Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân lao
D.Ngân - 07/04/2021 21:09
 
Với phác đồ điều trị mới BPal, người mắc bệnh lao kháng thuốc, siêu kháng thuốc sẽ được rút ngắn thời gian điều trị từ 18 tháng xuống chỉ còn 6 tháng.

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cho biết cơ quan này sẽ thí điểm điều trị ít nhất cho 100 bệnh nhân lao nội trú trong thời gian một tháng theo phác đồ điều trị mới BPal.

Mỗi năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100 nghìn người mắc lao.

Sau khi có kết quả, rút kinh nghiệm trong điều trị, chương trình sẽ có báo cáo với Bộ Y tế về việc thay đổi phác đồ điều trị mới.  

“Thông qua nghiên cứu này, năng lực của Chương trình Chống lao quốc gia được tăng cường trong việc triển khai thực hiện phác đồ BpaL. Kết quả của nghiên cứu sẽ được sử dụng để hỗ trợ việc triển khai mở rộng phác đồ trên quy mô toàn quốc”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay.

Phác đồ ba thuốc bao gồm bedaquiline, Pretomanid và linezolid - được gọi chung là chế độ BPaL. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, phác đồ BPal có hiệu quả điều trị lên tới 90%. Phác đồ này đã được WHO khuyến cáo triển khai trong chương trình chống lao của nhiều quốc gia.

Hiện nay, Việt Nam có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao. Phác đồ điều trị lao kháng thuốc của chúng ta khá dài từ 18-20 tháng. Do đó, chúng ta cần một phác đồ điều trị khác, rút ngắn thời gian điều trị hơn.

Việt Nam là một trong các quốc gia tiên phong trong điều trị bệnh nhân kháng thuốc nặng bằng phác đồ mới này, bảo đảm việc thí nghiệm phác đồ mới có lợi ích tối đa cho người bệnh và cộng đồng.

Tuy nhiên, theo PGS.Nhung, những thách thức, vướng mắc hiện nay là những quy định mới còn hết sức ngặt nghèo. Bên cạnh đó, các tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn của phác đồ mới. Tuy nhiên, qua nghiên cứu về phác đồ điều trị mới, chỉ có 10% là có tác dụng phụ trung bình và chỉ 1% tác dụng phụ phản ứng nặng.

Năm 2019, cả nước có 170.000 trường hợp mắc, trong đó có 9.400 trường hợp tử vong do lao. Khoảng 98% bệnh nhân lao và gia đình của họ phải gánh chịu chi phí thảm hoạ do bệnh lao gây ra.

Bên cạnh đó, mỗi năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100 nghìn người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.

Dự án LIFT-TB (Leveraging Innovation for Faster Treatment of Tuberculosis) giai đoạn 2021-2023 với ngân sách của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA - Korea International Cooperation Agency) thông qua tổ chức của TB Alliance hỗ trợ triển khai thí điểm phác đồ BPaL tại 7 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư