Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
PVC kinh doanh tiếp tục thua lỗ, thoái vốn gặp nhiều bất lợi
Kỳ Thành - 08/08/2021 10:54
 
Bức tranh tài chính nửa đầu năm 2021 của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam cho thấy, Công ty lâm vào thế khó khi kinh doanh tiếp tục thua lỗ, hoạt động thoái vốn dậm chân tại chỗ.
.
Lũy kế đến ngày 30/6/2021, PVC lỗ 4.022 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC, mã PVX, UPCoM) mới được công bố cho thấy, lỗ lũy kế của Công ty đã vượt vốn điều lệ.

Cụ thể, trong quý II, PVC ghi nhận doanh thu thuần tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020, lên 607 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp trong kỳ của PVC lỗ 34,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gộp gần 23 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí, PVC lỗ trước thuế gần 59 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ chịu lỗ gần 46 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Lũy kế đến ngày 30/6/2021, PVC lỗ 4.022 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng.

Tính chung trong 6 tháng, PVC đạt doanh thu thuần 1.003 tỷ đồng, lỗ 87 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 63 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía Công ty, nguyên nhân khiến thua lỗ tăng so với cùng kỳ năm trước là do ảnh hưởng chung của Covid-19, nhiều đơn vị thành viên của PVC gặp khó khăn và phải trích lập dự phòng.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi đầu tháng 7/2021, PVC đặt mục tiêu đạt 1.383 tỷ đồng doanh thu, giảm 15% so với thực hiện năm 2020 và không đặt kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của PVC đạt 6.838 tỷ đồng giảm 14,4% so với đầu kỳ, phần lớn là tài sản ngắn hạn (5.004 tỷ đồng, chiếm 73%), trong đó, hàng tồn kho cuối kỳ là 2.215 tỷ đồng, Công ty cũng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 203 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 2.364 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở khoản phải thu khách hàng sau loại trừ công nợ nội bộ như Công ty mẹ PVC (1.602 tỷ đồng), Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và lắp máy DK (266 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư hạ tầng và đô thị DK (185 tỷ đồng)…

Đáng chú ý, dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi của PVC mặc dù giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm 2021, nhưng vẫn ghi nhận giá trị lớn lên tới 1.238 tỷ đồng. Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn 167 tỷ đồng, không thay đổi so với đầu năm.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả cuối kỳ là 6.117 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả người bán ngắn hạn 3.360 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn tổng cộng 1.026,5 tỷ đồng. Do lỗ lũy kế đã vượt vốn điều lệ, nên vốn chủ sở hữu của PVC ghi nhận giá trị 721 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2021.

Thoái vốn dậm chân tại chỗ vì nhiều bất lợi

Tại báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2020 của PVC, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán VACO đã đưa ra nhận định, khả năng hoạt động liên tục của PVC phụ thuộc vào kế hoạch thu hồi các khoản công nợ, tái cơ cấu các khoản đầu tư, hoàn thành và quyết toán các công trình dang dở để thu hồi tiền, các hỗ trợ tài chính từ các cổ đông và các chủ nợ.

Đối với các công ty liên kết, đầu tư tài chính, PVC sẽ tìm kiếm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần hoặc chờ cơ chế cho phép thoái vốn theo giá thị trường để thoái vốn theo quy định.

- Ông Lương Đình Thành, Tổng giám đốc PVC

Trong khi đó, báo cáo tài chính quý II/2021 của PVC cho thấy, các hoạt động này chưa thực sự có thay đổi đáng kể.

Cụ thể, các khoản phải thu ngắn hạn giảm nhẹ 14% so với đầu năm, xuống còn 2.364 tỷ đồng, chủ yếu là nhờ giảm các khoản phải thu ngắn hạn khác. Khoản phải thu dài hạn của khách hàng không còn được ghi nhận tại thời điểm cuối tháng 6, trong khi đầu năm được ghi nhận ở mức hơn 77 tỷ đồng.

Các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết gần như giữ nguyên, cho thấy PVC chưa thể thực hiện tái cơ cấu các khoản đầu tư. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 7, ông Lương Đình Thành, Tổng giám đốc PVC cho biết, Công ty vẫn đang tích cực triển khai các thủ tục và công tác thoái vốn PVC - Bình Sơn, PVC - IC, xúc tiến tìm kiếm các nhà đầu tư quan tâm để thực hiện thoái vốn tại các đơn vị PVC - Kinh Bắc, Petrolink...

“Các đơn vị nằm trong kế hoạch thoái vốn chủ yếu thua lỗ hoặc có số lỗ lũy kế lớn tạo nên những khó khăn cho PVC và các đơn vị thành viên trong việc thực hiện công tác tái cơ cấu, thoái vốn theo kế hoạch. Ngoài ra, hầu hết vị trí các dự án bất động sản của đơn vị thành viên ở các khu vực chưa thực sự thuận lợi để thu hút đối tác nhận chuyển nhượng đầu tư”, ông Thành lý giải.

Để khắc phục khó khăn và giảm lỗ trong thời gian tới, Ban lãnh đạo PVC cho biết sẽ tiếp tục triển khai công tác tái cấu trúc tổng thể doanh nghiệp theo định hướng công ty mẹ tham gia trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực xây lắp, đồng thời thoái vốn tại các đơn vị không thuộc chuỗi ngành nghề hoạt động chính của PVC.

Công ty cũng sẽ rà soát, đối chiếu và thu hồi công nợ, xây dựng kế hoạch chi tiết việc thu hồi và xử lý công nợ cho từng tháng, từng quý nhằm thu hồi vốn, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm tối đa chi phí tài chính do bị chiếm dụng vốn. Đồng thời, tích cực đàm phán với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để cơ cấu lại các khoản nợ, đàm phán giảm lãi suất vay vốn và thu xếp đủ vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và giải tỏa các khoản bảo lãnh trong thời gian tới.

Tổng thầu dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (PVX) bán “con” đỡ dòng tiền
Việc bán vốn tại một số công ty con phần nào mang về nguồn tiền cho PVX. Tuy nhiên, điều này không thể giúp chấm dứt chuỗi thời gian thua lỗ của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư