Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quốc hội thông qua hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù mới cho TP.HCM
Khánh Linh - 24/06/2023 14:45
 
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/8/2023, thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
481/484 đại biểu biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

Trong phiên làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV chiều 24/6, Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM đã được thông qua với 481 đại biểu biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 97,37%.

Trong các phiên thảo luận trước đó, các đại biểu đã đặt kỳ vọng, việc ban hành Nghị quyết sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo tiền đề phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, với vai trò là đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn cho khu vực và cả nước.

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình về Dự thảo gửi các vị đại biểu ngày hôm qua, 23/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu này, cùng với những điểm nghẽn trong phát triển mà Thành phố đang phải đối mặt, để trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết tại một Kỳ họp.

Trong đó, nhiều cơ chế, đặc thù ở nhiều lĩnh vực như tài chính, đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, lĩnh vực công nghệ cao, thu hút chuyên gia, nhà khoa học… làm cơ sở, nguồn lực để kích thích phát triển kinh tế, kích thích doanh nghiệp tăng trưởng hoạt động hiệu quả, đây là những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội được quy định khác Luật hoặc chưa có quy định.

Nghị quyết quy định 2 nhóm chính: (1) các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 và các Nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng các địa phương khác hoặc đang quy định tại các dự thảo Luật trình Quốc hội; (2) các chính sách mới lần đầu tiên được quy định, với 04 nhóm vấn đề gồm: (i) đầu tư; (ii) tài chính - ngân sách; (iii) quản lý đất đai, quy hoạch; (iv) tổ chức bộ máy.

Thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông

Cho phép TP.HCM căn cứ tình hình thực tiễn tại từng khu vực để tạo ra một số không gian xung quanh các điểm nhà ga, đường sắt, đường vành đai giúp phát triển đô thị và các dịch vụ liên quan như mô hình của một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông.

Mô hình nhằm tháo gỡ khó khăn cho Thành phố trong việc tạo các khu đất sạch để triển khai các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông.

Nghị quyết đã cụ thể hóa các trường hợp, điều kiện thu hồi đất vùng phụ cận và cơ bản thống nhất với điểm d khoản 1 Điều 112 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/07/2024.

Để bảo đảm chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng, Nghị quyết cũng quy định “phải bảo đảm đáp ứng về hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được xác định trong nội dung đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung Thành phố”.

Đây là chính sách góp phần huy động nguồn lực đầu tư các dự án, tạo đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông, làm tăng nguồn thu cho NSNN từ chênh lệch địa tô của các khu đất đem lại, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tạo quỹ đất sạch để triển khai các dự án đô thị và quy định này thống nhất với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư

Cơ chế cho phép Nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư của dự án sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho Thành phố, tăng hiệu quả đầu tư dự án, thu hút nhà đầu tư tham gia, giảm mức chi trả của người dân.

Khác với nhiều địa phương khác, trên địa bàn TP.HCM, nhiều trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% trong tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn, nhiều trường hợp, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư rất lớn, cao gấp nhiều lần các địa phương khác.

Ngoài ra, giải trình về việc Nghị quyết cho phép TP.HCM được nâng tỷ lệ tham gia của Nhà nước tại các dự án PPP lên mức 70%, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm rõ, Nhà nước tham gia các dự án PPP chủ yếu góp vốn trong công tác giải phóng mặt bằng. Nếu trừ phần giải phóng mặt bằng rồi mới tính tỷ lệ góp vốn của Nhà nước sẽ dẫn đến thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Thực hiện dự án BT và được thanh toán bằng ngân sách 

Đây là cơ chế nhằm đa dạng hóa hình thức đầu tư và tạo cơ sở pháp lý, huy động tối đa nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 31.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các dự án BT có nhiều tác dụng trong việc huy động được nguồn lực, thay đổi diện mạo của nhiều địa phương khi thực hiện dự án. Tuy vậy, triển khai dự án BT, nhất là BT đổi đất lấy hạ tầng cũng đặt ra nhiều quan ngại khi tổng mức đầu tư dự án tăng không được kiểm soát chặt chẽ, giá đất đối ứng thấp.

Trong báo cáo giải trình trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chính sách này sẽ góp phần phát huy hiệu quả thu hút nguồn lực xã hội, giảm gánh nặng chi trả của ngân sách nhà nước khi được áp dụng việc trả chậm trong nhiều năm.

Trước đó, trong các phiên thảo luận, có đại biểu đề nghị thực hiện dự án BT bằng đất, UBTVQH cho rằng, tại thời điểm hiện nay chỉ nên áp dụng hình thức thanh toán bằng tiền, với 3 lý do.

Trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

Thứ nhất, về nhu cầu và nguồn lực , theo báo cáo của UBND Thành phố thì việc bố trí thanh toán bằng đất đối với dự án BT là rất khó khả thi vì qua rà soát, đánh giá thì hiện nay quỹ đất của Thành phố là rất hạn chế.

Thứ hai, xét về quy trình thủ tục và tính hấp dẫn của BT trả bằng đất, theo đánh giá của Thành phố, việc thanh toán bằng đất đặt ra cho Thành phố nhiều quy trình, thủ tục phức tạp, khó thu hút đầu tư: Hiện nay, việc thanh toán bằng quỹ đất chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luận liên quan (Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư,...). Các luật này hiện đang xem xét điều chỉnh nên việc xử lý chuyển tiếp, các thủ tục liên quan rất phức tạp, rủi ro pháp lý cao,... nên không thu hút nhà đầu tư tham gia.

Thứ ba, trên thực tế việc tổ chức thực hiện trước đây khi cho phép áp dụng thanh toán dự án BT bằng đất đã phát sinh vướng mắc, tiêu cực; công tác quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến có vi phạm pháp luật phải xử lý, một số dự án BT đổi đất đai và tài sản công với giá rẻ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, gây dư luận không tốt. 

Tổng mức dư nợ vay không quá 120% số thu được hưởng theo phân cấp

Nghị quyết đã tăng mức dư nợ vay của Thành phố lên 120% để tạo thêm dư địa cho Thành phố huy động nguồn lực phát triển.

Mặc dù thực tế giai đoạn vừa qua, TP.HCM chỉ thực hiện vay 32% số thu được hưởng theo phân cấp vì đa số các dự án sử dụng vốn vay của Thành phố đều là nợ từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ; việc giải ngân vốn nguồn vay của Chính phủ vay về cho vay lại phụ thuộc nhiều yếu tố nên chưa bảo đảm sử dụng hết số bội chi ngân sách Thành phố được Quốc hội giao trong những năm qua.

Mặt khác, có giai đoạn 2019 – 2021, Thành phố không được giao kế hoạch vay từ nguồn trái phiếu chính quyền địa phương do phải ưu tiên nhu cầu vay lại nguồn vay nước ngoài theo các Hiệp định đã ký kết, nhưng kết quả giải ngân các khoản vay lại cũng chưa như kế hoạch nên Thành phố không thể huy động từ nguồn vay trong nước, dẫn đến chưa sử dụng hết số bội chi ngân sách địa phương được giao.

Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, nhu cầu vay vốn để triển khai các dự án đến năm 2030 của Thành phố là rất lớn, trong khi theo tính toán, từ sau năm 2026, Thành phố không còn bảo đảm hạn mức dư nợ vay để vay tiếp.

Do đó,  tạo thêm dư địa, nguồn lực cho Thành phố thì việc quy định nâng trần mức vay cho như Nghị quyết là cần thiết, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm rõ.

Nghị quyết cho phép sử dụng ngân sách Thành phố để thực hiện dự án có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước, hỗ trợ một số địa phương tại một số nước khác trong các trường hợp cần thiết.

Chưa cho phép HFIC phát hành trái phiếu quốc tế 

Nghị quyết quy định Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) được áp dụng cơ chế như các Quỹ đầu tư phát triển địa phương (ĐTPTĐP) khác là HFIC được giữ lại lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ để tăng vốn điều lệ của Công ty.

HFIC hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đồng thời thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quỹ ĐTPTĐP là một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thuộc UBND Thành phố, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

Theo quy định hiện hành, các Quỹ ĐTPTĐP khác được giữ lại toàn bộ phần chênh lệch thu chi (sau khi nộp thuế, nộp ngân sách và phân phối các quỹ) để bổ sung vốn điều lệ. Trong khi đó, HFIC là doanh nghiệp nhà nước phải nộp toàn bộ lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ về NSNN theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Nghị quyết đã bổ sung quy định về trách nhiệm trong việc bảo toàn, phát triển vốn của HFIC theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định số 147/2020/NĐ-CP về hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Tuy nhiên, Nghị quyết chưa cho phép HFIC phát hành trái phiếu quốc tế dù có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng cơ chế tài chính đặc thù, nguồn tài chính cho HFIC, dành nguồn lực này ưu tiên đầu tư cho một số chương trình, dự án, cụ thể như phát triển đường sắt đô thị, chống ngập

Trong báo cáo giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đầu tư của HFIC được thực hiện theo quy định pháp luật trên cơ sở chỉ đạo của TP.HCM, phù hợp với tình hình thực tế tại từng thời điểm. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu quốc tế cần được cân nhắc cẩn trọng vì liên quan đến an ninh tài chính quốc gia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, TP.HCM đã xây dựng sẵn các đề án, kế hoạch, các giải pháp thực hiện để ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Thành phố ban hành và thực hiện ngay để sớm đưa Thành phố tăng tốc phát triển trong thời gian tới. Điểm b Khoản 2 Điều 12 của Nghị quyết đã có quy định Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ cụ thể hóa tổ chức thực hiện Nghị quyết này, đồng thời, Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Thành phố cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho Thành phố.
Các nội dung hướng dẫn tại Nghị định đang được kiến nghị xây dựng theo quy trình rút gọn để đảm bảo khi Nghị định được ban hành sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của Nghị quyết.
Để nghị cơ chế giải quyết nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng BT của TP.HCM
Tổng diện tích của 7 quỹ đất thanh toán là 5,18126 ha, tuy không nhiều nhưng nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng của Thành phố đã tồn đọng trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư