Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Quy tắc 4% - Công thức đi đến tự do tài chính
Tự do tài chính đang trở thành mục tiêu mà nhiều người mong muốn đạt được, với kỳ vọng có thể đạt được trạng thái đủ đầy để tận hưởng cuộc sống một cách thoải mái, không bị vướng bận về tài chính.

Quy tắc 4%

Quy tắc 4% - Hay còn gọi là quy tắc 25, được hiểu là công thức để tính ra số tiền để đạt tự do tài chính.

Công thức như sau: Lấy số tiền chi tiêu 1 năm x 25 = số tiền để đạt được tự do tài chính (Số tiền đó được hiểu bằng 25 năm chi phí sinh hoạt trung bình. Số tiền này sẽ mang đi đầu tư tài chính để nhận lãi từ các kênh đầu tư và mang lại lợi nhuận kỳ vọng. Sau đó, mỗi năm bạn được rút số tiền bằng 1 năm chi phí sinh hoạt được tính toán từ trước để trang trải chi phí mà không ảnh hưởng đến khoản tiền gốc đầu tư ban đầu).

Như vậy, có thể hiểu con số để tự do tài chính là cách xác định Chi tiêu sinh hoạt để thoải mái tự do – chứ không phải xác định Thu nhập từ đầu tư để chi tiêu. Điều nhấn mạnh ở đây là lựa chọn chi tiêu chứ không phải thu nhập. Số tiền sinh ra từ đầu tư để tài trợ lối sống mà bạn mong muốn.

Như vậy, để làm rõ hơn về Chi tiêu, ta lại chia nó ra thành 2 nhóm: mỗi nhóm có 2 phần. Tương ứng với 4 câu hỏi khi chi tiêu hay mua sắm bất cứ một thứ gì là Cần, Yêu - Muốn, Thích. Rõ ràng, chỉ nên Chi tiêu vào những thứ mình Cần, thay vì mình Muốn (Chi tiêu theo lý trí). Khi tiêu tiền vào những thứ mình muốn, sau một thời gian bạn sẽ nhận ra bạn thực sự không cần nó và nó không mang lại giá trị lợi ích về lâu dài cho bạn.

Ở trạng thái cảm xúc cao hơn là Yêu - Thích để bạn có thể có động lực mạnh hơn khi lập kế hoạch tài chính một cách hiệu quả. Yêu khiến con người trở nên có động lực mạnh hơn, đam mê và cam kết gắn bó, thay vì Thích chỉ là cảm xúc mang tính chất thời điểm, có cũng được mà không cũng xong (Chi tiêu mang tính cảm xúc).

Vì vậy, khi lập kế hoạch chi tiêu, các khoản thiết yếu như chi phí ăn ở, đi lại, chăm sóc gia đình… là những khoản chi không thể thiếu, nằm trong nhóm của chữ “Cần”. Còn chữ “Yêu” sẽ thử thách hơn, bạn cần có mục tiêu để chi tiêu khoản này như 1 khoản để đi du lịch, mua nhà để xây dựng tổ ấm, hay mua phương tiện để phục vụ gia đình của mình. Vì Yêu mà cái đích đến sẽ rõ ràng và thử thách hơn, yêu cầu bạn một quyết tâm cao độ để thực hiện các việc đó.

Hơn thế nữa, 4 từ trên cũng giúp bạn xác định khi thực hiện bất cứ công việc gì cụ thể. Lý do và mục tiêu lý trí để thực hiện, cộng thêm cả sức mạnh của cảm xúc để gia tăng nỗ lực.

Kết lại, Nguyên tắc 4% xây dựng dựa trên Chi tiêu những thứ bạn Cần và cao hơn là chi những thứ bạn Yêu để có một cuộc sống Độc lập, Tự do và Hạnh Phúc. Nếu chúng ta vẫn cứ "Muốn" và “Thích” điều gì đó mà không làm thứ chúng ta "Cần" và “Yêu” - thì hiện tại, và cả tương lai, chúng ta vẫn thèm muốn nó mà thôi!

3 biến số của tự do tài chính

Để đạt được tự do tài chính cần 3 trọng số chính là: thứ nhất, thời gian đầu tư (số năm đầu tư); thứ hai, hiệu suất đầu tư (tỷ lệ sinh lời/năm) và thứ ba là tỷ lệ tiết kiệm (mức % tiết kiệm sau thu nhập và chi tiêu).

Thời gian với mỗi người thì công bằng, bạn sẽ không thể để tác động đến yếu tố này.

Hiệu suất đầu tư là do năng lực của mỗi cá nhân, ảnh hưởng bởi khẩu vị rủi ro, mức độ chịu đựng biến động của thị trường. Đây là yếu tố khó nhất vì rất khó để duy trì tỷ suất sinh lời cao trong thời gian dài để đạt mục tiêu. Ngay cả Warren Buffett cũng đạt lợi nhuận khoảng 20% (lưu ý đây là lãi kép hàng năm), và 81,5 tỷ USD tài sản của Warren trong số 84,5 tỷ USD ông có được đến sau sinh nhật lần thứ 65 của ông.

Vậy yếu tố ta có thể tác động dễ nhất chính là tỷ lệ tiết kiệm. Được cấu thành từ công thức Thu nhập (Tạo tiền) – Chi tiêu = Tiết kiệm (giữ tiền). Không hẳn tiết kiệm chỉ để tiết kiệm mà trên hết tiết kiệm là hình thành tính cách và xây dựng thói quen tích sản và đầu tư (nhân tiền).

Việc Tiết kiệm còn giúp ta chừa chỗ cho sai lầm. Phần quan trọng nhất của mọi kế hoạch là lên kế hoạch dự phòng khi mọi chuyện không như dự tính. (Chẳng hạn 2 năm Covid vừa đi qua, hay sự sụt giảm của chứng khoán, bất động sản đóng băng hay một loạt công ty bán trái phiếu vỡ nợ vậy).

Một trong những cách tốt nhất để làm tăng khoản tiết kiệm của bạn không bắt buộc phải là tăng nguồn thu nhập. Bạn có thể bắt đầu bằng tiết kiệm nhiều hơn. Quan trọng nhất là hãy tiết kiệm trước khi chi tiêu, bởi việc này cũng giống như bạn đã xây nền móng vững chắc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư