Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quỹ hưu trí tự nguyện mãi nằm… trên giấy, Bộ Tài chính nói gì?
5 năm trôi qua kể từ khi “viên gạch” pháp lý đầu tiên cho sự ra đời và hoạt động của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tại Ðề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 144/2014, đến nay, mặc dù các bên liên quan mong muốn hình thành loại hình quỹ này, nhưng chưa một quỹ nào ra đời.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một ví dụ điển hình cho sự sốt ruột của thị trường đó là cách đây hơn 2 năm (đầu năm 2017), Trung tâm Lưu ký (VSD), Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đặt bút ký kết bản ghi nhớ phát triển, cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản cá nhân và giám sát cho quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, với kỳ vọng năm 2018, Việt Nam có quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đầu tiên. Thế nhưng, kỳ vọng này đã không thành hiện thực, khi mà gần hết quý I/2019, vẫn chưa có một chuyển động nào cho thấy sắp có quỹ hưu trí tự nguyện ra đời.

Ði tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao lại có sự chậm trễ kéo dài đến như vậy, bao giờ Việt Nam có quỹ hưu trí tự nguyện đầu tiên, trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 88/2016 về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện. Ðây là cơ sở pháp lý đầu tiên để hình thành quỹ hưu trí tự nguyện, với 2 mục tiêu là đảm bảo an sinh xã hội và tạo nguồn vốn đầu tư dài hạn vào thị trường chứng khoán.

“Quỹ hưu trí tự nguyện là vấn đề rất mới đối với Việt Nam, nên đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, phải có thời gian và cần rất thận trọng”, bà Mai cho hay.

Thực tế cho thấy, hệ thống pháp lý đồng bộ, đầy đủ cho quỹ hưu trí tự nguyện ra đời và hoạt động vẫn còn thiếu. Theo ý kiến từ thị trường, nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành liên quan.

Lãnh đạo một công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài nhìn nhận, mức đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động tham gia vào quỹ hưu trí tự nguyện được miễn thuế ở mức 3 riệu đồng/người/tháng là quá thấp, không tạo được động lực cho các bên mặn mà tham gia.

Thực tế cho thấy ở các doanh nghiệp có chính sách ưu đãi về chương trình hưu trí cho cán bộ nhằm giữ chân nhân tài, họ có những chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Lẽ ra cơ quan xây dựng chính sách cần dựa vào đặc thù này để tạo ra tính cạnh tranh cho khoản đóng góp vào quỹ được miễn thuế ở mức cao hơn 3 triệu đồng/người/tháng, thì cả doanh nghiệp lẫn người lao động thấy được lợi ích đủ hấp dẫn để thu hút họ tham gia quỹ hưu trí tự nguyện.

Mặt khác, theo quy định hiện hành, hệ thống chứng từ đòi hỏi người lao động và người sử dụng lao động phải cung cấp để được khấu trừ thuế cho khoản đóng góp vào quỹ. Quy định này có phần rườm rà, phức tạp so với các nước lân cận, nên cũng khiến các bên ngại tham gia quỹ.

Không những thiếu cơ chế ưu đãi, khuyến khích, quy định pháp lý hiện hành đang gây khó cho quỹ hưu trí tự nguyện hoạt động. Nghị định 88/2016/NÐ-CP khống chế quỹ hưu trí phải đầu tư tối thiểu 50% tổng giá trị tài sản vào trái phiếu Chính phủ (bao gồm cả đầu tư thông qua chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán).

Cơ cấu đầu tư này được nhìn nhận là cao, không tạo sự linh hoạt, hấp dẫn cho quỹ hưu trí hoạt động. Thực tế này cho thấy, cả khâu huy động nguồn vốn cho lập quỹ, lẫn việc sử dụng nguồn vốn cho hoạt động đầu tư của quỹ hưu trí tự nguyện đều khó.

Dẫn ví dụ giá trị tài sản ròng của toàn bộ các quỹ hoạt động trên thị trường chứng khoán Thái Lan hiện đạt khoảng 100 tỷ USD nhờ quan tâm phát triển hệ thống quỹ hưu trí trong 15 năm qua, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty quản lý quỹ Dragon Capital đề xuất, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành nhanh chóng giải quyết những vướng mắc còn lại để sớm thành lập quỹ hưu trí tự nguyện. Ðây là mong muốn lớn nhất trong thời gian tới.

Nhận diện một trong những “nút thắt” khiến quỹ hưu trí tự nguyện chậm ra đời do sự chậm trễ trong phối hợp hoàn chỉnh chính sách của các bộ ngành liên quan, mới đây tại Quyết định 242/2019 phê duyệt Ðề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và giải pháp thúc đẩy việc thành lập và hoạt động của Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, xây dựng hướng dẫn thỏa ước giữa người sử dụng lao động và người lao động về tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện… Ðề án cũng nêu rõ cơ quan quản lý ban hành các chính sách khuyến khích phát triển chương trình hưu trí tự nguyện.

Từ định hướng trên, cần vào cuộc mạnh hơn, chẳng hạn đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định quỹ hưu trí phải đầu tư tối thiểu 50% tổng giá trị tài sản vào trái phiếu Chính phủ tại Nghị định 88/2016, đồng thời hình thành cơ chế ưu đãi về thuế, phí để người lao động và doanh nghiệp nhận diện được những lợi ích đủ hấp dẫn, từ đó thu hút họ tham gia.

Liên quan đến hướng gỡ khó cho quỹ hưu trí ra đời, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu để ban hành thông tư hướng dẫn về thỏa ước của người lao động trong việc mua chứng chỉ quỹ, tức là đang chuẩn bị những cơ sở pháp lý cần thiết, cũng như phải có chương trình phần mềm để có thể quản lý được các tài khoản cá nhân khi giao dịch chứng chỉ quỹ này…

Tương lai của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tại Việt Nam
Ngày 15/11 tới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phối hợp với Hiệp hội chuyên gia phân tích đầu tư quốc tế và Hiệp hội chuyên gia phân tích...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư