Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quốc hội thông qua Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi
Thu Hằng (HQ Online) - 06/04/2016 16:12
 
Với 91,30% ý kiến tán thành, sáng nay (6/4), Quốc hội đã thông qua dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế (với 86,64% ý kiến tán thành).
 Dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) đã nhận được ý kiến tán thành cao của các ĐBQH. Ảnh: T.Hằng
Dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) đã nhận được ý kiến tán thành cao của các ĐBQH. Ảnh: T.Hằng

Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) gồm 5 Chương, 22 Điều đã khắc phục, sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ, hoàn thiện trong hệ thống pháp luật và đáp ứng các yêu cầu của quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính, hội nhập quốc tế.

Hiện Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, các quy định về thuế suất thuế nhập khẩu được thực hiện phù hợp theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết với dự kiến trong vòng 10 năm tới, mức độ tự do hóa thương mại sẽ đạt 97-98% số dòng thuế.

Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày trước QH đã nêu ra nhiều ý kiến đề nghị của ĐBQH được tiếp thu vào dự thảo Luật.

Cụ thể như: Ý kiến đề nghị luật hóa đối tượng chịu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối. Trong trường hợp quy định tại các văn bản dưới luật, đề nghị giao Chính phủ hướng dẫn Điều này. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc áp dụng thuế phòng vệ như là hình thức xây dựng hàng rào thuế quan nhằm ngăn cản hàng nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước, vì có thể gây biến động thị trường và ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Có ý kiến đề nghị giao thẩm quyền quyết định mức thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ cho Chính phủ thay vì giao cho Bộ Công Thương…

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung một khoản quy định về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu, quyền phân phối vào dự thảo Luật. Đồng thời, để bao quát, xử lý toàn diện các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, UBTVQH xin bổ sung vào Điều 2 của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Đối với việc áp dụng các loại thuế phòng vệ thương mại không nhằm mục đích ngăn cản hàng hóa nhập khẩu mà nhằm xử lý đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà xuất khẩu nước ngoài gây ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, theo thông lệ quốc tế, các nước trên thế giới đều áp dụng các loại thuế phòng vệ thương mại và giao cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại và cạnh tranh (tương tự như Bộ Công Thương) có trách nhiệm trong việc điều tra và quyết định mức thuế phòng vệ thương mại để bảo đảm kịp thời ban hành các biện pháp nhằm ngăn chặn các tác động tiêu cực do hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà xuất khẩu nước ngoài, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ sản xuất kinh doanh trong nước.

Do vậy, UBTVQH đề nghị QH giữ nguyên quy định giao thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho Bộ Công Thương như Dự thảo Luật. Tuy nhiên, trong thời gian qua, khi áp dụng thuế chống bán phá giá, có một số trường hợp lợi dụng việc áp dụng các loại thuế này để đầu cơ và có các hành vi không lành mạnh làm biến động thị trường, tăng giá hàng hóa.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế, chỉ đạo các bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời có các biện pháp đồng bộ, công khai, minh bạch để xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để làm tăng giá cả hàng hóa khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, mặc dù các luật thuế này mới có hiệu lực và chỉ sửa đổi 4 điều nhưng chúng ta phải sửa để phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ ký kết.

ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình): Luật đáp ứng được yêu cầu cam kết trong hội nhập

Việc QH thông qua Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) rất kịp thời, đáp ứng việc thực hiện cam kết hội nhập quốc tế, vừa khuyến khích, tạo động lực cho các doanh nghiệp có điều kiện phát triển. Nhiều dòng thuế mà chúng ta thực hiện theo đúng cam kết, thực chất sẽ có lợi cho doanh nghiệp.

Việc sửa các dòng thuế lần này có sự điều chỉnh tốt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng như khuyến khích các doanh nghiệp làm tốt công tác xuất nhập khẩu trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực kê khai thuế và áp các dòng thuế cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) còn có tác dụng rất lớn về mặt thể chế và giảm thiểu thủ tục hành chính, kê khai thuế, lưu kho, lưu bãi, cho đến các thủ tục xuất nhập khẩu hải quan… Như vậy, sẽ tiết kiệm được thời gian lưu kho, lưu bãi, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí.

Chủ tịch nước giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng
Chiều nay, 6/4, Quốc hội thảo luận tại đoàn về danh sách đề cử chức vụ Thủ tướng. Trong quá trình này, đại biểu có quyền ứng cử, đề...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư