Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Sắp cấm đồ nhựa dùng 1 lần
Hoàng Minh - 06/07/2019 09:50
 
Việt Nam đã quyết tâm chống rác thải nhựa và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định Việt Nam quyết tâm chống rác thải nhựa và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Trước đó, Thủ tướng cũng đã nhắc tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần và đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Tại Hà Nội, trong lễ ra quân chống rác thải nhựa đầu tháng 6/2019, UBND TP. Hà Nội đã kêu gọi và chứng kiến việc ký bộ quy tắc ứng xử chống rác thải nhựa của 41 Đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao đóng trên địa bàn Thành phố, đồng thời đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử giảm thiểu chất thải nhựa tại các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Đồ nhựa dùng 1 lần hiện được sử dụng tràn lan, tạo nên lượng rác thải lớn
Đồ nhựa dùng 1 lần hiện được sử dụng tràn lan, tạo nên lượng rác thải lớn

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội đã tập trung triển khai việc tổ chức ký cam kết chống rác thải có nguồn gốc từ nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng của TP. Hà Nội và một số tỉnh, thành phố đến 100% các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối.

"Hà Nội sẽ thực hiện đúng mục tiêu đến ngày 31/12/2020, 100% các trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon", ông Chung nói.

Quyết tâm chống rác thải nhựa cũng được nhiều địa phương triển khai. Từ tháng 5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần, không sử dụng túi nilon hay khăn lau sử dụng một lần trong tất cả các hoạt động của cơ quan, đơn vị và tại các hội nghị, hội thảo. 

Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài chính không thanh toán các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước đối với việc sử dụng các sản phẩm nhựa, nilon sử dụng một lần, khó phân hủy.

Dẫu vậy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng phong trào chống rác thải nhựa phải làm bền bỉ, thường xuyên mới hiệu quả.

“Khi chính quyền địa phương, các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể ở địa phương vào cuộc mạnh mẽ, người dân địa phương ủng hộ, thay đổi hành vi, từ bỏ thói quen dùng túi nilon, khi đó chất thải nhựa mới giảm bớt", ông Hà nói.

Bộ trưởng cũng khẳng định, phong trào chống rác thải nhựa không chỉ tổ chức cao trào xong lại chùng xuống, mà phải làm đến khi đạt được mục tiêu như Thủ tướng nêu là phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần và đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Để thực hiện mục tiêu này, ngoài truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân thay đổi thói quen, giải pháp về quản lý bằng các chính sách kinh tế, chính sách thuế trong hạn chế những sản phẩm đồ nhựa dùng một lần cũng rất quan trọng.

Theo Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc, cho đến nay hơn 80 quốc gia đã đưa ra các lệnh cấm sử dụng đồ nhựa như vậy. Nhiều quốc gia đã cấm hoặc đánh thuế đối với các túi nhựa dùng một lần như Australia, Anh, Pháp, Hà Lan, New Zealand...
Kenya đã ban hành luật quy định, những ai bán hoặc sử dụng túi nhựa có thể đối mặt án tù 4 năm hoặc mức phạt lên tới 39.000 USD.
New Zealand cũng cấm túi nhựa dùng một lần chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2019, những nhà bán lẻ nào vi phạm lệnh cấm có thể bị phạt lên tới 67.000 USD.

"Cần có những chính sách thuế cao hơn với các sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường. Đồng thời cần có những chính sách tài chính khuyến khích hỗ trợ các nhà sản xuất có công nghệ mới, sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích hỗ trợ người dân bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường để từng người, từng nhà bỏ thói quen dùng túi nilon", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 55 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam và đối tượng nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã quy định, từ 1/1/2025, chỉ cho phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm có giá trị thương mại cao, chứ không cho nhập khẩu phế liệu về để sản xuất ra các sản phẩm trung gian như hạt nhựa hay bột giấy.

Indonesia sẽ đánh thuế túi nhựa nhằm hạn chế rác thải nhựa
Chính phủ Indonesia chuẩn bị ra quyết định đánh thuế đối với các loại túi nhựa, nhằm giảm thiểu tác hại từ rác thải nhựa - vấn đề...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư