Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sắp phát hành Báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”
Thị Hồng - 01/09/2021 14:21
 
Báo cáo do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC), doanh nghiệp khoa học và công nghệ phối hợp với nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP xây dựng và phát hành.

Lễ khởi động Dự án Phát hành Báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021” vừa được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Báo cáo được  xây dựng và phát hành với 2 mục tiêu chính.

Thứ nhất, cung cấp thông tin toàn diện, đa chiều và cập nhật cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp, tập đoàn và các nhà đầu tư, giúp các bên nắm bắt các xu hướng đổi mới một cách kịp thời nhất.

Thứ hai, cung cấp xu hướng khởi nghiệp & đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và thế giới, phân tích cụ thể xu hướng đổi mới sáng tạo trong một số lĩnh vực chính cũng như khảo sát thách thức và nhu cầu từ các công ty khởi nghiệp. 

Theo đó, báo cáo sẽ cung cấp bản đồ khởi nghiệp qua 9 nhóm ngành nổi bật, bao gồm bán lẻ (Retail), công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ giáo dục (Edutech), công nghệ chăm sóc sức khỏe (Healthtech), công nghệ tiếp thị và bán hàng (Martech & Salestech), phát triển bền vững (Sustainability), chuỗi cung ứng (Logistics), công nghệ nông nghiệp (Agtech & Foodtech), du lịch & lữ hành (Travel & Tourism). 

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, giám đốc điều hành nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP, chủ trì Dự án cho biết, trong quá trình tư vấn và kết nối đổi mới sáng tạo với rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và công ty khởi nghiệp, BambuUP nhận thấy ở Việt Nam có rất nhiều giải pháp sáng tạo triển vọng.

Chỉ cần các công ty khởi nghiệp được trao cơ hội, thử sức giải những bài toán lớn của doanh nghiệp, được hỗ trợ tài chính đúng thời điểm thì sẽ là đa lợi ích và là động lực phát triển cho nền kinh tế.

"Chúng tôi kỳ vọng, báo cáo này sẽ đóng góp một phần giúp bản đồ phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam sắc nét hơn và quảng bá rộng rãi khởi nghiệp Việt Nam tới các đối tác nước ngoài”, bà Hương Quỳnh nói. 

.
Nhân viên Loship-startup trong lĩnh vực giao đồ ăn đang giao hàng hoá cho người dân tại khu phong toả (Ảnh minh hoạ: Loship).

Thông tin của báo cáo đã được nhóm dự án thu thập từ các nguồn nghiên cứu của Trung tâm NSSC, Văn phòng Đề án 844 – Bộ KHCN, số liệu thống kê, các nghiên cứu tại bàn, thu thập trực tiếp từ việc đăng ký của các Công ty khởi nghiệp, đánh giá từ phía chuyên gia, khảo sát trực tuyến.

Nội dung báo cáo còn được hỗ trợ bởi hơn 50 chuyên gia và 30 thành viên Ban cố vấn trong các lĩnh vực, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp, đối tác trong và ngoài Việt Nam. 

Báo cáo được kỳ vọng sẽ là nguồn thông tin thúc đẩy và mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước giữa các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Từ đó, tạo ra lực đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa giữa các thành phần kinh tế, góp phần giúp phục hồi và tăng trưởng chủ động trong thời kỳ bình thường mới. 

Theo kế hoạch, Báo cáo sẽ được phát hành vào tháng 12/2021 dưới hai hình thức là bản in và bản mềm.

Báo cáo cũng sẽ được gửi tặng đến các lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp và tiếp cận đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài thông qua mạng lưới đối tác toàn cầu của BambuUp.

[Infographic] Quốc gia nào có chi phí khởi nghiệp rẻ nhất thế giới?
Với việc thành lập doanh nghiệp được miễn phí hoàn toàn, Rwanda và Slovenia là hai nước có chi phí khởi nghiệp rẻ nhất thế giới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư