Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
Quảng Ninh: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong phòng, chống cháy rừng sau bão số 3
Quỳnh Nga - 09/10/2024 12:37
 
Quảng Ninh có khoảng 117.000 ha rừng bị thiệt do bão số 3, khoảng 6 triệu tấn vật liệu rất dễ cháy tại rừng bị thiệt hại. Với thời tiết diễn biến nắng nóng, các lớp vật liệu rất dễ cháy khi gặp lửa hoặc các tác động ngoại cảnh.

Theo Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, thống kê trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 117.000 ha rừng bị thiệt do bão số 3, trong đó mức thiệt hại từ 30-100%.

Phần lớn diện tích rừng bị thiệt hại là rừng trồng với các loài cây thông, keo, bạch đàn, ngoài ra còn có hàng nghìn ha rừng tự nhiên bị ảnh hưởng; trong đó phần lớn diện tích rừng bị gẫy ngang thân, cành, 100% lá bị tuốt rụng, phần lớn cây rừng không có khả năng phục hồi.

Những cánh rừng ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề sau bão.

Ước tính có khoảng 6 triệu tấn vật liệu rất dễ cháy (thân, cành, rễ, lá hiện nay đang khô dần) tại hiện trường rừng bị thiệt hại. Cùng với thời tiết diễn biến nắng nóng, hiện trường khu vực bị thiệt hại đã hình thành các lớp vật liệu rất dễ cháy khi gặp lửa hoặc các tác động ngoại cảnh (con người, hoạt động sinh hoạt…) đang tiềm ẩn rất lớn về nguy cơ cháy trên diện rộng.

Đến nay toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ cháy rừng (trong đó Vân Đồn 3 vụ, Cẩm Phả 3 vụ, Hạ Long 1 vụ, Ba Chẽ 1 vụ, Móng Cái 1 vụ), diện tích có rừng bị cháy khoảng 57,734 ha. Các địa phương đã huy động hơn 1.300 lượt người là lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, lực lượng tại chỗ của phường trực tiếp tham gia chữa cháy rừng.

Thông tin tại Hội nghị thông tin báo chí thường kỳ tỉnh Quảng Ninh vào chiều qua, ngày 8/10, ông Nguyễn Thanh Khương, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh cho biết, đây là lần đầu tiên ngành lâm nghiệp Quảng Ninh bị ảnh hưởng thiệt hại lớn nhất do thiên tai. Diện tích rừng bị thiệt hai chiếm trên 30% diện tích rừng hiện có, trong đó gần 50% rừng trồng hiện có bị gẫy đổ. Diện tích bị thiết hại là rất lớn, việc tiếp cận hiện trường gặp không ít khó khăn do địa hình bị chia cắt, hiếm trở, hạ tầng cho lâm nghiệp còn hạn chế. Do đó việc thống kê, kiểm tra và đưa ra các phương án quản lý rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng sau bão gặp rất nhiều khó khăn.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh theo Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, Sở sẽ tập trung tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm đến tất cả các chủ rừng là tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình cá nhân về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng bằng nhiều hình thức như: tự giác dọn dẹp, thu dọn rừng, chủ động làm đường băng cản lửa và xử lý thực bì bảo đảm quy định, tránh cháy tràn lan, thụ động.

Lực lượng vũ trang TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh ra quân giúp các hộ dân thu dọn rừng bị thiệt hại sau bão số 3. Ảnh: Văn Đảm 

Hoàn thiện việc phân vùng nguy cơ cháy rừng và phương án phòng cháy, chữa cháy rừng sau bão số 3 được thực hiện đồng bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh.  

Tập trung các nguồn lực của các lực lượng huy động ưu tiên việc xây dựng các đường băng cản lửa tại các phân vùng phòng ngừa nguy cơ cháy lan trên diện tích rộng, khó kiểm soát.

Trưởng các thôn, khu sẽ trực tiếp phát phiếu để 100% chủ rừng trên địa bàn ký cam kết không đốt vật liệu, thực bì tại hiện trường rừng bị thiệt hại vào những ngày nắng, hanh khô để chuẩn bị trồng rừng. Chỉ tiến hành thu gom cành, ngọn, lá vào nơi an toàn và xử lý vào ngày dâm mát, buổi sáng sớm trước 9h sáng, đốt lần lượt từng dải, thứ tự từ trên sườn đồi xuống chân đồi. Trước khi đốt người dân phải thông báo tới trưởng thôn, bản, tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ được phép đốt khi thực bì khi đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng, khi đốt phải có người canh gác và chuẩn bị đảm bảo dụng cụ chữa cháy rừng, không đốt xử lý thực bì khi có thông tin dự báo cấp cháy rừng trên phương tiện giao thông đại chúng từ cấp III trở lên.

Phần lớn diện tích rừng bị thiệt hại là rừng trồng với các loài cây thông, keo, bạch đàn.

Trong khi chưa có cơ chế đặc thù về xử lý tài sản sau thiên tai, các chủ rừng khẩn trương lập phương án khai thác trình phê duyệt ngay trong tháng 10/2024 để thu dọn chuẩn bị trồng rừng.

Theo ông Vũ Duy Văn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, Sở định hướng cho các địa phương, các chủ rừng sớm lựa chọn, ưu tiên các loài cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế cao, chu kỳ ngắn để làm động lực cho việc kết hợp đồng thời với việc trồng lại rừng bằng các loài cây bản địa, cây gỗ lớn. Tăng cường với các cơ sở về giống cây để đảm bảo về số lượng, chất lượng cây giống. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh thu hút các nguồn lực từ các quỹ, dự án phù hợp để tạo nguồn lực tái thiết trồng lại rừng trên địa bàn tỉnh; xây dựng đề án tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về triển khai khắc phục thiệt hại về lâm nghiệp do thiên tai như: phương án tận thu, hồ sơ thanh lý rừng, phương án trồng lại rừng bị thiệt hại do thiên tai đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân.

Quảng Ninh: Đưa kinh tế, dịch vụ cảng biển phát triển nhanh và bền vững
Với nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, thời gian qua, Quảng Ninh coi trọng đầu tư các nguồn lực, từng bước đưa tỉnh trở thành một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư