Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Quý I/2022, LDG tiếp tục tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền âm 284,36 tỷ đồng
Duy Bắc - 13/05/2022 10:33
 
Công ty Đầu tư LDG ghi nhận doanh thu quý I/2022 tăng 241,9% so với cùng kỳ lên 126,57 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2,4 tỷ đồng, tăng thêm 2,09 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần Đầu tư LDG (Mã LDG - sàn HOSE) công bố Báo cáo tài chính quý I/2022.

Theo đó, trong quý I/2022, LDG ghi nhận doanh thu tăng 241,9% so với cùng kỳ lên 126,57 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2,4 tỷ đồng, tăng thêm 2,09 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 84,1% về chỉ còn 46,3%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 88% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 27,42 tỷ đồng lên 58,57 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 126,8%, tương ứng tăng thêm 14,96 tỷ đồng lên 26,76 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 32,5%, tương ứng tăng thêm 7,2 tỷ đồng lên 29,33 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Trong năm 2022, LDG đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.337 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, công ty chỉ hoàn thành 0,8% kế hoạch năm.

Xét về dòng tiền, trong quý I/2022, dòng tiền kinh doanh chính âm 284,36 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 2,75 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 81,6 triệu đồng và dòng tiền tài chính dương 271,6 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Như vậy, Công ty đã tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Được biết, LDG đã trải qua 3 năm dòng tiền âm liên tiếp. Cụ thể, năm 2019 âm 1.770 tỷ đồng, năm 2020 âm 97 tỷ đồng và năm 2021 âm 956 tỷ đồng. Để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh liên tiếp, công ty liên tục tăng nợ vay.

Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản công ty tăng 2,7% so với đầu năm lên 7.024,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản công ty chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.688,9 tỷ đồng, chiếm 52,5% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 1.232,9 tỷ đồng, chiếm 17,6% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.021 tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tiếp tục tăng 5,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 180,6 tỷ đồng lên 3.688,9 tỷ đồng. Nếu nhìn từ năm 2018 tới nay, các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng 220,8%, tương ứng tăng thêm 2.538,9 tỷ đồng lên 3.688,9 tỷ đồng (tỷ lệ các khoản phải thu ngắn hạn trên tổng tài sản tăng từ 23,6% lên 52,5%).

Cơ cấu các khoản phải thu khác (Nguồn: BCTC quý I/2022).
Cơ cấu các khoản phải thu khác (Nguồn: BCTC quý I/2022).

Theo thuyết minh Báo cáo tài chính, phải thu ngắn hạn chủ yếu là 2.694,9 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác. Trong đó, bao gồm 1.170,2 tỷ đồng các khoản đặt cọc, ký quỹ, ký cược ngắn hạn; 924 tỷ đồng đặt cọc chuyển nhượng cổ phần; 391,4 tỷ đồng tạm ứng…

Ngoài ra, trong quý đầu năm, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 21,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 273,6 tỷ đồng lên 1.543,5 tỷ đồng và chiếm 22% tổng nguồn vốn.

Nếu như năm 2018, Công ty chỉ sử dụng 156,5 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn, chiếm 3,2% tổng nguồn vốn. Như vậy, trong vòng hơn 3 năm, công ty đã tăng thêm 1.387 tỷ đồng nợ vay.

Đại hội cổ đông không tổ chức được

Tại Đại hội đồng cổ đông LDG diễn ra vào ngày 15/4/2022, chỉ có 669 cổ đông, đại diện cho 29,57% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự và không thể tổ chức đại hội do thiếu cổ đông tham dự theo luật quy định.

Trong khi đó, trong mùa đại hội đồng cổ đông năm trước, lần triệu tập thứ nhất vào ngày 15/4/2021, 111 cổ đông tham dự, đại diện cho 91 triệu cổ phần, tương đương 38,02% tổng lượng cổ phần có quyền biểu quyết. Trong lần triệu tập thứ hai vào ngày 30/6/2021, có 361 cổ đông LDG, đại diện 88,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 36,83% tổng cổ phần có quyền biểu quyết tham dự và đủ điều kiện tổ chức đại hội.

Việc số cổ đông tham dự đại hội năm nay nhiều hơn hẳn so với con số cổ đông năm ngoái song đại diện cho lượng cổ phần thấp hơn xuất phát từ việc tỷ lệ sở hữu của LDG ngày càng phân tán.

Ở một diễn biến khác, tại LDG, chỉ trong giai đoạn từ cuối tháng 10 đến tháng 12/2021, ban lãnh đạo đã bán ra hơn 3,18 triệu cổ phiếu, tương ứng khoảng 1,3% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Trong đó, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT bán ra 3 triệu cổ phiếu.

Trùng hợp là động thái bán ra của lãnh đạo LDG diễn ra trong giai đoạn cổ phiếu này có sóng tăng mạnh. Cụ thể, từ ngày 27/9/2021 đến 7/1/2022, LDG tăng từ 6.850 đồng/cổ phiếu lên 27.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 300%. Sau đó, thị giá cổ phiếu bắt đầu giảm mạnh, tính tới ngày 12/5/2022 chỉ còn 12.300 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 55% so với đỉnh.

Có thể thấy, ban lãnh đạo LDG đã tận dụng sự bùng nổ của thị trường chứng khoán cuối năm 2021 chốt lời cổ phiếu ngay vùng đỉnh. Điều này không chỉ phát đi tín hiệu về sự thiếu gắn kết của ban lãnh đạo, khiến nhà đầu tư nghi ngờ về triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai khi cổ đông nội bộ bán ra, mà thực tế đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp này.

 Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/5, cổ phiếu LDG giảm sàn 900 đồng về 12.300 đồng/cổ phiếu.

Shark Louis Nguyễn muốn ứng cử vào HĐQT Công ty LDG
Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc quỹ đầu tư SAM muốn ứng cử vị trí thành viên HĐQT độc lập của Công ty LDG.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư