bán lẻ cả năm 2023 giảm 7,8% so với năm trước đó, thấp hơn nhiều so với mức giảm chung 16,5% của thị trường, nhờ chiếm thêm thị phần, gia tăng khách hàng mới và phát triển nhiều sản phẩm mới đa dạng, phù hợp thị trường. Đối với mảng trang sức bán sỉ, doanh thu giảm tới 30,5%, phản ánh sức cầu yếu chung của thị trường trang sức”, chuyên gia phân tích VCBS lý giải chi tiết về từng mảng kinh doanh. Hoạt động kinh doanh vàng miếng/vàng 24K ngày càng đóng góp nhiều hơn trong tổng doanh thu của PNJ các năm qua. Riêng năm 2023, doanh thu từ mảng này đạt hơn 11.313 tỷ đồng, tăng hơn 32% trước lo ngại về suy thoái toàn cầu.

Tổng doanh thu PNJ chỉ giảm 2,2% so với năm trước đó; còn lợi nhuận PNJ vẫn tăng 8,9%.

Theo đánh giá của chuyên gia VCBS, thành công lớn nhất của PNJ năm qua đến từ việc mở rộng được tập khách hàng mới là thế hệ trẻ tại các tỉnh nông thôn phía Bắc thêm 17%, trong khi sức mua toàn thị trường sụt giảm. Số lượng cửa hàng mở mới tăng là đi ngược với xu hướng thu hẹp của nhiều đối thủ cạnh tranh. Cùng với đó, PNJ thay đổi cơ cấu sản phẩm hàng bán, tăng tỷ trọng hàng có biên lợi nhuận cao để bù đắp một phần doanh thu giảm.

“Xông xênh” tiền mặt

Không chỉ ghi nhận sự phục hồi ấn tượng, năm 2023 còn là năm PNJ nắm thêm đáng kể lượng tiền mặt/tiền gửi ngân hàng. Lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 thặng dư tới 1.503 tỷ đồng. Ngoài nhờ lợi nhuận trước thuế tiếp tục duy trì ở mức cao, năm nay, PNJ còn hạn chế không tăng tích trữ tồn kho ồ ạt như năm liền trước. Dòng tiền hoạt động tài chính năm 2022 thu gần 1.450 tỷ đồng từ hoạt động phát hành riêng lẻ; còn năm 2023, Công ty tích cực chi trả nợ vay.

Tính chung cả năm 2023, dòng tiền hoạt động đầu tư và tài chính đều chi vượt thu nhiều hơn, nhưng lượng tiền mặt và tiền gửi dưới 3 tháng tại thời điểm ngày 31/12/2023 xấp xỉ 900 tỷ đồng. Cùng với khoản tiền gửi kỳ hạn 3-12 tháng, tổng lượng tiền tại PNJ đến cuối năm là 1.700 tỷ đồng, chiếm 12% tổng quy mô tài sản gần 14.430 tỷ đồng.

Phần lớn tài sản của PNJ đang nằm ở hàng tồn kho với giá trị hơn 10.940 tỷ đồng, tăng hơn 435 tỷ đồng trong năm qua. Đây là năm thứ hai liên tiếp, PNJ giữ tồn kho trên 10.000 tỷ đồng, tương ứng mức doanh thu cũng vượt trên 33.000 tỷ đồng. Tuy vậy, so với năm 2021 và 2022, mức tăng trưởng doanh thu cùng quy mô hàng tồn kho trong năm qua đều thấp hơn nhiều.

Chiến lược tăng trưởng của PNJ thời gian tới sẽ tập trung vào mở mới cửa hàng và tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ. Chuyên gia phân tích VCBS kỳ vọng, công ty trang sức này sẽ tiếp tục mở mới 35 - 40 cửa hàng/năm, tương ứng tăng 200 cửa hàng trong 5 năm tới để cán mốc 550-600 cửa hàng trên toàn quốc.

VCBS cũng dự báo, tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ có thể duy trì ở mức 8-10% trong 2 năm tới, trước kỳ vọng sức mua trang sức hồi phục, đặc biệt vào nửa cuối năm 2024. Rủi ro cho bài toán tăng trưởng nằm ở khả năng sức mua trang sức hồi phục chậm, điều mà PNJ cũng đã phải đương đầu trong năm 2023. Việc cán đích kế hoạch lợi nhuận đề ra cùng lượng tiền có sẵn sẽ là cơ sở để PNJ hoàn thành mục tiêu chi trả cổ tức 20% từng được cam kết với các cổ đông.

Đề xuất cấp hạn mức sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp

Báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng tại cuộc họp tuần trước do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo về thị trường vàng miếng và thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ; đồng thời, đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.
PNJ chi hơn 200 tỷ đồng tạm ứng cổ tức 6% bằng tiền mặt
Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư