Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quảng cáo thực phẩm chức năng: Tâm địa của sự xảo trá và dối lừa - Bài 5: Làm sao để dân không bị lừa lọc?
Dương Ngân thực hiện - 11/08/2021 08:26
 
Tăng cường thanh tra, xử phạt nghiêm vi phạm, đồng thời nâng hiệu quả tuyên truyền là những biện pháp mà các cơ quan chức năng thực hiện nhằm ngăn vấn nạn lọc lừa quảng cáo thực phẩm chức năng.
Thổi phồng, thần thánh hóa công dụng của thực phẩm chức năng, dùng người nổi tiếng, thậm chí cả người bệnh giả để quảng cáo nhằm tăng sức thuyết phục…, các cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng ngang nhiên lừa dối người tiêu dùng, khiến không ít người tiền mất tật mang, nguy hại sức khỏe và tính mạng. Cơ sở này bị xử lý sai phạm, thì cơ sở khác lại “mọc” ra như ung nhọt, cần một “liều thuốc” để triệt tận gốc.
.
Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Bài 5: Làm sao để dân không bị lừa lọc?

Liệu những giải pháp mang tính “phần ngọn” đó đã đủ để triệt tận gốc ung nhọt? Phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Thưa bà, sai phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng đang diễn ra tràn lan. Là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp, Cục An toàn thực phẩm đã có những giải pháp gì?

Để ngăn sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, Cục An toàn thực phẩm thực hiện rất nghiêm khâu cấp phép quảng cáo cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hậu kiểm trên diện rộng.

Vai trò của người sử dụng dịch vụ mạng rất quan trọng.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài (Facebook, Google) xác minh đối tượng, loại bỏ thông tin quảng cáo sai sự thật ra khỏi hạ tầng mạng, nhiều tài khoản vi phạm đã được ngăn chặn, xử lý. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, vai trò của người sử dụng dịch vụ mạng rất quan trọng. Nếu mỗi người ý thức, trách nhiệm hơn trong phản ứng với những thông tin vi phạm, bày tỏ thái độ rõ ràng và kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện có vi phạm, thì cuộc đấu tranh với những thông tin độc hại, trong đó có thông tin quảng cáo sai sự thật trên môi trường mạng mới mang lại hiệu quả.

- Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí và Thông tin trên mạng (Bộ Thông tin và Truyền thông)

Qua thanh tra, kiểm tra và phản ánh của báo chí, Cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm, ngăn chặn nhiều sản phẩm vi phạm, song thực trạng này vẫn diễn biến phức tạp.

Một thực tế nhức nhối khiến chúng tôi đau đầu xử lý là các quảng cáo sai phạm “vô chủ” đang tấn công người dùng. Nhiều sản phẩm được quảng cáo trên các website, mạng xã hội vi phạm pháp luật, song khi cơ quan chức năng làm việc với cơ sở sản xuất và phân phối, thì các cơ sở đều chối trách nhiệm.

doanh nghiệp công bố thực phẩm chức năng dạng bột, nhưng lại sản xuất dạng viên, hoặc quảng cáo công dụng hoàn toàn khác với công bố.

Ngoài ra, sai phạm phổ biến là nhiều đối tượng mạo danh dược sĩ, bác sĩ để tư vấn thực phẩm chức năng. Thậm chí, đã có quy định cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo, thông tin về thực phẩm chức năng, nhưng nhiều cán bộ y tế vẫn tham gia. Cục đã nhiều lần gửi công văn tới đơn vị có cán bộ y tế quảng cáo thực phẩm chức năng để chấn chỉnh, quản lý cán bộ.

Bà có thể chia sẻ khó khăn lớn nhất mà Cục An toàn thực phẩm đang gặp phải trong xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng?

Với sai phạm quảng cáo trên Facebook, YouTube, chúng tôi trực tiếp gửi văn bản yêu cầu các cơ quan này gỡ bỏ nội dung. Nhưng có vụ việc, chúng tôi phải gửi văn bản tới vài lần, họ mới gỡ bỏ. Việc xử lý chậm chạp vô hình trung đã tạo điều kiện cho quảng cáo “bẩn” tiếp cận lượng lớn người dùng.

Phạt nặng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật.

Theo Luật Quảng cáo, nếu một quảng cáo vi phạm pháp luật, thì phía nhãn hàng sẽ bị xử lý đầu tiên, sau đó là phương tiện truyền tải thông tin quảng cáo. Khâu ở giữa là nhà sản xuất và người nổi tiếng tham gia đóng phim quảng cáo thì chưa có chế tài để xử lý.
Tôi cho rằng, cần phạt thật nặng các đối tượng là người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật để có tính răn đe. Bên cạnh đó, phải luật hóa các quy định, chế tài xử lý cụ thể, đặc biệt là các quy định ràng buộc trách nhiệm của cá nhân tham gia quảng cáo.

- Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam.

Trong quá trình thanh - kiểm tra xử lý sai phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, khó khăn lớn mà chúng tôi phải đối diện là tìm đơn vị cung cấp quảng cáo, tức là các đơn vị đang gom quảng cáo của các công ty, nhà máy và tung lên mạng xã hội. Công tác này đang gặp khó, nếu dò tìm từng quảng cáo thì không thể hết được, vì quảng cáo thường tung theo chùm.

Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã làm việc với các đơn vị trung gian chuyên tung quảng cáo thực phẩm chức năng, yêu cầu họ chỉ nhận quảng cáo khi quảng cáo đó đã được cơ quan chức năng duyệt nội dung và cấp phép. Các đơn vị này đã đồng ý, nhưng lo ngại nếu những đơn vị khác không thực hiện đúng quy định, thì họ lại bị ảnh hưởng doanh thu.

Ngoài ra, do đăng ký tên miền quảng cáo còn dễ, nên khi quảng cáo sai phạm và bị gỡ, các cơ sở quảng cáo lại đăng ký tên miền khác và tiếp tục “nổ”.

Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nhiều trường hợp vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng
Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nhiều trường hợp vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng

Sai phạm nghiêm trọng liên quan tới quảng cáo “vô chủ” sẽ được xử lý thế nào?

Với những quảng cáo “vô chủ”, Cục An toàn thực phẩm sẽ gửi thông tin về quảng cáo vi phạm kèm đường link website tới Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông để tìm ra cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm đối với những quảng cáo này và xử lý các website vi phạm.

Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp xử lý một số trường hợp. Nhưng nếu đó là quảng cáo xuyên biên giới, máy chủ đặt ở nước ngoài, thì việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Với các cơ sở quảng cáo thực phẩm chức năng sai lệch so với nội dung quảng cáo được cấp phép, Cục đã có văn bản gửi sở y tế các địa phương, ban quản lý an toàn thực phẩm của các tỉnh, thành phố triển khai thanh - kiểm tra trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Cục công khai thông tin sản phẩm vi phạm trên các phương tiện truyền thông để người tiêu dùng biết và thận trọng. Các sản phẩm vi phạm sẽ được đưa vào “danh sách đen” và bị thanh tra, kiểm tra với tần suất nhiều hơn.

Trên thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng sẵn sàng nộp phạt để bán sản phẩm. Với những trường hợp này, cơ quan chức năng có giải pháp gì, thưa bà?

Ngoài phạt tiền, thu hồi bản công bố, thì việc công khai cơ sở vi phạm và các hình phạt bổ sung có hiệu quả rất lớn. Nếu chỉ phạt tiền, thì vì lợi nhuận cao, các doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt rồi lại vi phạm.

Để xử lý sai phạm liên quan tới quảng cáo thực phẩm chức năng, Bộ Y tế đã thành lập tổ phản ứng nhanh giữa Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương và các sàn giao dịch điện tử để xử lý những quảng cáo không đúng sự thật. Quảng cáo sai phạm thuộc lĩnh vực của cơ quan nào, thì cơ quan đó xử lý.

Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ nghị định hướng dẫn Luật Quảng cáo mới với nhiều quy định chặt chẽ hơn. Hy vọng, tới đây, việc quản lý quảng cáo, nhất là quảng cáo xuyên biên giới sẽ hiệu quả hơn.

Trong khi những sai phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng chưa được xử lý triệt để, mỗi người nên là một “người tiêu dùng thông thái”. Theo bà, người dùng có cách gì để nhận diện các vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng?

Đây là vấn đề liên quan tới sức khỏe, tính mạng của người dân.

 Bản thân tôi rất nhiều lần là nạn nhân của quảng cáo thực phẩm chức năng lừa đảo, khi họ dùng hình ảnh, tên của tôi để lồng ghép vào các quảng cáo. Từ tình huống mà bản thân gặp phải, tôi luôn trăn trở làm sao để người dân không bị lừa vì tin quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng, bởi đây là hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng tôi cho rằng, các cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn nữa, xử lý thật nghiêm, thật triệt để các sai phạm liên quan đến quảng cáo thực phẩm chức năng.
Ngoài ra, cần siết chặt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật của thực phẩm chức năng, kiểm soát chặt chẽ về giá, thành phần công bố, hồ sơ quảng cáo để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp muốn hoạt động thì phải tuân thủ các quy chuẩn, quy định, tuyệt đối không dễ dãi và thỏa hiệp, bởi đây là vấn đề liên quan tới sức khỏe, tính mạng của người dân.

- Bà Lưu Thị Hồng, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế)

Nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo.

Đó là, sản phẩm quảng cáo dùng hình ảnh cán bộ, nhân viên y tế; lấy danh nghĩa bài thuốc Đông y, lang y quảng cáo chữa khỏi bệnh; dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo; khẳng định thực phẩm chức năng có thể chữa dứt điểm bệnh…

Các quảng cáo được phê duyệt nội dung và cấp phép quảng cáo đều được đăng tải ở cổng thông tin chính thống của Cục An toàn thực phẩm (https://vfa.gov.vn). Người dân nếu có nhu cầu đối chiếu, thẩm định thông tin có thể tham khảo trên website của Cục An toàn thực phẩm hoặc trên Cổng Công khai y tế (https://congkhaiyte.moh.gov.vn).

Ngoài ra, khi mua và sử dụng thực phẩm chức năng, nên chọn sản phẩm có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất rõ ràng;  có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa.

Đặc biệt, trên bao bì của thực phẩm chức năng đều có dòng chữ “thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, người dân cần lưu ý chi tiết này để sử dụng.

Sau cùng, ngoài sự phối hợp liên ngành của cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi mong nối dài những cánh tay từ các cơ quan báo chí, truyền thông và người dân để đồng hành đấu tranh với các vi phạm liên quan tới quảng cáo thực phẩm chức năng, mang lại giá trị thật và minh bạch thị trường, tạo niềm tin cho người dân.

Quảng cáo thực phẩm chức năng: Tâm địa của sự xảo trá và dối lừa - Bài 2: Muôn kiểu lọc lừa
Không từ thủ đoạn là phần chìm của thị trường thực phẩm chức năng. Ở đó, người ta thỏa sức mạo danh lương y, bác sĩ, người nổi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư