Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Quảng Bình đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2023
Nguyễn Toàn - 11/01/2023 12:01
 
Năm 2022, tỉnh Quảng Bình có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,96% so với năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây.
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Nguồn: QBTV
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu giao nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Nguồn: QBTV

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa cho biết, trong năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; cùng với sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh nên tình hình KT-XH năm 2022 của tỉnh Quảng Bình đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, có 18/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,96% so với năm 2021, vượt kế hoạch và là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2010 đến nay; tổng thu ngân sách Nhà nước cả năm thực hiện hơn 8.000 tỷ đồng, vượt 2.000 tỷ đồng so với kế hoạch; sản xuất công nghiệp tăng cao với mức tăng 12%, vượt kế hoạch.

Du lịch Quảng Bình đã có những tín hiệu khởi sắc với doanh thu lưu trú và dịch vụ lữ hành tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ; tổng lượng khách du lịch dự ước hơn 2 triệu lượt khách, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Quảng Bình - Thích ứng – Đồng hành – Phát triển” tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 3/2022;  tích cực triển khai hỗ trợ các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy lĩnh vực đầu tư của tỉnh. Năm 2022, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện hơn 26.900 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2021.

Năm 2022, tỉnh Khánh thành Nhà máy điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy có tổng vốn đầu tư  hơn 1.000 tỷ đồng. Nguồn: Sở Công thương
Năm 2022, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức khánh thành Nhà máy điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Nguồn: Sở Công thương

Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Bình cũng nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế khi có 3 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch; doanh nghiệp sản xuất khó tiếp cận nguồn vốn trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, room tín dụng thắt chặt, việc tuyển dụng lao động còn gặp khó khăn; hạ tầng và năng lực phục vụ du lịch vẫn còn hạn chế; tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc...

Năm 2023, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu GRDP đạt 7,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,0%; giá trị sản xuất dịch vụ tăng 7,0%thu ngân sách trên địa bàn đạt 7.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 28.500 tỷ đồng…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đặt ra nhiệm vụ là đẩy nhanh tiến độ, tập trung công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tối đa việc triển khai thực hiện các Dự án, công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những Dự án này gồm Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch, Dự án Cảng tổng hợp Quốc tế Hòn La, các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các dự án du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị, một số dự án đầu tư công trọng điểm…

Quảng Bình: Kêu gọi doanh nghiệp phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa, nhưng việc phát triển du lịch tại các khu vực đồng dân tộc thiểu số và miền núi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư