Thứ Ba, Ngày 01 tháng 04 năm 2025,
Quy định khung về khái niệm, phân loại tài sản số
Nguyễn Lê - 29/03/2025 14:35
 
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã được chỉnh lý theo hướng chỉ quy định khung về khái niệm, phân loại tài sản số dựa trên mục đích sử dụng, công nghệ và các tiêu chí khác. Đồng thời, bổ sung nội dung quản lý nhà nước và giao Chính phủ quy định thẩm quyền, quản lý đối với tài sản số trong lĩnh vực chuyên ngành phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Phiên thảo luận về Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số của đại biểu Quốc hội chuyên trách.  Ảnh: PT

Giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính ổn định

Trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (khai mạc đầu tháng 5 tới), Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số (Dự thảo) vừa được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 25/3.

Trước đó, khi thảo luận tại Kỳ họp thứ tám, một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau là tài sản số.

Báo cáo của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) nêu rõ, để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện nội dung này, Thường trực Ủy ban đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo làm việc với các cơ quan hữu quan.

Qua thảo luận, nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng, đây là vấn đề mới, phức tạp, do vậy, chỉ nên nêu khái niệm, nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính ổn định của pháp luật.

Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị bổ sung một số khái niệm, phân loại cụ thể tài sản số (tài sản ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa, NFT, các mã thông báo, tiền pháp định, tài sản tài chính...) và có quy định về cung ứng các dịch vụ liên quan nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống gian lận, lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố...; bổ sung chế tài để hạn chế rủi ro và xử lý được những thách thức về quản lý trong không gian mạng hiện nay.

Theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tài sản số là vấn đề mới, phức tạp, phát triển, thay đổi nhanh chóng; hiện trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý quy định đầy đủ về vấn đề này và vẫn còn có quan điểm khác nhau. Do vậy, nhằm bảo đảm tính khả thi, linh hoạt và ổn định của hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với nhóm ý kiến thứ nhất.

Từ đó, Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng chỉ quy định khung về khái niệm, phân loại tài sản số dựa trên mục đích sử dụng, công nghệ và các tiêu chí khác; bổ sung nội dung quản lý nhà nước (bao gồm: quản lý việc tạo lập, sử dụng, trao đổi, cung ứng tài sản số, nghĩa vụ thuế; các biện pháp xử lý vi phạm...) và giao Chính phủ quy định thẩm quyền, quản lý đối với tài sản số trong lĩnh vực chuyên ngành phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo cũng đã chỉnh lý về tài sản số, tài sản ảo và tài sản mã hóa theo hướng không bao gồm chứng khoán, các dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định của pháp luật về dân sự, tài chính. Ngoài ra, các quy định pháp lý về tiền số, tiền mã hóa cần phải được quy định chi tiết trong pháp luật chuyên ngành, theo cơ quan thẩm tra.

Nêu ý kiến tại Hội nghị, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội bày tỏ nhất trí với việc phân chia tài sản số theo 3 tiêu chí, trên cơ sở đó đưa ra biện pháp quản lý phù hợp.

“Quản lý tài sản ảo là vấn đề pháp lý mới, khó và phức tạp, là vấn đề xuyên quốc gia. Vì vậy, đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung báo cáo kinh nghiệm quốc tế để các đại biểu tham khảo khi xem xét thông qua Dự án Luật tại Kỳ họp thứ chín”, ông Nghĩa phát biểu.

Mở rộng phạm vi sandbox cho mọi sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới

Một nội dung đáng chú ý khác tại Dự thảo là quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox). Quá trình hoàn thiện, có ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ sự khác biệt giữa quy định về sandbox tại luật này với quy định liên quan tại Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tránh chồng chéo.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang được xây dựng, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ chín quy định mang tính nguyên tắc về việc thử nghiệm cho các loại công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới hoặc mô hình kinh doanh mới làm cơ sở để các luật chuyên ngành quy định, vừa bảo đảm phù hợp với nguyên tắc chung, vừa bảo đảm có tính đặc thù của từng ngành, lĩnh vực. Vì vậy, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số chỉ tập trung quy định sandbox đối với sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, đúng với tính chất của ngành công nghiệp công nghệ số, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo.

Nêu ý kiến tại Hội nghị, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam), Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia yêu cầu đổi mới tư duy quản lý, tránh tư duy “không quản được thì cấm”, mở đường cho công nghệ mới qua cơ chế thí điểm có kiểm soát.

Điều 42 của Dự thảo quy định điều kiện, tiêu chí đối với sản phẩm, dịch vụ thử nghiệm là sản phẩm, dịch vụ mới được hình thành thông qua hội tụ, tích hợp, kết hợp giữa các công nghệ số với nhau hoặc giữa công nghệ số với sản phẩm, dịch vụ của ngành, lĩnh vực khác; chưa có quy định điều chỉnh hoặc khác với quy định hiện hành tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị định; đã xây dựng phương án quản lý, khắc phục rủi ro và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thử nghiệm; có tính đổi mới sáng tạo, đem lại lợi ích, giá trị gia tăng cho người sử dụng; có tính khả thi để có thể cung ứng ra thị trường sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm.

Theo đại biểu Trần Văn Khải, Dự thảo đã có bước tiến với quy định cơ chế thử nghiệm, nhưng phạm vi thử nghiệm còn quá hẹp, bỏ sót nhiều đổi mới sáng tạo, đồng thời liệt kê nhiều hành vi bị cấm rất chung chung và đặt thêm một số điều kiện kinh doanh.

“Cách quản lý quá thận trọng này sẽ kìm hãm đổi mới sáng tạo, khiến doanh nghiệp e ngại thử nghiệm công nghệ mới tại Việt Nam”, ông Khải góp ý.

Kiến nghị của vị đại biểu này là mở rộng phạm vi sandbox cho mọi sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới chưa được pháp luật điều chỉnh, đơn giản hóa thủ tục phê duyệt thử nghiệm và lược bỏ các quy định cấm, điều kiện không thực sự cần thiết. Đồng thời, cần trao quyền cho Chính phủ tạm thời cho phép thí điểm những công nghệ, mô hình mới chưa có luật điều chỉnh (báo cáo Quốc hội sau) nhằm kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển.

Cũng góp ý về sandbox, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nêu, hiện nội dung này đã được quy định trong một số văn bản như Luật Thủ đô, Luật Các tổ chức tín dụng và một số nghị quyết của Quốc hội. Ông Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo thêm việc thực hiện các quy định hiện hành về sandbox, có ưu điểm và hạn chế gì, thuận lợi và khó khăn ra sao, tác động thế nào… để làm cơ sở thực tiễn cho đại biểu xem xét về quy định này trong Dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ chín.

Hồi âm ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nói, về sandbox, có thể tiếp cận theo hướng tập trung, nhưng linh hoạt, có một luật quy định các nguyên tắc về sandbox rồi giao Chính phủ ban hành nghị định khung. Sau đó, các bộ, ngành, địa phương ban hành hướng dẫn về sandbox ở bộ, ngành địa phương mình để tránh nhiều luật cùng quy định về sandbox.

Làm rõ hơn khái niệm tài sản số

- Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng)

Khoản 1, Điều 57 Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số quy định tài sản số là tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử.

Để đầy đủ hơn, tôi đề nghị bổ sung cụm từ “có tính độc nhất hoặc có thể thay thế” sau cụm từ “được thể hiện dưới dạng dữ liệu số”. Bởi lẽ, tính độc nhất hoặc có thể thay thế là tính chất quan trọng của tài sản số, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc tài sản số đó được sử dụng giao dịch và định giá. Trong đó, tính độc nhất tạo ra sự khan hiếm và giá trị riêng biệt cho từng loại tài sản, cho phép đại diện cho quyền sở hữu của các vật phẩm hoặc tài sản duy nhất cả trong thế giới thực và kỹ thuật số. Tính có thể thay thế cho phép dễ dàng trao đổi và sử dụng tài sản như một đơn vị tiền tệ để tạo ra tính thanh khoản cao và thúc đẩy các giao dịch thương mại là nền tảng cho các ứng dụng tài chính phi tập trung.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Sẽ thí điểm vận hành sàn giao dịch tài sản số, tiền số
Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động trên thị trường này.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư