-
Chủ tịch Quảng Nam yêu cầu Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh kiểm điểm -
Phú Yên phản hồi gì về kết luận của Thanh tra Chính phủ? -
Viện Kiểm sát: Bị cáo Trương Mỹ Lan đưa ra chủ trương nên phải chịu trách nhiệm toàn bộ -
Bitexco đề nghị tòa không thu hồi 15.700 tỷ đồng đã nhận từ bà Trương Mỹ Lan -
Công an TP.HCM cảnh báo thủ đoạn đánh bạc mới trên không gian mạng -
Loạt sai phạm về đầu tư, đất đai, xây dựng, khoáng sản xảy ra ở Phú Yên
Trưng hình ảnh, video các dược sĩ giới thiệu về công dụng sản phẩm; trích dẫn ý kiến về hiệu quả sau khi sử dụng sản phẩm để quảng cáo thực phẩm chức năng. |
Khua môi, múa mép, rồi lật mặt như trở bàn tay
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ SHB, có trụ sở tại tòa nhà 162 - Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội), là cơ sở chuyên bán thực phẩm chức năng Hạ Khang Đường, Hạ Đường Tâm An cùng một số sản phẩm được quảng cáo có công dụng chữa hôi miệng (Deetox Nano), chữa sỏi thận (Đả Thạch Vương, viên sủi Diabet). Các “bác sĩ online” của công ty này hàng ngày tư vấn, kê đơn như những bác sĩ, chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, nhưng thực tế lại khác biệt.
Vì hai chữ lợi nhuận, nhân viên ở đây không cần biết bệnh tật ra sao, triệu chứng thế nào, chỉ cần bán được hàng. Để móc hầu bao của khách hàng nhằm đạt doanh số, lợi nhuận, các “bác sĩ online” không ngừng tung chiêu trò, nói rằng bệnh của họ sẽ ngày càng nặng nếu không sử dụng sản phẩm, nói vống về công dụng và cam kết chắc nịch về hiệu quả sau liệu trình sử dụng.
Chẳng hạn, nếu khách hàng cho hay đang bị sỏi thận, lập tức “bác sĩ online” sẽ đánh vào tâm lý lo sợ của khách bằng những câu như: nếu không sử dụng sản phẩm, để lâu ngày, sẽ dẫn đến tình trạng thận không thể phục hồi, phải chạy thận nhân tạo, tốn nhiều tiền chữa trị và đau đớn nhất là gắn với bệnh viện cả đời…
Trong một lần đang phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), phóng viên Báo Đầu tư vô tình được chứng kiến câu chuyện chèo kéo mua thực phẩm chức năng của một người tự nhận là chuyên viên tư vấn sản phẩm giảm cân, gọi đến số máy của… chính người đứng đầu đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Sau khi hỏi tên, tuổi, cân nặng, chiều cao của khách, nhân viên này giới thiệu liệu trình giảm cân bằng sản phẩm giảm cân Bà Dung. Khi được ông Phong chất vấn về nguồn gốc sản phẩm, đã được cấp phép hay chưa và hiệu quả thế nào, nhân viên tư vấn qua điện thoại khẳng định, sản phẩm giảm cân Bà Dung đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép, có giấy chứng nhận do ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng ký. Nhân viên này nhấn mạnh, sản phẩm từ thảo dược rất tốt với người có nhu cầu giảm cân mà không cần nhịn ăn hay tập thể dục.
Khi ông Phong thắc mắc, sản phẩm trên đã bị đình chỉ lưu hành, nhân viên tư vấn nhất mực khẳng định vẫn lưu hành phổ biến trên thị trường và được cơ quan chức năng cấp phép đầy đủ. Vào phút hạ màn, được biết người nghe điện thoại chính là Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm mà mình vừa nhắc tới, không nói tới câu thứ hai, nhân viên tư vấn vội vã dập máy.
Trường hợp nhận được ý kiến phản hồi không tốt về sản phẩm sau khi đã dùng liên tiếp nhiều ngày, ngay lập tức, các “chuyên gia” sẽ tìm cách kê thêm đơn, tăng liều lượng kèm lời nhắn nhủ: phải dùng đủ 6 tháng tới cả năm, sản phẩm mới hiệu quả triệt để.
Các “chuyên gia” tại đây cũng có nhiều xảo thuật, nếu khách hàng phàn nàn nhiều lần về sản phẩm không hiệu quả. Chiêu bài thường được các “bác sĩ online” áp dụng là chặn Zalo, Facebook để khách hàng không thể liên lạc. Sự dối trá còn thể hiện ở việc đánh lận, lập tức đổ lỗi do cơ địa của khách hàng không phù hợp, hoặc do không thực hiện đúng chế độ ăn uống kiêng khem theo phác đồ của trung tâm để lảng tránh sự thật là sản phẩm không có tác dụng như quảng cáo.
Thâm nhập “ma trận” thực phẩm chức năng, có thể thấy, một trong những “siêu thực phẩm” kê đơn của các “bác sĩ rởm” là trà thảo dược giảm cân. Mặc dù biết rõ công dụng của các loại sản phẩm này là giúp tăng cường chuyển hóa chất béo, hỗ trợ giảm cân, nhưng nhân viên bán hàng vẫn tư vấn đây là thuốc chữa các bệnh mỡ máu, huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch… Rất nhiều phụ nữ sau sinh có nhu cầu giảm cân nhanh, người cao tuổi bị mỡ máu, tiểu đường đã tin tưởng đặt mua và sử dụng sản phẩm mà không hề hay biết mình bị mắc lừa.
“Diễn viên” đóng thế
Ngoài đóng vai các chuyên viên tư vấn, dược sĩ, bác sĩ chẩn bệnh cho khách hàng qua điện thoại, có một phương pháp khá phổ thông mà nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng vẫn sử dụng là để chính người dân - người đã dùng sản phẩm - lên tiếng lan tỏa thông điệp, “thần thánh hóa” thực phẩm chức năng.
Nắm bắt tâm lý chung của người dùng, là một sản phẩm tốt thì phải có tác dụng trên nhiều người, nên một “diễn viên” đóng thế được mời đến. Chỉ trong chớp mắt, những tờ giấy lộn được hợp thức hóa thành bệnh án bằng chữ ký của bác sĩ mạo danh, còn diễn viên cứ thế diễn tròn vai, với những lời quảng cáo “có cánh” .
Cùng một nhân vật nam, bên dưới là tên, tuổi, địa chỉ cụ thể, vừa ở website này kêu bị trĩ nặng, nhờ dùng Tán Trĩ An nên bệnh tình thuyên giảm; nhưng ở website khác đã mang tên tuổi khác, tươi roi rói khoe mình uống “thần dược” Vương Khớp An mới một tháng, mà thấy hợp, khỏe ra nhiều.
Viên sủi Shioka thời gian qua tung hoành trên thị trường không chỉ nhờ núp bóng nghệ sĩ, người nổi tiếng để nói vống về công dụng, mà còn nhờ thực hiện các kịch bản chuyên nghiệp để lấy nước mắt của người dùng. Trên YouTube và một loạt trang mạng xuất hiện các đoạn clip nói về một người phụ nữ trung niên mắc ung thư cổ tử cung với khuôn mặt đau đớn, khổ sở, song từ khi uống viên sủi Shioka, khối u đã teo đi và mất hẳn.
Nếu chỉ xem video, người dùng sẽ thấy, đây là sản phẩm thần kỳ, chữa khỏi cả ung thư, nhưng tìm hiểu kỹ mới biết, video này chỉ là “diễn”. Người phụ nữ trong video không bị ung thư cổ tử cung và ngay đến cái tên tự giới thiệu cũng không phải là của mình.
Theo một số người trong ngành, muốn có một “diễn viên” đóng thế, ngoài nhờ người thân, bạn bè, chỉ cần vài trăm ngàn đồng, là cơ sở kinh doanh đã có ngay một người xung phong “bị bệnh”. Những người bệnh được nhắc tới đều chỉ là phiếm chỉ, ví dụ, ông A, bà B ở tỉnh X, tỉnh Y…, người đọc thông tin không có cách nào để thẩm định. Các cơ sở tinh vi hơn còn ghi rõ địa chỉ, số điện thoại của người dùng, nhưng khi gọi tới các số điện thoại khác nhau của người dùng, thì đều là giọng của một người.
Chẳng hạn, trên trang nhathuoc115.com, viên sủi Kaioshin được quảng cáo với slogan “giúp cải thiện tình trạng rối loạn tiền đình”, cùng hàng loạt công dụng của từng thành phần có trong sản phẩm, song tuyệt nhiên không hề nhắc tới việc Kaioshin chỉ là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh theo như yêu cầu của cơ quan chức năng. Trang này còn trích dẫn hàng loạt ý kiến về hiệu quả sau khi dùng sản phẩm Kaioshin để tăng sức thuyết phục.
Tháng 4/2021, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo website https://www.phucnhankhang.com quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phúc Nhãn Khang gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Tuy vậy, đến hiện tại, trên website này, hình ảnh các bác sĩ, dược sĩ được trưng ra nhằm quảng cáo cho sản phẩm vẫn còn nguyên, không hề bị xử lý. Bản thân phóng viên Báo Đầu tư khi để lại số điện thoại trên website này để nhận tư vấn vẫn nhận được lời cam kết chắc chắn rằng, sử dụng Phúc Nhãn Khang sẽ chấm dứt tình trạng mờ mắt, nhìn kém, ngăn được bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng.
Mạo danh cả bệnh viện lớn
Không chỉ đóng vai bác sĩ, chuyên viên tư vấn hay người bệnh, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng còn “chơi lớn” khi mạo danh cả bệnh viện uy tín.
Mới đây, Bệnh viện Quân y 103 có thông báo về việc bị giả mạo để bán thuốc, thực phẩm chức năng Cốt An Vương, An Đường Khang, tỏi đen, thuốc giảm cân, thuốc trị nám trên một số trang mạng xã hội.
Chưa kể, theo đại diện Bệnh viện Quân y 103, một số trang mạng xã hội sử dụng thông tin, hình ảnh, logo liên quan đến Bệnh viện Quân y 103 hoặc thiết lập gần giống website, mạng xã hội chính thức của Bệnh viện Quân y 103 để quảng cáo, chào bán các sản phẩm như trên.
Chị Nguyễn Thị Ph. (Đống Đa, Hà Nội) là một trường hợp bị lừa bởi trang mạng mạo danh bệnh viện. Mới đây, Facebook của chị xuất hiện thông tin Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có bán thuốc điều trị bạc tóc, thuốc trị nám, sản phẩm làm đẹp. “Tôi nhắn tin đặt mua một liệu trình thuốc trị nám, sau đó, thuốc được chuyển phát nhanh đến nhà. Khi nhận sản phẩm, thấy rất sơ sài nên tôi nghi ngờ. Vài ngày sau, tôi nhờ người hỏi và được biết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 không sản xuất và bán sản phẩm nào có tên như vậy. Tìm lại người bán hàng, vừa hỏi vài câu, tôi đã bị họ chặn Facebook”, chị P. chia sẻ.
Từng là nạn nhân của nhóm bác sĩ rởm, chị Lê Thị Thu U. (Chương Mỹ, Hà Nội) kể, thấy trên Facebook của một người tự xưng là bác sĩ Vũ Quang Trung ở Viện Dinh dưỡng quốc gia đăng thông tin tặng thuốc giảm cân miễn phí, chị đã đăng ký và làm theo hướng dẫn.
Ngay lập tức, bác sĩ Trung liên hệ với chị để tư vấn cho chị dùng sản phẩm Mango1200. Khi chị đồng ý, bác sĩ Trung đã gửi thuốc qua dịch vụ chuyển phát và thu 280.000 đồng. Sau khi sử dụng hết hộp thuốc, nhưng không thấy tác dụng, chị U. liên hệ lại với bác sĩ Trung để khám và lấy thêm thuốc. Câu chuyện chỉ đi đến hồi kết khi trong một lần tới Viện Dinh dưỡng quốc gia để khám, chị U. mới biết Viện không có bác sĩ nào tên Vũ Quang Trung. Chị gọi điện tới số của bác sĩ Trung, thì đầu dây bên kia tắt máy, không liên lạc được.
Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Bạch Mai) cũng từng nhận được phản ánh của người dân về việc họ được bác sĩ Khoa Tiêu hóa và nhân viên Khoa Dược của Bệnh viện tư vấn tặng thảo dược, nhưng để được nhận, cần chuyển số tiền 1,3 triệu đồng trả các chi phí phát sinh, dù Bệnh viện Bạch Mai không hề có chương trình tặng sản phẩm.
Một cơ sở y tế lớn khác là Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng phát đi cảnh báo về việc bị mạo danh để quảng cáo bán trà thảo dược trị đau dạ dày. Còn Bệnh viện Nhi Trung ương thì bị một số đối tượng mạo danh để tư vấn bán thực phẩm chức năng, men vi sinh, khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn mùa dịch nhằm trục lợi.
(Còn tiếp)
-
Công an TP.HCM cảnh báo thủ đoạn đánh bạc mới trên không gian mạng -
Loạt sai phạm về đầu tư, đất đai, xây dựng, khoáng sản xảy ra ở Phú Yên -
“Chặt” đứt những cái bắt tay dơ bẩn hủy hoại đất nước -
Chặn đứng tội phạm "cổ cồn trắng" câu kết quan tham - Bài 5: Chặn đứng, quét sạch "giặc nội xâm" -
Quảng Ngãi: Nhà thầu thi công dự án 3.500 tỷ đồng “đuối sức” vì chờ cấp phép mỏ cát -
Xét xử phúc thẩm, cựu lãnh đạo Bệnh viện TP.Thủ Đức được giảm án tù -
Lập khống hồ sơ để dự thầu, nữ giám đốc bị khởi tố
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 10/10 -
2 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nếu được, đề xuất áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt cho tất cả dự án tại khu công nghiệp -
3 Minh định phương án nâng đời tuyến cao tốc về miền Tây -
4 Ngoài đánh thuế, còn cách nào để giảm giá nhà đang tăng "thẳng đứng"? -
5 Kinh tế tăng tốc, chờ tin vui cuối năm
- Doanh nghiệp ngành logistics "nhanh chân" chuyển đổi số
- Bà Hàn Thị Khánh Vinh, Tổng giám đốc Vinapharm nhận Giải thưởng Doanh nhân Xuất sắc châu Á 2024
- FWD giành cú đúp giải thưởng về thương hiệu và doanh nghiệp
- M.O.I giành 2 giải thưởng APEA 2024, khẳng định vị thế dẫn đầu ngành làm đẹp Việt Nam
- Những doanh nghiệp SME vươn cao tại Việt Nam năm 2024
- ACBS đạt Giải thưởng Doanh nghiệp Xuất sắc châu Á