Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Rộng cửa phương án chọn thầu dự án “siêu” cầu Đại Ngãi
Anh Minh - 26/12/2022 09:02
 
Việc chốt phương án chỉ định thầu hay đấu thầu rộng rãi tại các gói thầu xây lắp của Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi có tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Phối cảnh cầu Đại Ngãi.

Bỏ tiết kiệm 5% nếu đấu thầu

“Chúng tôi đã nhận được hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến cơ chế chỉ định thầu theo cơ chế đặc thù cho công trình và đang tổng hợp, báo cáo Bộ GTVT để sớm có quyết định cuối cùng”, ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 (PMU85), đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 cho biết.

Vào cuối tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 9185/BKHĐT-QLĐT phúc đáp PMU85 về việc xin hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù để triển khai dự án trên.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép công trình được sử dụng một phần vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Điều 5, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội có quy định Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 - 2023 đối với các gói thầu tư vấn; gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình.

“Do vậy, Bộ trưởng Bộ GTVT, người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư của Dự án có trách nhiệm xác định gói thầu áp dụng cơ chế đặc thù về chỉ định thầu theo quy định tại Điều 5, Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ: về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình”, công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Liên quan việc tiết kiệm 5% giá dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ được áp dụng yêu cầu này đối với các gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần áp dụng chỉ định thầu.

Trường hợp người có thẩm quyền quyết định tổ chức đấu thầu rộng rãi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc lựa chọn nhà thầu phải thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn liên quan. Trong đó, nội dung hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu.

Được biết, tại Quyết định số 878/QĐ-TTg, Thủ tướng cho phép Bộ GTVT sử dụng 4.130 tỷ đồng vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60. Phần vốn còn lại cho Dự án sẽ được phân bổ từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 của Bộ GTVT.

Đề xuất sử dụng chuyên gia nước ngoài

Theo PMU85, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 - công trình cầu lớn vượt sông Tiền kết nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng - từng được đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản. Tuy nhiên, để đảm bảo công trình có thể hoàn thành vào năm 2027, Chính phủ đã quyết định sử dụng nguồn vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư.

Đây là dự án rất quan trọng đối với hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giúp rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải, lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và phân luồng, giảm tải cho Quốc lộ 1, rút ngắn khoảng cách 80 km so với sử dụng tuyến Quốc lộ 1 khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP.HCM, giảm thời gian di chuyển qua 2 phà vượt sông Hậu.

“Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, việc chuyển sang sử dụng nguồn vốn trong nước và áp dụng cơ chế đặc thù có thể đẩy nhanh tiến độ Dự án khoảng 11,5 tháng”, Giám đốc PMU85 ước tính.

Hiện chưa rõ Bộ GTVT sẽ chọn áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu nào cho các gói thầu xây lắp, nhưng tại tờ trình mới nhất đề nghị cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60, PMU85 đã kiến nghị áp dụng phương án đấu thầu để lựa chọn tư vấn trong nước kết hợp sử dụng một số chuyên gia nước ngoài cho 2 gói thầu tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát công trình.

“Cầu chính cầu Đại Ngãi là công trình cầu dây văng có khẩu độ lớn, kết cấu phức tạp. Các đơn vị tư vấn trong nước hiện nay cũng đã tiếp cận, có kinh nghiệm thiết kế/thẩm tra/giám sát một công trình cầu dây văng có khẩu độ nhịp khá lớn, nhưng để đảm bảo chất lượng công trình và kiểm soát tốt các rủi ro, vẫn cần có yếu tố tư vấn nước ngoài tham gia Dự án”, đại diện PMU85 thông tin.

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 có điểm đầu giao với Quốc lộ 54, thuộc địa phận xã Hùng Hòa (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh); điểm cuối giao với Quốc lộ Nam sông Hậu, thuộc địa phận xã Long Đức (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).

Dự án có chiều dài 15,14 km, trong đó có 2 cầu lớn là cầu Đại Ngãi 1 (dài 2.559 m) và cầu Đại Ngãi 2 (dài 862 m).

Đề xuất xây dựng cầu Đại Ngãi trị giá 8.039 tỷ đồng bằng vốn trong nước
Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng sẽ chuyển đổi hình thức đầu tư từ ODA sang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư