Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sắp có thêm vài tỷ đô vốn FDI mới đổ vào Việt Nam
Nguyên Đức - 30/07/2015 08:40
 
7 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới đã bắt đầu tăng so với cùng kỳ năm trước. Sự xuất hiện của các cam kết đầu tư mới có thể sẽ thúc đẩy nguồn vốn này tăng nhanh trong những tháng tới.

Nguồn tin riêng của Báo Đầu tư cho biết, cuối tuần qua, một nhà đầu tư đã chính thức trình lên các cơ quan chức năng Việt Nam hồ sơ một dự án FDI quy mô lớn. Nếu dự án này sớm được Chính phủ thông qua, thì có thể chỉ trong tháng tới, sẽ có thêm vài tỷ USD vốn FDI đăng ký mới đổ vào Việt Nam, tiếp nối xu hướng tích cực của dòng vốn này trong 7 tháng đầu năm.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 20/7/2015, đã có 6,928 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới đổ vào Việt Nam, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù mức tăng không cao, chỉ có thể coi là “nhúc nhích nhẹ”, nhưng lại là một sự đảo chiều khá ngoạn mục.

Sự vào cuộc của các công ty công nghệ cao khiến FDI vào Việt Nam tăng cả về lượng và chất. Ảnh: Đ.T
Sự vào cuộc của các công ty công nghệ cao khiến FDI vào Việt Nam tăng cả về lượng và chất. Ảnh: Đ.T

 

6 tháng đầu năm, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI đăng ký mới chỉ đạt 3,839 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ. Như vậy, chỉ trong tháng 7/2015, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, đã có trên 3 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới đổ vào Việt Nam.

Chưa có nhiều thông tin xung quanh con số này, song việc hàng hoạt dự án FDI được cấp chứng nhận đầu tư mới trong tháng qua, như Dự án 274 triệu USD của Far Eastern ở Bình Dương; hay Dự án Công ty Regina Miracle sẽ đầu tư 88 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất giày trên diện tích 13,6 ha tại Khu công nghiệp VSIP Hải Dương; rồi chính VSIP nhận giấy chứng nhận đầu tư Dự án KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP Nghệ An, vốn đầu tư giai đoạn I trên 15 triệu USD, toàn Dự án có thể là 76 triệu USD... đã góp phần đáng kể đưa vốn FDI đăng ký mới diễn biến tích cực.

Xu hướng này có thể sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, và không phải chỉ dựa vào dự án quy mô lớn nói trên. Thông tin cho biết, trung tuần tháng 7, trong chuyến công du tới Mỹ, lãnh đạo TP.HCM đã ký văn bản chấp thuận cho Tập đoàn Jabil (Mỹ) đầu tư thêm 500 triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất của Tập đoàn tại KCN cao TP.HCM.

Jabil đã đầu tư tại TP.HCM từ năm 2007 và thời gian qua đã không ngừng mở rộng đầu tư. Số liệu thống kê của TP.HCM, doanh thu của Jabil tại TP.HCM đã tăng đều 50%/năm trong suốt 5 năm qua và lũy kế tới hết tháng 6/2015, Jabil đã xuất khẩu 1,3 tỷ USD các sản phẩm công nghệ cao, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

 

Nếu dự án này sớm được cấp chứng nhận đầu tư, thì không chỉ đóng góp lớn cho vốn FDI đăng ký mới, mà quan trọng hơn, khẳng định chủ trương khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao là đúng đắn.

Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ cao, để đón đầu các cơ hội mang lại từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều dự án FDI lớn cũng sẽ đổ vào Việt Nam trong thời gian tới. Theo thông tin của Báo Đầu tư, các cuộc thương thuyết trong một nỗ lực nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng khi đàm phán gia nhập TPP sẽ được thực hiện trong tuần này. Nếu hoàn tất, TPP sẽ mang lại nhiều cơ hội (và tất nhiên cả thách thức) cho Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều thông tin cho biết, ngày càng nhiều đoàn các doanh nghiệp nước ngoài tới tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Tuần trước, một đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đã tới Việt Nam để điều tra thị trường và tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp điện tử ở Việt Nam.

Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 39 tỷ USD, và con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Theo ông Kim Young Sun, Tổng thư ký Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử.

“Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (FTAVIK) vừa được ký kết, dự kiến kim ngạch thương mại hai chiều sẽ đạt 70 tỷ USD vào năm 2020. Điều này tiếp tục mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và Hàn Quốc trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả đầu tư”, ông Kim Young Sun nói .

Trong khi đó, thông tin mới đây, CitiBank cũng đang lên kế hoạch để đầu tư ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã ký văn bản chấp thuận đề xuất này. Phần còn lại thuộc về CitiBank, với việc thực hiện các thủ tục đầu tư cần thiết.

Và cũng chỉ vừa cách đây ít ngày, Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) đã ký thỏa thuận mua cổ phần và đầu tư vào các dự án nhà ở của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Bất động sản An Gia, nhằm xây dựng dự án nhà chất lượng Nhật Bản tại TP.HCM. Tổng số vốn mà Creed rót vào An Gia là 200 triệu USD. Không phải tất cả số vốn này được đầu tư qua hình thức FDI, nhưng cũng là động thái chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao tiềm năng đầu tư ở Việt Nam.

Việc chỉ trong tháng 7, đã có hơn 3 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam liệu có phải là hiệu ứng tích cực của việc Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015? Còn quá sớm để khẳng định điều này, song nhiều quan điểm của các nhà đầu tư nước ngoài đều cho rằng, tư tưởng đổi mới của hai Luật Đầu tư và Doanh nghiệp 2014 sẽ tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Hơn 1,1 tỷ USD vốn FDI giải ngân trong tháng 7
7,4 tỷ USD đã được giải ngân trong 7 tháng đầu năm 2015, bằng 109,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư