Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Sân bay Phan Thiết: Động lực phát triển Bình Thuận
Trần Tuấn - 17/01/2015 16:57
 
Ngày 18/1, Dự án Sân bay Phan Thiết sẽ chính thức được khởi công xây dựng. Đây là dự án có vai trò quan trọng nhằm tạo động lực mới cho Bình Thuận phát triển. Đặc biệt, Dự án có hạng mục hàng không dân dụng được đầu tư theo hình thức BOT lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư trước thềm sự kiện này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Vì sao ông chủ Tập đoàn Rạng Đông quyết định đầu tư Sân bay Phan Thiết?
Đã chọn được nhà đầu tư Sân bay Phan Thiết 1.640 tỷ đồng
Hỗ trợ gần 800 tỷ cho Dự án đường trục ven biển Bình Thuận
Bình Thuận: Đánh thức tiềm năng, đầu tư chiều sâu

Xin ông cho biết ý nghĩa của Dự án Sân bay Phan Thiết với sự phát triển của tỉnh Bình Thuận thời gian tới?

Kết luận của Bộ Chính trị và chủ trương phát triển tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 đã xác định, Bình Thuận cần khai thác tối đa, mạnh mẽ hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh để phát triển đột phá. Theo đó, mục tiêu mà Bình Thuận đề ra là đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Dựa trên lợi thế so sánh, cơ cấu kinh tế tỉnh hướng tới là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.

Trao đổi với ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận
Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Đồng thời, chúng tôi xác định, Bình Thuận phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng, trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan, trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Song song đó, kết cấu hạ tầng thiết yếu phải đồng bộ, liên thông mạch lạc với khu vực và cả nước, môi trường được bảo vệ tốt, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Để thực hiện định hướng trên, thì hệ thống hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hiện nay, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh chỉ bao gồm đường bộ và đường sắt. Trong khi hệ thống quốc lộ, cao tốc đang trong giai đoạn nâng cấp và hình thành, năng lực vận tải chưa theo kịp đòi hỏi từ thực tiễn. Do vậy, sân bay Phan Thiết ra đời sẽ thêm một “cú hích” và tạo động lực mới đẩy Bình Thuận phát triển mạnh mẽ hơn.

Sân bay Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng, kết hợp giữa phát triển kinh tế với an ninh, quốc phòng. Sân bay này sẽ đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho riêng Bình Thuận, mà cho cả khu vực, đảm bảo vận chuyển an toàn, rút ngắn thời gian di chuyển, hỗ trợ cho kinh tế, đặc biệt là thu hút đầu tư và du lịch khởi sắc. Ngoài ra, sân bay này còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế biển, phục vụ dịch vụ dầu khí, thực hiện chương trình biển đảo.

Cùng với hệ thống cảng hàng không toàn quốc, sân bay Phan Thiết sẽ là sự bổ sung, hoàn thiện thêm mạng lưới giao thông hàng không, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai gần, sân bay Phan Thiết sẽ giúp Bình Thuận gia tăng sức hấp dẫn đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Chắc hẳn Bình Thuận dành nhiều sự quan tâm cho việc chuẩn bị đầu tư và khởi công dự án then chốt này?

Là dự án mang tính chất đặc thù và tỉnh chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án kiểu này, đây cũng là lần đầu tiên một sân bay tại Việt Nam thực hiện theo hình thức BOT, nên chúng tôi rất coi trọng khâu chuẩn bị đầu tư. Từ tháng 5/2012, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông - Vận tải để triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng.

Theo quy hoạch, sân bay Phan Thiết được đầu tư xây dựng tại xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, với diện tích chiếm đất 543 ha. Quy hoạch giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 3216/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2013. Sân bay có năng lực khai thác đến năm 2020 là 500.000 hành khách/năm và đến năm 2030 là 1 triệu hành khách/năm.

Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 5740/VPCP-KTN ngày 30/7/2014 giao Bộ Quốc phòng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai hình thức BT đối với hạng mục sân bay quân sự. Tiếp đó, ngày 18/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 7285/VPCP-KTN giao UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư xây dựng sân bay dân dụng Phan Thiết theo hình thức BOT. Mới đây, việc thẩm định của các bộ, ngành liên quan được hoàn tất, Chính phủ đã cho phép tiến hành lễ khởi công sân bay Phan Thiết vào ngày 18/1/2015.

Ngoài việc lựa chọn nhà đầu tư hạng mục hàng không quân sự do Bộ Quốc phòng quyết định, việc lựa chọn nhà đầu tư BOT hạng mục hàng không dân dụng do UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, lựa chọn theo đúng quy định của Nghị định 108/2009/NĐ-CP. Đây là một lĩnh vực mới mẻ, vốn đầu tư rất lớn và thời gian thu hồi vốn đầu tư dài, nên việc chọn lựa nhà đầu tư được chúng tôi cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo dự án sẽ được thực hiện đúng tiến trình. Qua quá trình thẩm định năng lực, chúng tôi lựa chọn Công ty cổ phần Rạng Đông (Tập đoàn Rạng Đông) làm nhà đầu tư hạng mục hàng không dân dụng của sân bay Phan Thiết.

Bình Thuận đã rốt ráo thu hồi, giải phóng mặt bằng và đến nay đã đền bù và thu hồi được 310 ha trên tổng số 543 ha đất của Dự án. Công tác chuẩn bị cho lễ khởi công xây dựng sân bay Phan Thiết được chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng bấm nút khởi động.

Lần đầu tiên tại Việt Nam có nhà đầu tư BOT vào lĩnh vực sân bay, một lĩnh vực tiềm ẩn không ít rủi ro, vậy tỉnh Bình Thuận sẽ có cơ chế gì để hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án này, thưa ông?

Đầu tư BOT sân bay là một loại hình đầu tư hạ tầng lớn và rất đặc thù. Nhà đầu tư không những phải đầu tư một khoản lớn, mà còn phải mất thời gian dài mới hoàn vốn. Từ thực tế khảo sát hoạt động các sân bay có điều kiện tương tự sân bay Phan Thiết và trên cơ sở tham vấn các chuyên gia ngành hàng không cho thấy, việc đầu tư này không phải không có rủi ro nhất định. Bài toán lời lỗ phải được nhà đầu tư tính toán một cách cẩn trọng. Chúng tôi rất hoan nghênh nhà đầu tư BOT tham gia dự án trọng điểm này. Khi tỉnh mời gọi đầu tư cho dự án, chỉ duy nhất một nhà đầu tư tham gia đăng ký.

Xuất phát từ nguyên do đó, nên cần phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình xây dựng, khai thác sân bay. UBND tỉnh Bình Thuận sẽ nghiên cứu và có đề xuất để Trung ương xem xét quyết định hoặc cho phép tỉnh quyết định về chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư dự án này. Hiện tại, tỉnh đã giao các ngành và nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất cụ thể để cân nhắc tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.

Trước mắt, chúng tôi nhận thấy những việc sau đây cần phải nghiên cứu hỗ trợ, như công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bàn giao kịp thời mặt bằng cho nhà đầu tư; đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối thông suốt giữa sân bay với các tuyến giao thông trọng yếu trong tỉnh; chính sách ưu đãi về thuế.

Ngoài ra, trong quá trình khai thác, chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với các địa phương có tiềm năng và Tổng công ty Hàng không Việt Nam để xúc tiến kêu gọi các hãng hàng không liên kết mở đường bay đến sân bay Phan Thiết… Đồng thời, khi vấn đề về chính sách phát sinh, tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương hỗ trợ, tháo gỡ theo quy định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư