Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Sản phẩm OCOP Hải Dương chiếm lĩnh thị trường
Thanh Sơn - 11/08/2021 16:49
 
Với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm OCOP của tỉnh Hải Dương đã dần chiếm lĩnh thị trường, được người tiêu dùng trong nước và khu vực đánh giá cao.
Vải thiều Thanh Hà - sản phẩm OCOP được ưa chuộng không chỉ trong nước, mà còn ở nhiều nước trên thế giới 	Ảnh: Thanh Tân
Vải thiều Thanh Hà - sản phẩm OCOP được ưa chuộng không chỉ trong nước, mà còn ở nhiều nước trên thế giới Ảnh: Thanh Tân

Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trên cơ sở đó, các ngành chức năng và địa phương rà soát năng lực của các cơ sở sản xuất trên địa bàn để định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng.

Được hỗ trợ, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, hoàn thiện các tiêu chí sản phẩm, nỗ lực cải thiện kỹ năng xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho sản phẩm.

Năm 2020, tỉnh Hải Dương có 10 huyện, thành phố, thị xã có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Tỉnh có 2 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao, gồm bánh đậu xanh Rồng vàng Hoàng Gia của Công ty cổ phần Hoàng Giang (TP. Hải Dương) và vải tươi Queen Thanh Hà Lychee của Công ty cổ phần Ameii Việt Nam (huyện Thanh Hà). Các sản phẩm trên được sử dụng nhãn hiệu OCOP, thứ hạng sao trên bao bì sản phẩm và chủ sở hữu sản phẩm được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định.

Đến nay, Hải Dương đã có 73 sản phẩm OCOP (2 sản phẩm kể trên là đại diện của tỉnh tham gia bình chọn sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia). Trong đó, có 37 sản phẩm 3 sao và 36 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm trên được sử dụng nhãn hiệu OCOP, thứ hạng sao trên bao bì sản phẩm và chủ sở hữu sản phẩm được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định.

Thời gian qua, việc thực hiện Chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo sức bật phát triển kinh tế trên phạm vi toàn tỉnh. Ở huyện Tứ Kỳ, nghề khai thác rươi có từ lâu. Rươi của huyện được phân phối đi các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM và xuất khẩu.

Toàn huyện Tứ Kỳ có khoảng 500 ha diện tích khai thác rươi, tập trung ở các xã ven sông Thái Bình như An Thanh, Cộng Lạc, Nguyên Giáp, Quang Trung, Bình Lăng. Năm 2019, sản phẩm rươi cấp đông của huyện Tứ Kỳ được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Còn tại huyện Thanh Hà, năm 2020, huyện nằm trong tốp đầu các địa phương có sản phẩm OCOP đạt thứ hạng cao. Ngoài 7 sản phẩm đạt 4 sao, 2 sản phẩm 3 sao, thì vải tươi Lychee Queen là một trong 2 đại diện của tỉnh được đề nghị công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Điểm khác biệt của Thanh Hà so với những nơi khác trong tỉnh khi tham gia OCOP là sản phẩm chủ yếu là nông sản tươi như vải, ổi, bưởi, rau ăn lá... Thường những sản phẩm thô, chưa qua chế biến sẽ không có nhiều ưu thế trong OCOP, nhưng nông sản của huyện vẫn có thành tích cao. Đây là kết quả của việc định hướng phát triển sản phẩm OCOP trên cơ sở thực tế. Nông sản của huyện đa phần sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, lại hình thành được chuỗi liên kết, có hợp đồng bao tiêu, nên được đánh giá cao. Những sản phẩm tiềm năng, có thể trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh, quốc gia sẽ được ưu tiên đầu tư.

Năm 2021, việc xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường OCOP nông sản trong nước và xuất khẩu cũng được tỉnh chú trọng và đạt được những kết quả tốt trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt, nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường cao cấp đã khẳng định chất lượng của nông sản Hải Dương, như vải, nhãn xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore, Pháp...; cà rốt sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông; bắp cải xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản; dưa chuột muối xuất khẩu sang Nga, Hàn Quốc; hành, tỏi xuất khẩu Malaysia...

Cũng trong năm nay, Hải Dương phấn đấu xây dựng ít nhất một sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 20 sản phẩm đạt 4 sao và 30 sản phẩm đạt 3 sao. Hiện tại, toàn tỉnh có 58 chủ thể tham gia OCOP năm 2021 với 95 sản phẩm. Các địa phương có nhiều sản phẩm được đăng ký là TP. Hải Dương (17 sản phẩm), TP. Chí Linh (14 sản phẩm), thị xã Kinh Môn (12 sản phẩm)...

Tỉnh Hải Dương cũng sẽ cũng phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa với các nhóm, hộ gia đình tham gia; mở rộng sản xuất, kinh doanh với một số hợp tác xã, doanh nghiệp có điều kiện và năng lực theo nhu cầu của thị trường. Tỉnh còn tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện đề án; tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, việc xây dựng sản phẩm OCOP là cần thiết, xuất phát từ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của từng địa phương. Hải Dương phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề với nhiều sản phẩm thế mạnh. Vì thế, Chương trình OCOP sẽ tạo động lực giúp các địa phương phát triển sản phẩm lợi thế theo chiều sâu. Qua đó, tạo dấu ấn riêng cho từng vùng, từng khu vực. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bằng nguồn lực tại chỗ, góp phần tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hiện nay.

Thái Nguyên: Phú Bình có 4 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP
Ngày 7-7, Đoàn công tác Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã có buổi làm việc với huyện Phú Bình về xây dựng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư