Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Hướng tới mục tiêu cao hơn, hiệu quả lớn hơn
Thanh Huyền - Chí Cường - 26/09/2023 09:50
 
Theo Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh, nhìn lại những trăn trở, tồn tại, vướng mắc cũng chính là một cách để hướng tới những mục tiêu cao hơn, hiệu quả lớn hơn trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Tọa đàm “Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và Hướng tới”. (Ảnh: Chí Cường)

Sáng 26/9, Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm chủ đề “Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và Hướng tới”.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tếnhư năng lượng, hạ tầng viễn thông, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, nguyên vật liệu…

DNNN đóng vai trò rất quan trọng trong dẫn dắt, tiên phong, mở đường, phát huy tối đa nguồn lực nắm giữ để tập trung cho đầu tư phát triển trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, DNNN phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và những ngành mới nổi.

Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với DNNN trên toàn quốc

Nhắc lại những đánh giá đối của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với DNNN trên toàn quốc cách đây 2 tuần, Tổng biên tập Lê Trọng Minh nhấn mạnh: “Qua những số liệu thống kê cũng như đánh giá của người đứng đầu Chính phủ có thể hình dung một bức tranh rõ nét về vai trò chủ đạo của DNNN, không chỉ trong vòng 2 năm qua mà còn xa hơn nữa, cùng với những gì mà những “quả đấm thép” này cần hướng tới trong tương lai. 

Nhưng theo ông Minh, nếu nhìn lại một cách kỹ lưỡng hơn, sâu xa hơn, bức tranh đó cũng không chỉ gồm những gam màu tươi sáng, bởi còn đó bộn bề nhiều trăn trở, vướng mắc và những tồn tại làm kìm hãm những kỳ vọng của lực lượng doanh nghiệp tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ về số lượng trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước nhưng nắm trong tay một nguồn lực khổng lồ có thể mang đến những kết quả tích cực hơn rất nhiều.

Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Chí Cường)

“Nhìn lại cả những trăn trở, tồn tại, vướng mắc đó cũng chính là một cách để hướng tới những mục tiêu cao hơn, hiệu quả lớn hơn, khi mà các nguyên nhân được nhận diện và những giải pháp tương ứng được kiến tạo”, ông Minh nói.

Cho biết Tọa đàm được tổ chức ngay trước thềm Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 5 và báo Đầu tư kỷ niệm 32 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên, ông Lê Trọng Minh khẳng định: “Chọn thời điểm sinh nhật để nhìn lại chặng đường quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo mô hình mới và hướng tới những khát vọng lớn hơn trong tương lai có lẽ cũng là điều rất có ý nghĩa với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - nơi đang chịu trách nhiệm nắm giữ gần 2/3 tổng vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của các DNNN trong cả nước với những cái tên không chỉ đã trở nên quen thuộc với trong nước mà cả cộng đồng quốc tế”.

Tọa đàm thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia, các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty. (Ảnh: Chí Cường)

Tổng biên tập Lê Trọng Minh cho biết, Tọa đàm mong muốn được có nhiều ý kiến thảo luận của đại diện từ các nhà quản lý, các chuyên gia và các thành viên của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại doanh nghiệp, những kinh nghiệm quý báu từ hành trình tái cấu trúc, phát triển doanh nghiệp; những phân tích, kiến giải về tình hình trong và ngoài nước, những vấn đề tích tụ và đề xuất để hoàn thành tốt những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra để đổi mới khu vực DNNN, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển trong thời gian tới.

Ông Minh cũng gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã luôn dành sự ủng hộ và hỗ trợ quý báu. Bên cạnh đó là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty thành viên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị đã đồng hành cùng chương trình như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Mobifone; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin); Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) và các đơn vị khác.

Tìm nguồn tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại DNNN
Việc hợp tác phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, công nghệ số... gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh sẽ được ưu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư