Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Quỹ đầu tư phát triển địa phương phải trích lập dự phòng rủi ro như ngân hàng
Anh Ngọc - 15/08/2021 07:28
 
Theo quy định, Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện phân loại nợ, trích dự phòng rủi ro đối với hoạt động cho vay đầu tư như các tổ chức tín dụng.

Độc giả Nguyễn Duy (tỉnh Tây Ninh) đặt phản ánh như sau: Trong quá trình thanh tra Quỹ đầu tư phát triển địa phương, tôi nhận thấy một số bất cập liên quan đến quá trình hoạt động và cơ chế chính sách như sau:

- Sau khi hoàn nhập nguồn dự phòng rủi ro, Quỹ đầu tư phát triển địa phương không tiến hành phân phối vào cuối năm mà vẫn để trong vốn chủ sở hữu nhiều năm. Sau khi thanh tra phát hiện, Quỹ đầu tư phát triển địa phương giải trình việc không phân phối nguồn hoàn nhập dự phòng rủi ro trong nhiều năm với lý do đặc thù hoạt động của Quỹ không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; số tiền này vẫn nằm trong vốn chủ sở hữu của Quỹ từ năm 2018 trên bảng cân đối kế toán.

- Về việc xếp loại hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương theo Thông tư số 28/2014/TT-BTC ngày 25/2/2014 của Bộ Tài chính, qua thanh tra phát hiện Quỹ đầu tư phát triển địa phương không đáp ứng chỉ tiêu số 3 (tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ). Cụ thể, chỉ tiêu được phê duyệt đầu năm là 7,00%; đến cuối năm Quỹ chỉ đạt 7,08% (loại C), nhưng tự ý bỏ hai số thập phân để thành 7% (loại B), từ đó đề xuất UBND tỉnh phê duyệt xếp loại A tổng thể; dẫn đến việc trích các Quỹ đầu tư phát triển địa phương khen thưởng sai tiêu chuẩn. Quỹ đầu tư phát triển địa phương giải trình là Quỹ có quyền làm tròn số từ 7,08% thành 7% để đạt chỉ tiêu; mặt khác quá trình nợ xấu là lâu dài, cần giai đoạn nhiều năm nên đề nghị xem xét tạo điều kiện động viên tinh thần làm việc của đội ngũ nhân viên.

- Qua kiểm tra doanh thu các năm, nguồn doanh thu chủ yếu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương qua các năm là lãi tiền gửi tại các ngân hàng thương mại (gần 70% tổng doanh thu). Thanh tra nhận định quy định pháp luật tại thời điểm năm 2018 - 2019 không quy định chính xác việc cho phép Quỹ đầu tư phát triển địa phương gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại bởi những lý do:

Tại Chương II (từ Điều 6 đến Điều 25) Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 của Chính phủ, các hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương không có nội dung nào cho phép gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng; Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 28/2014/TT-BTC ngày 25/2/2014 của Bộ Tài chính quy định “Quỹ được sử dụng vốn hoạt động để thực hiện các chức năng quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP, bao gồm: Đầu tư trực tiếp, cho vay; và góp vốn thành lập tổ chức kinh tế” cũng không có quy định cho phép gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, Điểm a Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 28/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính thể hiện doanh thu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương bao gồm thu lãi tiền gửi; nội dung này chính là cơ sở để Quỹ gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại.

Số liệu gửi tín dụng của Quỹ đầu tư phát triển địa phương trong thời kỳ thanh tra thể hiện Quỹ gửi tiết kiệm có thời hạn là không phù hợp với mục tiêu hoạt động, trong khi các dự án cần vay đầu tư có thể phát sinh bất cứ thời điểm nào trong năm nên nói cách khác việc gửi tiết kiệm có kỳ hạn của Quỹ đầu tư phát triển địa phương có khả năng làm cản trở chức năng tín dụng của Quỹ.

Nội dung nhận định này chỉ mang tính chất đánh giá bất cập chính sách, thanh tra không đặt ra yêu cầu thu hồi.

Mặt khác, qua theo dõi quá trình xây dựng và ban hành Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ, nội dung Khoản 3 Điều 39 dự thảo: "Vốn nhàn rỗi của Quỹ đầu tư phát triển địa phương có thể sử dụng để mua công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng thuộc danh sách các tổ chức tín dụng được Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt trong từng thời kỳ theo nguyên tắc bảo toàn, phát triển vốn" đã không được thông qua trong văn bản chính thức.

Quỹ đầu tư phát triển địa phương không đồng ý với nhận định trên của Thanh tra và cho rằng Quỹ có chức năng đầu tư tài chính, quy định pháp luật không cấm, nên Quỹ có quyền gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại mà không có gì bất hợp pháp.

Do đây là những nội dung bất cập, khó khăn mang tính phổ biến, tồn tại không chỉ ở tỉnh Tây Ninh mà còn rất nhiều địa phương khác qua trao đổi với Thanh tra các tỉnh, đề nghị cơ quan chức năng sớm có phản hồi để các đơn vị có cơ sở tổ chức thực hiện đúng quy định pháp luật.

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Về việc trích lập dự phòng rủi ro và phân phối lợi nhuận của Quỹ đầu tư phát triển địa phương: Theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương (có hiệu lực đến hết ngày 4/2/2021), Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện phân loại nợ, trích dự phòng rủi ro đối với hoạt động cho vay đầu tư như các tổ chức tín dụng (Điều 18).

Theo quy định tại Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/2/2021), Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện phân loại nợ, trích lập quỹ dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay theo quy định của pháp luật đối với ngân hàng thương mại (Khoản 1 Điều 30).

Căn cứ quy định của pháp luật nêu trên, Quỹ đầu tư phát triển địa phương có trách nhiệm trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật đối với ngân hàng thương mại.

Về phân phối lợi nhuận: Theo quy định tại Thông tư số 28/2014/TT-BTC ngày 25/2/2014 hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính của Quỹ đầu tư phát triển địa phương, Hội đồng quản lý Quỹ quyết định việc phân phối chênh lệch thu chi sau khi có ý kiến chấp thuận của UBND cấp tỉnh (Khoản 1 Điều 20).

Theo quy định tại Nghị định số 147/2020/NĐ-CP, Hội đồng quản lý thông qua báo cáo tài chính, phân phối chênh lệch thu chi sau khi có ý kiến thẩm định của Ban Kiểm soát để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt (Điểm g Khoản 6 Điều 10); UBND cấp tỉnh phê duyệt phân phối chênh lệch thu chi (Khoản 14 Điều 49)

Căn cứ quy định của pháp luật nêu trên, Hội đồng quản lý có trách nhiệm báo cáo UBND phê duyệt việc phân phối chênh lệch thu chi.

Báo cáo UBND tỉnh về hiệu quả hoạt động của Quỹ

Về xếp loại hiệu quả hoạt động của Quỹ: Thông tư số 28/2014/TT-BTC (Khoản 2 Điều 27) quy định báo cáo xếp loại kết quả hoạt động phải được Hội đồng quản lý trình thông qua và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Nghị định số 147/2020/NĐ-CP (Khoản 1 Điều 42) quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm giám sát và đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương; Khoản 1 Điều 49 quy định UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Căn cứ quy định của pháp luật nêu trên, trường hợp có vướng mắc về kết quả xếp loại hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương, đề nghị báo cáo UBND cấp tỉnh để được hướng dẫn.

Được mở tài khoản tại ngân hàng

Nghị định số 138/2007/NĐ-CP (Khoản 1 Điều 3) và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP (Khoản 11 Điều 1) quy định Quỹ đầu tư phát triển địa phương được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Nghị định số 147/2020/NĐ-CP (Khoản 2 Điều 3) quy định Quỹ đầu tư phát triển địa phương được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định nêu trên, Quỹ đầu tư phát triển địa phương được mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Sẽ giải tán hàng loạt quỹ đầu tư phát triển địa phương không hiệu quả
Chỉ có 10/42 Quỹ Đầu tư Phát triển địa phương hoạt động hiệu quả, còn đa số các quỹ hoạt động chưa đúng định hướng, nguồn vốn rất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư