Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sân bay Long Thành: Cần nhưng chưa đủ
Quang Hưng - 04/11/2014 16:54
 
Trong khuôn khổ phiên thảo luận ở tổ chiều nay (4/11), nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến về khả năng, tiềm lực của Việt Nam trước dự án đòi hỏi nguồn lực đầu tư “khủng” này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bỏ sân golf, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn ổn
Xây sân bay Long Thành: Thiên thời - địa lợi - nhân hòa
Thu hẹp quy mô sân bay Long Thành giai đoạn I
Công bố Quy hoạch sân bay Phan Thiết
  Sân bay Long Thành: Cần nhưng chưa đủ  
  Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP. Hồ Chí Minh).
Ảnh: Hà Quang
 

Trao đổi về sự cấp thiết của dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành chiều nay (4/11), đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Long Thành mới có điều kiện cần nhưng chưa có điều kiện đủ.

Theo đại biểu Huỳnh Minh Thiện, báo cáo của Chính phủ đưa ra 2 lý do cấp thiết phải xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là: để hình thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và xu hướng phát triển của hàng không trong nước, khu vực và quốc tế; thứ 2 là và Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải.

Về việc hình thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển, đại biểu cho rằng, báo cáo đưa ra phân kỳ đầu tư là 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là 25 triệu khách, giai đoạn 2 là 50 triệu khách và giai đoạn 3 là 100 triệu khách để chúng ta cạnh tranh với các sân bay Chek Lap Kok (Hongkong), Changi (Singapore), Kuala Lumpur (Malaysia), Subvabuhami (Thái Lan)...

“Tôi thấy nghe qua thì đúng, , điều kiện cần là có nhưng tôi cho là chưa đủ. Nếu ta so sánh với Hongkong, Thái Lan, Singapore, Malaysia về vấn đề tốc độ tăng trưởng kinh tế, đầu tư thương mại xuất nhập khẩu, kể cả tiềm năng du lịch của Việt Nam thì Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trở thành trung tâm trung chuyển. Nhưng nếu chúng ta so sánh về tiềm lực thì chúng ta chưa đủ sức cạnh tranh vì nội lực kinh tế - thương mại – xuất nhập khẩu – du lịch chúng ta đều thua xa về cái này. Singapore với 5 triệu rưỡi dân thì đã đạt 15 triệu khách quốc tế ghé thăm mỗi năm, tức là gần gấp 2 ta. Thái Lan là 65 triệu dân thì có 25 triệu khách du lịch quốc tế thì gấp 3 ta. Rồi đến Malaysia có 30 triệu dân thì có 30 triệu khách du lịch. Theo văn bản mới nhất mà tôi có được thì chỉ có 6% khách quốc tế muốn trở lại Việt Nam vì dịch vụ yếu kém. Như vậy, nói về nội lực thì ta không thể so sánh được với các hoạt động này”, đại biểu Huỳnh Minh Thiện phân tích.

"Tiếp theo là dự báo là công suất thiết kế, tức là chúng ta nói đến kỳ vọng. Vấn đề thực tế nó khác. Vì sao? Vì chúng ta chưa phân tích các yếu tố về vận hành cảng hàng không qua phương thức cũng như là đầu tư về khoa học công nghệ".

Về mức độ đầu tư khách du lịch, theo đại biểu Thiện, báo cáo Chính phủ cũng không phân tích rõ. “Sân bay Chek Lap Kok của Hongkong với 1.255 ha thì năm 2010 họ đã đạt công suất 50 triệu khách/năm, đến 2013 đạt gần 60 triệu khách/năm với 4 triệu tấn hàng hóa. Sân bay Changgi của Singapore 1.300 ha thì công suất là 62 triệu khách/năm. Trong khi Tân Sơn Nhất thì sao?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Một ví dụ khác để so sánh, mới năm trước, hãng hàng không Lufthansa của Đức đã hủy đường bay thẳng đến Tân Sơn Nhất sau 20 năm để chuyển sang Thái Lan. Điều này có ý nghĩa gì? Vấn đề ở đây là vấn đề về vận hành sân bay. Báo cáo của chúng ta mới nói về công suất thiết kế, tức là nói về kỳ vọng thôi. Nên là cái điều kiện đủ cho cảng hàng không quốc tế cần phải xem lại.

Còn theo đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh), trong thời gian tiếp xúc cử tri vừa qua, có rất nhiều ý kiến cử tri chất vấn về việc tại sao sân bay Tân Sơn Nhất lại có xây dựng sân golf. Việc xây dựng sân golf ở đây không chỉ lấn đất của sân bay mà còn gây ô nhiễm môi trường.

  Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương thảo luận về Sân bay Long Thành  
  Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh)  

“Trước hết tôi đồng ý với ý kiến các đại biểu phát biểu trước là phải hủy dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất để lấy cái đất để tăng bãi đậu, phát triển nhà ga Tân Sơn Nhất. Còn về đường băng, theo thống kê kỹ thuật người ta nói rồi, là có thể vận chuyển được rất nhiều hành khách chứ không phải không. Vấn đề nâng cấp ở Tân Sơn Nhất là có cơ sở. Nói là không có cơ sở cử tri không tin, bảo quá tải vì lý do không có đất người ta không tin”, đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

“Chúng ta phải đặt dự án trong bối cảnh chung của phát triển kinh tế xã hội đất nước chứ đừng nhìn riêng vào chiến lược phát triển hàng không. Còn rất nhiều vấn đề an sinh xã hội, đường sắt, trường học, bệnh viện là những cái phải làm. Mình không chỉ đầu tư phát triển mà còn phải có những nguồn lực cho đầu tư giữ gìn đất nước. Tại sao cứ loay hoay trong nội địa này. Chúng ta phải tập trung tiềm lực vào quốc phòng, vừa bảo vệ tổ quốc, vừa bảo vệ ngư trường, vừa tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện cơ thể kinh tế “ốm yếu” như thế này, chậm hồi phục như thế này mà chúng ta tiếp tục “chích máu” ra nữa liệu có chịu được không?”, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư