Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sáng lập UrBox Trương Công Hiếu: Biết chấp nhận thất bại sớm, sẽ rõ mình yếu ở đâu
Anh Hoa - 11/04/2019 13:19
 
Sau thất bại ở lần đầu khởi nghiệp vì quá non nớt, Trương Công Hiếu đeo đuổi triết lý “thay đổi hay là chết” để tạo nên UrBox, một start-up về quà tặng điện tử, giúp mọi người dễ dàng bày tỏ cảm xúc với nhau hơn.
.
Doanh nhân khởi nghiệp Trương Công Hiếu

Đáp ứng nhu cầu quà tặng của doanh nghiệp

Xã hội số hiện đại giúp chúng ta dễ dàng giao tiếp hơn, nhưng cũng khiến cho những lời bày tỏ cảm xúc đơn thuần trở nên kém ý nghĩa. Chính vì thế, UrBox ra đời với mong muốn gói ghém yêu thương qua từng món quà.

UrBox là “trái ngọt” từ Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp của Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp (VIISA) do FPT, Dragon Capital và Hanwha Investment ươm tạo, đã được VinaCapital Ventures - công ty đầu tư mạo hiểm trị giá 100 triệu USD - đưa vào danh mục đầu tư. Nguồn vốn từ quỹ này sẽ giúp UrBox mở rộng hoạt động kinh doanh, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trước đó, tháng 7/2018, UrBox là một trong 4 dự án xuất sắc nhận vốn đầu tư từ VIISA. Cùng với 79 dự án trên toàn cầu, UrBox được chọn tham gia Chương trình K-Startup Grand Challenge do Chính phủ Hàn Quốc đầu tư, hỗ trợ chi phí tham gia khóa đào tạo hơn 3 tháng tại Hàn Quốc.

Đó chính là “quà tặng” giá trị đối với nhà sáng lập UrBox, Trương Công Hiếu (sinh năm 1992), sau những ngày tháng va đập thị trường. Với tiền đề đó, Hiếu kỳ vọng, UrBox sẽ trở thành đơn vị tiên phong trên thị trường quà tặng điện tử Việt Nam và phát triển ra thị trường  quốc tế trong vài năm tới.

Theo Hiếu, quy mô thị trường quà tặng điện tử tại Việt Nam dự báo khoảng 1,2 tỷ USD vào năm 2020. Tại Việt Nam, hiện có không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực này đến từ các quốc gia đã hình thành văn hóa sử dụng quà tặng điện tử như Hàn Quốc, Singapore... Trong cuộc chơi đó, UrBox được đón nhận vì độ linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu quà tặng của doanh nghiệp.

“Thay đổi hay là chết?”

Tiền thân của UrBox là Dự án Cung cấp quà tặng cho doanh nghiệp mang tên Tô Quà, ra mắt năm 2015.

Tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh, từng làm việc tại một số công ty lớn, Hiếu nhận thấy, các chương trình tri ân, trao thưởng cho khách hàng tại các doanh nghiệp thường áp dụng hình thức truyền thống. Việc tìm kiếm món quà tặng giá trị, phù hợp và tặng tận tay khá tốn kém và mất thời gian.

“Ý tưởng về một giải pháp tốt hơn dựa vào việc điện tử hóa quà tặng để giải quyết các vấn đề trên giúp Tô Quà ra đời”, Hiếu nói.

Thời điểm đó, Hiếu hiện thực hóa ý tưởng dựa trên nền tảng web 2.0 đơn giản. Do thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu hết nhu cầu thị trường, anh và cộng sự đã xây dựng sản phẩm dựa theo suy nghĩ chủ quan, rằng chỉ cần tạo ra sản phẩm tốt thì thị trường sẽ đón nhận. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Trong 2 năm đầu, Tô Quà không tạo được dấu ấn.

Đó là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn, thiếu vốn, nguồn lực và kinh nghiệm. Có thời điểm, Hiếu là người duy nhất vận hành Tô Quà, thậm chí còn phải làm thêm để có tiền duy trì. Vì tốn quá nhiều công sức, nên Hiếu không nỡ từ bỏ.

Tuy nhiên, sau một thời gian cầm cự, Hiếu nhận thấy, Tô Quà khó tránh được thất bại và rút ra bài học: càng biết chấp nhận thất bại sớm, càng rõ mình yếu ở đâu và cần đến ai để hỗ trợ phát triển.

“Thay đổi hay là chết?”. Câu hỏi này đã khiến Hiếu và các cộng sự nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu thị trường và những nhu cầu, mong muốn thực tế của doanh nghiệp. Đến tháng 7/2017, UrBox.vn ra đời với mục tiêu trở thành giải pháp điện tử về quà tặng mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp trong việc chăm sóc, tri ân khách hàng, tiết kiệm các chi phí như lưu kho, phân phối...

Khác biệt lớn nhất giữa UrBox và Tô Quà là ở sản phẩm, dù cùng chung mục tiêu đáp ứng vấn đề quà tặng cho doanh nghiệp.

UrBox không phải phiên bản nâng cấp từ Tô Quà. Vì vậy, không đơn giản là cải thiện sản phẩm, Hiếu cùng các thành viên trong nhóm hoàn toàn từ bỏ sản phẩm cũ để tạo ra một sản phẩm mới với hình thức và công nghệ khác phù hợp với thị trường hơn. Sau thời gian thất bại, nhóm đã thay đổi định hướng để trở thành đơn vị tư vấn, triển khai các chương trình quà tặng, tri ân khách hàng cho một số doanh nghiệp lớn như Mobifone, Grab, VPBank để hiểu hơn về nhu cầu của họ, từ đó đúc kết kinh nghiệm để xây dựng UrBox.

Sau một tuần ra mắt, UrBox đã có được khách hàng đầu tiên là một ngân hàng số khá mạnh tại Việt Nam, giúp Hiếu có thêm động lực và tự tin về hướng đi mới của mình.

Hiếu cho rằng, áp lực lớn nhất khi thực hiện Dự án UrBox chính là thói quen của người dùng Việt, như phải nhìn thấy quà hoặc giao tận tay. Việc tặng quà theo hình thức truyền thống thường bó hẹp trong một vài dịp quan trọng như sinh nhật, kỷ niệm, ngày lễ... hoặc dành cho đối tượng đặc biệt là bạn thân, người yêu, gia đình... Tuy nhiên, với những người đang tìm kiếm các món quà hàng ngày, dành tặng những người không quá đặc biệt, nhưng vẫn muốn thể hiện thái độ trân trọng với giá trị hợp lý, thì hình thức tặng quà thông thường đã không còn thực sự hợp gu trong bối cảnh công nghệ phát triển hiện nay. Đó chính là thị trường tiềm năng cho Urbox.

Shopee, Tiki, Grab… là khách hàng của UrBox

Hiện UrBox đã có hàng trăm đối tác cung cấp quà tặng và mạng lưới hơn 3.000 cửa hàng chấp nhận đổi quà trên khắp Việt Nam cùng hơn 50.000 món quà điện tử đã chuyển đến tay người nhận.

Khách hàng của UrBox là những doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, công nghệ như Shopee, Tiki, Adayroi, Grab… và các cửa hàng tiện lợi. UrBox đã ký được hợp đồng với hơn 20 ngân hàng, công ty để cung cấp quà tặng cho các chương trình khách hàng thân thiết.

Nguyên Phó Thủ tướng Đức làm Chủ tịch Quỹ vừa đầu tư vào Wee Digital và UrBox
Sau khi đầu tư vào 2 start-up Fastgo và Logivan, Vinacapital vừa công bố thông tin đầu tư vào 2 công ty khởi nghiệp khác là Wee Digital - công ty fintech và Urbox -...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư