Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nông sản đạt chứng nhận OCOP vẫn khó vào hệ thống phân phối hiện đại
Hoài Sương - 14/10/2024 07:25
 
Mặc dù đạt chứng nhận OCOP nhưng với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh… việc tiến vào các chuỗi siêu thị lớn hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Khó tiếp cận

Theo Bộ Công thương, đến nay cả nước đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, gần 74% sản phẩm đạt 3 sao, gần 25% đạt 4 sao, 42 sản phẩm đạt 5 sao và còn lại là tiềm năng 5 sao.

Trong thời gian qua, các tập đoàn phân phối lớn như Central Retail, AEON, Saigon Co.op, Satra… cũng đã phối hợp với Bộ Công thương đồng hành cùng các địa phương tổ chức các sự kiện kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại hệ thống siêu thị, gia tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng.

Sản phẩm OCOP hiện vẫn rất khó tiếp cận với các kênh phân phối hiện đại. 

Tuy nhiên, việc mở rộng hơn thị phần tại kênh phân phối bán lẻ vẫn là thách thức lớn với sản phẩm OCOP. Bởi sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế…

Hiện có 4 sản phẩm được công nhận OCOP, bao gồm các sản phẩm rau má và trà hoa vàng, song theo bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương, các sản phẩm này mặc dù được đánh giá cao về chất lượng nhưng việc đáp ứng các tiêu chuẩn về bao bì, nhãn mác và quy trình kiểm soát chất lượng… của siêu thị vẫn là một thách thức.

Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ cơ sở Trà, cà phê Lan Hương (tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: “Dù nỗ lực đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm xanh, đạt chứng nhận OCOP nhưng chúng tôi vẫn rất khó tiếp cận các hệ thống phân phối, bán lẻ hiện đại. Do đó, chúng tôi rất mong muốn thời gian tới sẽ kết nối được với các chuỗi siêu thị lớn tại TP.HCM, đưa sản phẩm nông sản sạch vào tiêu thụ để quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng”.

Bên cạnh yếu tố về quy mô, năng lực quản trị... thì hiện nay, một số sản phẩm chủ lực của các chủ thể tham gia chương trình OCOP gặp khó khăn về vốn, công nghệ chế biến, cách quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP...

Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao cho hay, hiện Hợp tác xã dịch vụ Đông Cao (Hà Nội) có diện tích 200 ha với sản lượng rau 60.000 tấn/năm. Mặc dù TP. Hà Nội đã có hệ thống siêu thị hiện đại nhưng hiện việc tiêu thụ rau của Hợp tác xã chủ yếu thông qua các thương lái, chợ truyền thống của các tỉnh thành. 

“Trung bình chúng tôi tiêu thụ từ 40 tấn/ngày, riêng vào thời kỳ tiêu thụ cao điểm vào các kỳ nghỉ lễ, tết có thể lên đến 400 tấn/ngày. Quá trình đưa sản phẩm rau xanh đạt tiêu chuẩn OCOP vào hệ thống siêu thị tiêu thụ gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo quản, vận chuyển và nhận diện sản phẩm OCOP. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị các Bộ, Sở ban ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp dán tem nhãn sản phẩm OCOP khi đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ, qua đó hợp tác xã có thể chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm”, ông Đua mong muốn.

Cần nâng chất và lượng

Theo ông Hà Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra), siêu thị hiện đã có các khu vực riêng để trưng bày và kinh doanh sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh đặc sản vùng miền, nguồn cung theo mùa vụ, sản lượng chưa ổn định, chất lượng còn chưa đảm bảo… khó đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối.

Theo các hệ thống siêu thị, cần nâng cao cả về chất lượng và số lượng sản phẩm OCOP

Đặc biệt, hiện các sản phẩm nông sản đạt chứng nhận OCOP tại các địa phương có sự phân bố không đồng đều, tập trung ở nhiều khu vực khác nhau nên rất khó khăn cho các đơn vị bán lẻ tìm kiếm, tìm hiểu thông tin, kết nối và hợp tác…

“Đến nay, chỉ có một vài tỉnh thành, trong đó có Tây Ninh đang thực hiện rất tốt trong việc xây dựng đầu mối, tập trung sản phẩm để các đơn vị phân phối tăng sự gắn kết, nhanh chóng tìm hiểu và đưa sản phẩm vào siêu thị nếu đạt chất lượng. Nếu có sự tập trung này, chúng tôi đảm bảo giá thành tốt hơn, đồng thời mang lại sự thuận lợi cho quá trình vận chuyển để hàng hoá đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất”, ông Sơn nhận định.

Ngoài các chính sách hỗ trợ trong việc cải tiến quy trình sản xuất, thiết kế bao bì sản phẩm theo hướng hiện đại, bắt mắt để thu hút người tiêu dùng… nhiều đơn vị bán lẻ mong muốn tăng cường đối thoại giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các chủ thể OCOP để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ về thủ tục hành chính và điều kiện cần thiết để đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị. 

Chỉ khi có sự hợp tác chặt chẽ và đồng lòng giữa các bên liên quan, sản phẩm OCOP mới thực sự chinh phục được lòng tin của người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo bà Huỳnh Thị Phương Vân, Trưởng phòng Marketing MM Mega Maket, cao điểm tiêu thụ hàng Tết đang đến gần, MM đang nhanh chóng hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp sản xuất theo quy trình an toàn; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đưa hàng vào siêu thị. 

Ngoài việc phối hợp với các tỉnh thành triển khai tuần lễ hàng OCOP, để tiêu thụ hiệu quả, MM đã triển khai số hóa hoạt động mua bán, thông qua bán hàng online, livestream cũng như hỗ trợ nhà cung cấp OCOP chuẩn hóa mặt hàng trước khi lên kệ…

Đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị, cửa hàng nông sản
Trong cơ chế thị trường hiện nay, các sản phẩm OCOP muốn xuất hiện trên kệ hàng trong các hệ thống siêu thị phải chấp nhận nhiều sự cạnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư