Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Quảng Bình: Kêu gọi doanh nghiệp phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Thanh Chung - 25/12/2022 16:08
 
Là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa, nhưng việc phát triển du lịch tại các khu vực đồng dân tộc thiểu số và miền núi của Quảng Bình chưa tương xứng với tiềm năng.
a
Quảng Bình cần kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội và phát triển các hoạt động kinh doanh du lịch, du lịch văn hóa. Ảnh minh họa

Theo Sở Du lịch Quảng Bình, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi Quảng Bình có diện tích khoảng 3.845 km2, chiếm hơn 47% diện tích toàn tỉnh và dân số hơn 45 nghìn người (chiếm khoảng 4,98% dân số toàn tỉnh); có 9 xã biên giới với hơn 222km tiếp giáp với nước bạn Lào.

Riêng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 15 xã và 3 bản trên địa bàn các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy, với hơn 27.000 người.

Đây là địa bàn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong dọc theo hệ thống đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Với hơn 40 sản phẩm du lịch hiện đang khai thác trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm du lịch văn hóa tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã bước đầu tạo sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Việc phát triển du lịch tại khu vực này vừa làm đa dạng hóa, bổ sung dịch vụ cho các sản phẩm du lịch hiện có của các địa phương, đồng thời góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch, tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế-xã hội của người dân.

Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay: Quảng Bình là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa. Những năm qua, du lịch Quảng Bình đã biết phát huy lợi thế về tài nguyên. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch Quảng Bình nói chung và tại khu vực các đồng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo ông Phong, các sản phẩm du lịch còn thiếu đa dạng, thiếu ý tưởng, sự tham gia và lợi ích của người dân địa phương còn hạn chế. Để khai thác tiềm năng hiệu quả, mang lại giá trị lớn và bảo tồn văn hóa lâu dài, du lịch Quảng Bình cần dựa vào tài nguyên tuy nhiên, cũng cần tính toán lợi ích bền vững cho cộng đồng làm du lịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị, Sở Du lịch cần tiếp tục tổ chức các hoạt động nhằm thu hút, tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo trong xây dựng các sản phẩm du lịch; phối hợp với các ban, ngành liên quan để tham cho UBND tỉnh phân bổ nguồn lực trong nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm du lịch.

Ông Phong nhấn mạnh, để phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế về tài nguyên du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch bền vững, ngành du lịch cần kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có bề dày hoạt động trong lĩnh vực du lịch đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội và phát triển các hoạt động kinh doanh du lịch, du lịch văn hóa tại Quảng Bình.

Quảng Bình: Sở Giao thông - Vận tải nêu giải pháp hạn chế ngập úng tại Quốc lộ 12A
Tình trạng ngập úng tại Quốc lộ 12A qua huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn là do tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh hai bên đường, ảnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư