Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Quản trị tài chính yếu, start-up đối mặt với nguy cơ thất bại
Nhã Nam - 11/08/2018 08:09
 
Khởi nghiệp chưa bao giờ là công việc dễ dàng, có tới 90% start-up sẽ thất bại. Lý do thì vô vàn, nhưng một trong số đó, rất quan trọng, là các start-up thiếu một kế hoạch tài chính minh bạch.

Chỉ cách đây ít năm, The KAfe là một thương hiệu đình đám trong giới khởi nghiệp Việt Nam, với chuỗi các quán café kết hợp ẩm thực Âu - Á. Tháng 10/2015, tức là sau 2 năm đi vào hoạt động, nhà sáng lập của start-up này - Đào Chi Anh - đã huy động thành công 5,5 triệu USD trong vòng đầu tiên của quá trình gọi vốn từ các quỹ đầu tư tại London (Anh) và Hồng Kông (Trung Quốc), bao gồm nhà đầu tư nổi tiếng Cassia Investments.

Không ngừng mở rộng phạm vi kinh doanh với các thương hiệu The KAfe, The KAfe Village, The KAfe Box và The Burger Box, với 26 chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, nhưng bất ngờ, tháng 10/2016, Đào Chi Anh rút khỏi vị trí CEO và càng bất ngờ hơn nữa khi đầu tháng 4/2017, toàn hệ thống đóng cửa.

CEO tham gia giải quyết tình huống của chương trình là ông Trần Mạnh Đạt, Giám đốc Công ty cổ phần D và D
CEO tham gia giải quyết tình huống của chương trình là ông Trần Mạnh Đạt, Giám đốc Công ty cổ phần D và D

Sự thất bại của The KAfe, cho đến tận bây giờ, vẫn được coi là một bài học quý giá cho giới khởi nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân một start-up đình đám như thế lại có lúc đi vào ngõ cụt đã được nhiều chuyên gia phân tích. Và một trong những lý do quan trọng được nhắc đến, đó là vì các vấn đề liên quan đến quản trị tài chính.

Thông thường, để nhận được vốn đầu tư, các start-up sẽ “gật đầu” chấp nhận các chỉ tiêu liên quan đến doanh số, hiệu quả kinh doanh, số lượng chuỗi cửa hàng do nhà đầu tư đưa ra, mà không để ý đến tính khả thi. Kết quả là họ phải gồng mình lên để cố gắng, nhưng vẫn không hoàn thành chỉ tiêu. The KAfe vào thời điểm tháng 8/2016 còn bị tố là chây ì, không chịu thanh toán khoản nợ lên tới hàng tỷ đồng cho một công ty thực phẩm.

“Yếu tố tài chính rất quan trọng, nếu bạn muốn trình bày kế hoạch của mình với nhà đầu tư hoặc bên cho vay tiềm năng. Nó cũng quan trọng đối với nội bộ công ty, vì đóng vai trò như một lộ trình cụ thể để công ty bắt đầu hoạt động và tiếp tục phát triển”, Jennifer Spaziano, Phó chủ tịch phát triển kinh doanh của Accion (công ty phi lợi nhuận, chuyên cung cấp mạng lưới vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố tài chính trong kế hoạch kinh doanh như vậy.

Nhưng nhiều start-up Việt Nam khi bắt đầu khởi nghiệp lại không quan tâm đến vấn đề đó. Như một doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh lĩnh vực dịch vụ Digital Marketing, kinh doanh rất tốt, sau một năm, đạt doanh thu trung bình 2 tỷ đồng/tháng. Do ban đầu, doanh nghiệp còn nhỏ, nên nhà sáng lập và các đồng sáng lập không lập kế hoạch quản trị tài chính.

Tuy nhiên, sau một vài năm, các dự án sinh ra nhiều, doanh nghiệp không kiểm soát được chi phí, không quản lý được thu/chi, mặc dù tiền đổ về một tài khoản. Đặc biệt, ban quản trị không trả lời được câu hỏi lợi nhuận doanh nghiệp hiện nay là bao nhiêu, vì chi không có kế hoạch, tính toán.

Thời gian gần đây, khi doanh nghiệp càng mở rộng, vấn đề tài chính càng rối hơn, khi các khoản cần thanh toán ngay thì thanh toán chậm và ngược lại. Điều này khiến dòng tiền bị rối và thiếu hụt. Doanh nghiệp bắt buộc phải mượn nguồn lực tài chính từ bên thứ ba để giải quyết các vấn đề ngắn hạn.

Trước tình hình đó, nhà sáng lập (cũng là người chịu trách nhiệm điều hành chính) cho rằng, doanh nghiệp phải quản trị tài chính bài bản để minh bạch hoá lợi nhuận thực của công ty. Chỉ khi xây dựng được kế hoạch tài chính thì các khoản thu chi mới hợp lý, không nhầm lẫn các khoản thu/chi . Doanh nghiệp sẽ phân bổ tỷ trọng về nguồn lực tài chính hợp lý, quản lý được dòng tiền, từ đó rõ ràng cho từng dòng sản phẩm, dựa vào phân tích tài chính để biết nên đầu tư phát triển vào sản phẩm nào.

Các đồng sáng lập phản đối vì cho rằng, nếu làm chuyên nghiệp thì tốn thời gian và tiền bạc, điều này là không cần thiết. Mặc dù vậy, nhà sáng lập vẫn kiên quyết cho rằng, doanh nghiệp đang đứng trước những bấp bênh đáng báo động, vì vậy cần phải làm bài bản về quản trị tài chính thì mới có thể phát triển bền vững được. CEO bảo vệ lý lẽ của mình, rằng doanh nghiệp không minh bạch vấn đề này, sẽ kéo theo hệ luỵ lớn, thậm chí dẫn tới phá sản.

Sự xung đột vẫn tiếp tục nảy sinh, do hai bên không tìm được tiếng nói chung, trong khi tình hình tài chính “căng như dây đàn”. Vậy đâu mới là lời giải thoả đáng cho doanh nghiệp? Câu trả lời sẽ được tìm ra trong Chương trình CEO Chìa khóa thành công, với chủ đề Khởi nghiệp - Quản trị tài chính. CEO tham gia giải quyết tình huống của Chương trình là ông Trần Mạnh Đạt, Giám đốc Công ty cổ phần D và D, người sẽ xuất hiện trong chuyên mục Gương mặt doanh nhân kỳ này của Báo Đầu tư.

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (12/8) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (13/8) trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEO - CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG của Youtube.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự đồng hành của Bia Hà Nội, PwC Việt Nam, Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam (VEFC).

Truyền thông không làm thay việc của doanh nghiệp
Tự thân những chiến dịch không bao giờ mang lại hiệu quả như kỳ vọng, nếu sản phẩm được quảng cáo, tiếp thị không đáp ứng các nhu cầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư