Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Sàn UPCoM: Thêm hàng, thiếu nhà đầu tư
 
Trong vòng 6 tháng qua, gần 100 cổ phiếu UPCoM sở hữu các chỉ tiêu khả quan về tài chính và minh bạch công bố thông tin đã được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sàng lọc, công bố. Như vậy, về lý thuyết, UPCoM không thiếu hàng hóa tốt, nhưng vì sao thanh khoản vẫn nhỏ giọt và vắng bóng sự tham gia của các nhà đầu tư lớn?
Thông tin về các cổ phiếu UPCoM nói chung còn thiếu, khiến nhà đầu tư thiếu thông tin để ra quyết định
Thông tin về các cổ phiếu UPCoM nói chung còn thiếu, khiến nhà đầu tư thiếu thông tin để ra quyết định

Nơi doanh nghiệp “ẩn mình”

Để dễ hình dung, có thể so sánh thanh khoản của UPCoM với sàn niêm yết HNX. Cụ thể, sau 11 tháng năm 2016, vốn hóa UPCoM đã đạt hơn 250.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần vốn hóa thị trường niêm yết HNX, tuy nhiên, kể từ đầu năm tới ngày 13/12, tổng khối lượng giao dịch UPCoM mới đạt 1,89 tỷ đơn vị, chỉ bằng 17% khối lượng giao dịch tại HNX.

Riêng trong tháng 11, khối lượng giao dịch bình quân của thị trường niêm yết đạt 41,14 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt 390,01 tỷ đồng/phiên. Trong khi đó, tại UPCoM, tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 6,81 triệu cổ phiếu/phiên và giá trị giao dịch đạt 144,08 tỷ đồng/phiên.

Chưa kể, khối lượng giao dịch tại UPCoM chỉ tập trung vào một số ít cổ phiếu trên sàn này. Trong 12 tháng qua, Top 10 cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất của UPCoM chiếm gần 60% tổng lượng giao dịch toàn sàn, con số này tại sàn niêm yết HNX là 40%.

Như vậy, mặc dù tăng nhanh qua từng năm, nhưng nếu so với quy mô vốn hóa hiện nay, thanh khoản của sàn này đang ở tỷ lệ thấp và chưa tương xứng với khả năng. Không ít ý kiến cho rằng, thanh khoản UPCoM không được cải thiện “thực chất”, mà tăng chủ yếu nhờ lượng hàng hóa khủng được “ủn”  lên sàn này. Trên sàn, tồn tại rất nhiều cổ phiếu gần như không có giao dịch. Khi cổ phiếu chất lên sàn mà “án binh bất động”, UPCoM được xem là nơi ẩn mình của các doanh nghiệp, việc lên sàn mang nặng tính đối phó.

Giao dịch kém sôi động của UPCoM cũng được thể hiện qua sự tham gia “khiêm tốn” của các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Cụ thể, xét về nhóm các quỹ đầu tư, đối với các quỹ ngoại, một số quỹ hiếm hoi đầu tư vào các doanh nghiệp trên sàn này là Asean Deep Value và AMERICA LLC, chủ yếu nắm giữ lâu dài.

Về phía các quỹ và công ty quản lý quỹ nội địa, có thể dễ dàng thống kê, một số quỹ đang đầu tư vào số ít doanh nghiệp đáng chú ý trên UPCoM như Tổng công ty cổ phần Đường sông miền Nam (mã SWC), Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (mã GEX), Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN),… Chẳng hạn, Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư MB (MBCapital) từng đầu tư vào SWC, GEX; Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank Capital) đầu tư vào GEX, Công ty trách nhiệm hữu hạn Quản lý quỹ SSI (SSIAM) nắm giữ cổ phần SGN. Nhóm này thường xuyên có giao dịch với các cổ phiếu này để thu lợi nhuận.

Vì sao nhà đầu tư không mặn mà?

Gia tăng nhanh chóng cả về quy mô lẫn chất lượng hàng hóa, tuy nhiên, UPCoM còn tồn tại nhiều vấn đề khiến nhà đầu tư gặp khó khăn khi giao dịch, dẫn tới việc nhà đầu tư “đắn đo” để giải ngân vào các cổ phiếu trên sàn này.

Vấn đề đầu tiên là cơ hội mua cổ phiếu. Đa phần doanh nghiệp UPCoM là doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa với tỷ lệ vốn Nhà nước còn quá cao, nên lượng cổ phiếu được tự do chuyển nhượng thấp, do đó cả tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân đều khó mua.

Sàn UPCoM cho phép những màn tăng giá sốc khi biên độ giá lên tới 15%/phiên và 40% cho ngày giao dịch đầu tiên. Đây là điểm được đánh giá vừa là cơ hội nhưng cũng ẩn chứa rủi ro không nhỏ, bởi nhà đầu tư lo ngại với cung - cầu không song hành do cơ cấu cổ đông cô đặc, thị trường dễ trở thành mảnh đất cho những thương vụ làm giá.

Thứ hai, theo phản ánh từ bộ phận môi giới một số công ty chứng khoán, đa số các doanh nghiệp tốt tại UPCoM mới đăng ký giao dịch trong hơn 1 năm trở lại đây nên chưa nhiều nhà đầu tư biết đến các cổ phiếu này để giao dịch. Trong khi đó, thông tin về các cổ phiếu UPCoM nói chung còn thiếu, khiến nhà đầu tư thiếu thông tin để ra quyết định.

Trên thực tế, quy định công bố thông tin của UPCoM “lỏng” hơn sàn niêm yết. Tuy nhiên, vấn đề chính yếu là ý thức chấp hành doanh nghiệp trên sàn này không tốt, trong khi nhà quản lý cũng không “mạnh tay” xử lý bởi cơ chế khuyến khích doanh nghiệp gia nhập sàn này trong giai đoạn trước, tính minh bạch của doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM khó có sự cải thiện rõ rệt.

Thứ ba, niềm tin của nhà đầu tư đối với UPCoM vốn chưa cao, lại tiếp tục lung lay sau vụ việc liên quan đến cổ phiếu MTM. Dù HNX đã nỗ lực gia tăng giám sát, phân bảng cổ phiếu, nhưng nhà đầu tư dường như không muốn quá mạo hiểm.

Cuối cùng, một yếu tố mang tính kỹ thuật ảnh hưởng tới giao dịch tại UPCoM là các cổ phiếu sàn này hiện chưa được cho phép thực hiện cơ chế giao dịch ký quỹ (margin). Mở dòng tiền margin vào UPCoM cũng là vấn đề còn gây nhiều tranh luận.

Thị trường UPCoM đã, đang và sẽ tiếp tục chào đón những doanh nghiệp chất lượng cao, quy mô “khủng”, băn khoăn về thanh khoản của thị trường, giá trị cho nhà đầu tư, doanh nghiệp là dễ hiểu. Theo quan điểm của Chủ tịch HNX Nguyễn Thành Long, xây dựng UPCoM như xây một siêu thị, không thể kỳ vọng khách hàng tự đến “chật siêu thị” thì mới phát triển nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Vậy làm gì để hút khách cho siêu thị là bài toán cần lời giải sớm.      

Số doanh nghiệp lên sàn UPCoM tăng kỷ lục
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trên thị trường UPCoM, tháng 11/2016 có thêm 25 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch mới. Đây là con số kỷ lục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư