Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án sân bay Long Thành
Anh Minh - 06/11/2024 20:04
 
Trong số các nội dung liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có việc bổ sung thêm 1 đường cất hạ cánh phía Bắc ngay trong giai đoạn 1.
Thi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Thi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Hôm nay (6/11), Chính phủ đã có Tờ trình số 747/CP – TTr gửi Quốc hội về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo đó, trên cơ sở sự cần thiết đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015 về chủ trương đầu tư Dự án và Nghị quyết số 95/2019/QH14 ngày 26/11/2018 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Giai đoạn 1 của Dự án tại Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV làm cơ sở triển khai thực hiện.

Cụ thể, Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh về quy mô, thời gian thực hiện Giai đoạn 1 tại khoản 6 Điều 2 của Nghị quyết số 94/2015/QH13 thành: “đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất cuối năm 2026 hoàn thành và đưa vào khai thác”.

Thực hiện điều chỉnh quy mô đầu tư Giai đoạn 1 tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 95/2019/QH14 thành: “đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm”.

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thị điều chỉnh Giai đoạn 1 của Dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua.

Như vậy, ngoài việc tiến độ hoàn thành được nới đến cuối năm 2026 thay vì cuối năm 2025, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 sẽ có thêm 1 đường cất hạ cánh.

Tại Tờ trình số 747, Chính phủ cho biết, tại thời điểm trình duyệt chủ trương đầu tư Dự án, do việc xác định nguồn vốn để đầu tư Giai đoạn 1 của Dự án còn khó khăn nên Quốc hội đã quyết định Giai đoạn 1 của Dự án chỉ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh ở khu vực phía Bắc của Cảng.

Trường hợp Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải tạm dừng khai thác do xảy ra sự cố trên đường cất hạ cánh số 1 thì Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho Long Thành.

Trong Giai đoạn 2, Dự án sẽ đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở ở phía Nam của Cảng  (đường cất hạ cánh số 2) để đáp ứng khai thác với công suất khoảng 50 triệu hành khách/năm; Giai đoạn 3 sẽ đầu tư xây dựng thêm 2 đường cất hạ cánh gồm 1 đường cất hạ cánh ở phía Bắc (đường cất hạ cánh số 3)  và 1 đường cất hạ cánh ở phía Nam (đường cất hạ cánh số 4) để đáp ứng khai thác với công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Giai đoạn 1, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư Dự án thành phần 3 nhận thấy việc xây dựng ngay đường cất hạ cánh số 3 bên cạnh và cách đường cất hạ cánh số 1 đang đầu tư 400 m về phía Bắc, để đưa vào khai thác đồng bộ cùng với Giai đoạn 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc quản lý, khai thác và góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cụ thể, việc có thêm đường cất hạ cánh thứ 2 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 sẽ đáp ứng nhu cầu khai thác khi 1 đường cất hạ cánh gặp sự cố.

Được biết, theo quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có thể phục vụ khoảng 50 triệu hành khách/năm. Năm 2023, sản lượng khai thác của Tân Sơn Nhất đã đạt trên 41 triệu hành khách. Dự kiến đến năm 2030, tổng nhu cầu vận tải hàng không của TP.HCM và các tỉnh lân cận khoảng 71 triệu hành khách/năm”.

Như vậy, trường hợp đường cất hạ cánh số 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành gặp sự cố thì sẽ phải chuyển các chuyến bay sang Tân Sơn Nhất. Khi đó Tân Sơn Nhất sẽ bị quá tải, tàu bay sẽ phải bay chờ trên không, làm phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng tới môi trường.

Vì vậy, việc xây dựng ngay ddường cất hạ cánh số 3 sẽ đáp ứng nhu cầu khai thác Giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi đường cất hạ cánh số 1 xảy ra sự cố, không phải chuyển sang Tân Sơn Nhất; đồng thời hỗ trợ tốt cho Tân Sơn Nhất trong trường hợp gặp sự cố.

Trường hợp sau khi Giai đoạn 1 đưa vào vận hành mới đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 3 sẽ làm gián đoạn khai thác Cảng do phải đấu nối hạ tầng, hệ thống điều khiển kỹ thuật... với đường cất hạ cánh số 1.

Ngoài ra việc xây dựng đường cất hạ cánh số 3 sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác Cảng do bụi đất phát sinh trong quá trình thi công.

Chính phủ cho biết, hiện nay, để đảm bảo tĩnh không khai thác của đường cất hạ cánh số 1, nền của đường cất hạ cánh số 3 đã được san gạt cơ bản đến cao độ thiết kế, chỉ cần xây dựng kết cấu mặt đường và lắp đặt trang thiết bị là có thể khai thác.

Do vậy, chi phí đầu tư chỉ khoảng 3.304 tỷ đồng, được sử dụng từ nguồn tiết kiệm sau đấu thầu và dự phòng nên không vượt tổng mức đầu tư 99.019 tỷ đồng của Dự án thành phần 3 do ACV thực hiện.

Như vậy, với chi phí đầu tư không tăng nhưng năng lực và hiệu quả khai thác của Cảng tăng lên, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư Giai đoạn 1 và Giai đoạn 2 của Dự án.

Bên cạnh đó, việc đầu tư ngay đường cất hạ cánh số 3 trong Giai đoạn 1 có nhiều thuận lợi như: phù hợp với Quy hoạch cảng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; mặt bằng đã được giải phóng và giao cho ACV; nền đường đã được san gạt cơ bản đến cao độ thiết kế; tiết kiệm chi phí, thời gian xây dựng; nguồn vốn đã được ACV thu xếp do vẫn nằm trong tổng mức đầu tư được duyệt.

“Việc đầu tư này, không chỉ nâng cao hiệu quả đầu tư Giai đoạn 1 và Giai đoạn 2 của Dự án mà còn góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, qua đó giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phục vụ tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia”, Chính phủ khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư