Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Sandbox - đột phá trong quản lý kinh tế chia sẻ
Hữu Tuấn - 20/08/2019 15:09
 
Cho phép cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) trong triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ là bước đột phá mới trong Quyết định số 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ…
Các ứng dụng gọi xe đang đối mặt với nhiều rủi ro vì gần như hoạt động ngoài khung khổ pháp luật. Ảnh: Đức Thanh
Các ứng dụng gọi xe đang đối mặt với nhiều rủi ro vì gần như hoạt động ngoài khung khổ pháp luật. Ảnh: Đức Thanh

Thay đổi tư duy quản lý từ sandbox

Ở Việt Nam, đã xuất hiện hàng loạt mô hình kinh doanh mới như: các dụng gọi xe (Grab, Be, MyGo…); dịch vụ chia sẻ phòng nghỉ (Airbnb); dịch vụ du lịch trực tuyến xuyên biên giới (Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com Hotel.com…); mô hình căn hộ khách sạn; dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P); tiền mã hóa, tiền ảo; dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua các ứng dụng; dịch vụ truyền hình trả tiền... Các mô hình này đều đang hoạt động, nhưng gần như nằm ngoài khung khổ pháp luật và rủi ro pháp lý treo trên đầu.

Tại Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam” mới đây, đề cập các kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm xây dựng một khung khổ pháp luật thuận lợi hơn cho các mô hình kinh doanh mới, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ở các lĩnh vực có rủi ro cao như tài chính, ngân hàng..., cần xây dựng khung thể chế thí điểm (Regulatory Sandbox) để doanh nghiệp hoạt động thử nghiệm, dần dần hoàn thiện công nghệ và đáp ứng yêu cầu quản lý.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận sandbox. “Những ‘đặc khu công nghệ’, ‘đặc khu đổi mới sáng tạo’, với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ có thể được Chính phủ xem xét”, ông Hùng nói.

Theo TS. Chu Thị Hoa, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), trước những hiện tượng mới của cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng cơ chế sandbox là lựa chọn mà không ít quốc gia đã làm. Sandbox cho phép thử nghiệm trong môi trường thực tiễn, nhưng có phạm vi và thời gian xác định, cùng với các biện pháp bảo vệ thích hợp để ngăn chặn bất kỳ hậu quả nào của sự thất bại mà không ảnh hưởng quá nhiều đến hệ thống tài chính quốc gia.

“Với kinh nghiệm và trình độ quản lý hiện nay ở Việt Nam, cơ chế sandbox cũng có thể là một gợi ý đáng tham khảo. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế thử nghiệm này cho lĩnh vực nào, trong điều kiện nào thì chỉ có câu trả lời chính xác khi phân tích từng tình huống chính sách cụ thể”, bà Hoa cho hay.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) nhấn mạnh: “Sandbox chính là cách ứng xử của cơ quan nhà nước đối với những công nghệ mới. Không có sandbox, chúng ta không thể ứng xử với cái mới được, vì khung pháp lý thường đi sau thực tế”.

Có thể thấy, việc cho phép thí điểm sandbox là bước đột phá mới về tư duy, thay thế tư duy “quản được đến đâu, mở đến đó”, “không quản được thì cấm” bằng việc “cái gì không biết quản, nên cho tự phát triển trong một không gian, thời gian nhất định, để bộc lộ vấn đề, sau đó mới hình thành chính sách”.

Không thể đi ngược xu thế

Tuy có khá nhiều ý kiến ủng hộ, nhưng từ câu chuyện chính sách đến thực tế vẫn là một khoảng cách rất lớn. Ông Trần Việt Vĩnh, Giám đốc điều hành ứng dụng cho vay ngân hàng Fiin chia sẻ, các doanh nghiệp fintech đang nóng lòng muốn cập nhật thông tin về định hướng quản lý của Ngân hàng Nhà nước về lĩnh vực fintech, những thí điểm sandbox và dự thảo trong thời gian tới áp dụng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực fintech.

Chuyên gia tài chính TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tiền kỹ thuật số có thể coi là một phát minh của nhân loại, là xu thế, sẽ còn tiếp tục tồn tại. Dù có thể có những đồng tiền thoái trào, nhưng các đồng tiền mới lại xuất hiện, với ưu điểm nổi trội hơn, bù đắp được nhược điểm của các đồng tiền trước đó. Hơn nữa, công nghệ chuỗi khối (blockchain), với ưu điểm vượt trội, sẽ được ứng dụng ngày càng nhiều trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Không thể ngăn cấm hoàn toàn, mà vấn đề là nên quản lý, kiểm soát như thế nào. Theo đó, Chính phủ cần có phương thức quản lý phù hợp. Cụ thể, việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể chưa phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam, nhưng cũng không thể đi ngược lại với xu thế, với yêu cầu thực tiễn là cấm tuyệt đối sử dụng đồng tiền này.

“Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các bộ, ngành và các tổ chức tài chính, trung gian thanh toán, doanh nghiệp công nghệ… cần sớm tìm hiểu, tiếp cận, xây dựng hành lang pháp lý (cả sandbox) để người dân, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam có thể ứng dụng, khai thác và kiểm soát rủi ro nền tảng công nghệ khối chuỗi này”, ông Lực nói.

Nhiều doanh nghiệp mong chờ sandbox
Grab xuất hiện ban đầu như một ứng dụng gọi xe công nghệ, một mô hình kinh tế chia sẻ rất mới và đã xuất hiện nhiều tranh cãi về quản lý mô hình này. Grab đang dần phát triển thành một siêu ứng dụng hoạt động ở nhiều lĩnh vực như: thanh toán điện tử, bảo hiểm, cho vay, du lịch trực tuyến, game, giải trí... Đây là mô hình kinh doanh chưa có tiền lệ, bản thân Grab
rất muốn được thực hiện sandbox để yên tâm hoạt động.
Với mô hình P2P Lending, người vay tiền và người có tiền kết nối thông qua ứng dụng trực tuyến trên di động hoặc máy tính. Các công ty P2P cung cấp gói vay từ tín chấp, thế chấp đến mua trả góp như vay tín chấp theo lương; vay trả góp theo ngày; vay theo sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước, đăng ký xe máy, ô tô... Các doanh nghiệp này đã rất nhiều lần ngỏ ý “xin được” sandbox.
Thí điểm Grab theo mô hình sandbox: Ngổn ngang nhiều dấu hỏi
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có văn bản góp ý với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về việc nên coi Grab, Uber, Go Việt là những chủ thể độc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư