Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 14 tháng 01 năm 2025,
Quảng Ninh: Bứt phá về hạ tầng, kéo gần những khoảng cách
Thanh Sơn - 28/10/2023 14:51
 
Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông liên kết vùng là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư, thay đổi diện mạo đô thị, giúp Quảng Ninh kéo gần khoảng cách với các địa phương lân cận.
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn thúc đẩy liên kết vùng, mở ra không gian phát triển mới cho địa phương
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn thúc đẩy liên kết vùng, mở ra không gian phát triển mới cho địa phương

Mở ra không gian, nguồn lực phát triển mới

Với hạ tầng đồng bộ ở cả 3 lĩnh vực là đường hàng không, đường biển và đường bộ, có lẽ chưa bao giờ việc đi lại, kết nối giữa các khu vực và quốc tế đến với Quảng Ninh và ngược lại, lại thuận lợi và nhanh như hiện nay. Chỉ cần 4 giờ bay, các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản có thể đến Hạ Long bằng những chuyến bay charter thông qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Cùng với sân bay, việc Quảng Ninh đưa trục cao tốc dọc tỉnh dài 176 km vào khai thác đã trở thành công trình giao thông quan trọng nhất hiện nay ở tỉnh. Thay vì 3,5 giờ để đi từ Thủ đô Hà Nội đến Hạ Long và 6 giờ để đến TP. Móng Cái như trước đây, thì nay thời gian di chuyển chỉ bằng 1/2. Tuyến đường được ví như trục xương sống quan trọng góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực trong tỉnh và còn là tuyến giao thông trọng điểm của cả vùng.

Cũng bởi vậy, hiện nay, các tỉnh liền kề như Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng đều đang tích cực triển khai công trình cầu, đường kết nối với Quảng Ninh để cùng khai thác tuyến cao tốc. Đây cũng là động lực để hình thành trục cao tốc phía Đông kéo dài từ Hà Nội đến Móng Cái với sự tham gia của Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Các dự án hạ tầng giao thông vừa tạo thuận lợi cho đi lại, tạo điểm nhấn đô thị, vừa phục vụ nhu cầu du lịch, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, kết nối Quảng Ninh với các trung tâm kinh tế trong và ngoài nước. 

Ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đầu tư hoàn thiện hạ tầng được Nghị quyết Đại hội XV, Đảng bộ tỉnh tiếp tục xác định là một trong 3 đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, đến nay, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện, đột phá chiến lược về hạ tầng của tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần quan trọng đưa Quảng Ninh phát triển toàn diện, bền vững”.

Với hàng loạt công trình giao thông trọng điểm hoàn thành, đi vào sử dụng, như đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, cầu Tình Yêu, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cảng cao cấp Ao Tiên... cùng các dự án, công trình hoàn thành trong giai đoạn trước đã giúp Quảng Ninh trở thành địa phương có kết cấu hạ tầng vượt trội trong toàn quốc. Tỉnh đang có số km cao tốc lớn nhất cả nước và hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại ở tất cả các loại hình đường bộ, đường thủy, đường hàng không... Qua đó, tạo ra những đột phá trong thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển và nguồn lực phát triển dồi dào.

Thúc đẩy liên kết vùng

Với sự đa dạng các loại hình giao thông, Quảng Ninh đang có điều kiện tốt để phát triển hạ tầng nói chung, nhất là ở các đô thị lớn như Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều. Hạ tầng đô thị được đầu tư nâng cấp, mở rộng, trở thành các tuyến đường quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển và phù hợp quy hoạch đô thị. Các dự án này vừa đóng vai trò giảm tải giao thông và tạo điểm nhấn đô thị, vừa phục vụ nhu cầu du lịch của tỉnh, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, kết nối Quảng Ninh với các trung tâm kinh tế trong và ngoài nước. Qua đó, tạo thêm sức lan tỏa, phát triển, tăng quy mô kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, làm thay đổi rõ nét diện mạo không chỉ của tỉnh, mà còn của các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Tiếp tục phát huy cách làm, thành tựu đã có, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã và đang tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải với các công trình giao thông trọng điểm, động lực như: cầu Cửa Lục 3, nút giao Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến khu công nghiệp Amata, đặc biệt là tuyến đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn I) với chiều dài 41,2 km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng); cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 thuộc địa phận huyện Ba Chẽ; đường nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; cầu Cửa Lục 3...

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với tỉnh Quảng Ninh hồi đầu năm nay, Thủ tướng đánh giá: “Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại được đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện, đặc biệt là đường bộ cao tốc có bước phát triển đột phá, gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn ngân sách địa phương được đầu tư tập trung đã giúp cho Quảng Ninh phát triển nhanh chóng”.

Ngoài các dự án giao thông trọng điểm, Quảng Ninh cũng đang phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu triển khai một số tuyến giao thông chính như: Đường sắt Hải Phòng - Hạ Long, đường sắt Hạ Long - Móng Cái, cao tốc Nội Bài - Hạ Long, cao tốc Lạng Sơn - Tiên Yên... Qua đó, tạo ra nhiều phương thức giao thông trên địa bàn, thúc đẩy liên kết vùng cũng như liên kết quốc tế của tỉnh.

Xét xử vụ “thông thầu” tại Sở Y tế Quảng Ninh liên quan Công ty AIC
Có 16 bị cáo bị đưa ra xét xử sơ thẩm, trước cáo buộc gây thất thoát hơn 50 tỷ đồng; trong đó Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 3 bị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư