Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Sars-Cov-2 tồn tại trên các bề mặt bao lâu?
D.Ngân - 04/06/2021 19:15
 
Theo Ths.BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trên mỗi loại vật liệu, virus Sars-Cov-2 sẽ có thời gian tồn lưu ở đó khác nhau.

Hiện nay trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, người dân có hạn chế tiếp xúc, đi mua sắm vậy nên dịch vụ đặt hàng trực tuyến, cả ở trong và ngoài nước đều rất "hot".

Hiện nay trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, người dân có hạn chế tiếp xúc, đi mua sắm vậy nên dịch vụ đặt hàng trực tuyến, cả ở trong và ngoài nước đều rất "hot"

Rất nhiều bạn trẻ cho biết họ đã "săn" được những món hàng thời trang giá rẻ từ các thương hiệu nước ngoài như Mango, Zaza, HM… Tương tự, trong nước, rất nhiều người đang mua hàng trên các ứng dụng trực tuyến như sendo, lazada, shopee.

Tuy nhiên, do dịch bệnh tại nhiều nước trên thế giới và trong nước đang căng thẳng nên họ lo ngại món đồ họ đặt về có thể vô tình nhiễm Sars-Cov-2. 

Với băn khoăn trên của nhiều người, theo Ths.BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trên mỗi loại vật liệu, virus Sars-Cov-2 sẽ có thời gian “sống” khác nhau.

Cụ thể, với chất liệu giấy, thời gian tồn tại của Sars-Cov-2 là 3 giờ; gỗ và quần áo thời gian là 2 ngày; thủy tinh và tiền, 4 ngày còn thép, inox, nhựa là 7 ngày.

Do đó, với lo ngại quần áo khi chuyển từ nước ngoài về có thể dính Sars-Cov-2 là khó. Còn với các sản phẩm trong nước theo Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, quần áo sau khi mua, đem về nhà nên được thay ra và giặt sạch luôn, tránh mặc lại, tạo cơ hội cho virus xâm nhập vào cơ thể.

Ngoài ra, theo Th.BS. Cấp, Sars-Cov-2 cũng rất nhạy cảm với nhiệt độ cao. Qua một số nghiên cứu, virus này bất hoạt sau 5 phút ở 70 độ C và 30 phút ở 56 độ C. Ngược lại, ở nhiệt độ 4 độ C, các nhà nghiên cứu thấy rằng sau 14 ngày, virus gần như sống nguyên, giảm tải lượng không đáng kể.

Do vậy, một số nhân viên y tế đã ứng dụng lý thuyết này bằng cách đưa toàn bộ vật dụng muốn khử khuẩn ra sân bê tông để phơi nắng với nhiệt độ cao.

Theo chuyên gia, đáng lo hơn sự tồn tại của Sars-Cov-2 trên các bề mặt là sự xuất hiện của các biến thể mới của virus tại Việt Nam.

Thống kê của ngành Y tế cho thấy, tại Việt Nam, ngay từ khi vụ dịch bùng phát đã phát hiện ra các biến thể mang đột biến D614G vào đầu tháng 3/2020 từ những công nhân từ nước ngoài về.

Tiếp đến là sự xuất hiện của các VOCs như biến thể B.1.1.7 và biến thể B.1.351 được ghi nhận vào tháng 10/2020 từ những công dân về nước từ Anh và hiện nay là biến thể B.1.617 từ ổ dịch Yên Bái, Hà Nam.

Như vậy, các biến thể đáng quan ngại xuất hiện, lưu hành thì sau 1 thời gian sẽ xuất hiện ở hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, làm cho công tác dự phòng và kiểm soát càng đòi hỏi ở mức cao hơn nữa.

Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM Phan Trọng Lân cho hay, các tác động của biến thể Sars-Cov-2 chủ yếu trên 5 phương diện là: khả năng lây lan, độ nặng của bệnh, công tác xét nghiệm, tránh miễn dịch và điều trị.

Về khả năng lây lan, theo GS.TS. Phan Trọng Lân, mức độ lây lan của các biến thể có sự khác nhau. Với biến thể B.1.1.7 ở Anh có thể lây cho 7 người khác. Các biến thể khác như B.1.351 (Nam Phi), P.1 (Brazil), B.1.617 (Ấn Độ) cũng được WHO báo cáo rằng có khả năng gia tăng sự lây nhiễm. Do vậy, nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn thì khả năng lây lan dịch tăng theo cấp số nhân.

Về độ nặng và điều trị, theo báo cáo từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC Hoa Kỳ, biến thể B.1.1.7 (ở Anh) có khả năng liên quan đến việc tăng độ nặng và khả năng tử vong.

Theo WHO, biến thể B.1.351 (Nam Phi) cũng có khả năng gia tăng nguy cơ tử vong trong bệnh viện và biến thể P.1 (Brazil) có khả năng gia tăng nguy cơ nhập viện.

Mặt khác, theo ước tính về sự lây truyền virus ở Mỹ, tỷ lệ nhiễm bệnh không triệu chứng là 30%; nghĩa là có khoảng 70% bệnh nhân sẽ phát triển triệu chứng sau nhiễm Sars-Cov-2.

Ở những người có triệu chứng, trong đó có khoảng 20% mắc bệnh nặng và có 5% là rất nặng (sốc, rối loạn chứng năng đa cơ quan, suy hô hấp…). Do đó, nếu số ca mắc tăng lên nhiều thì sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế, từ đó dẫn đến tăng số ca tử vong.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư có đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp phòng, chống dịch của Việt Nam thời điểm hiện tại là "5K+vắc-xin" và kết hợp giải pháp công nghệ. Với các mũi tấn công chủ động, Việt Nam sẽ tạo ra những "lá chắn thép" để tự tin đương đầu với dịch Covid-19.

Về phía Bộ Y tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, cơ quan này đã dồn tổng lực để đối phó với diễn biến phức tạp của dịch. 

Hơn 2.000 cán bộ y tế đã được tung vào tuyến đầu trên mọi mặt trận xét nghiệm, truy vết, điều trị… thế nhưng, tốc độ lây lan của virus còn đi nhanh hơn rất nhiều và hậu quả của rất khó lường.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, nguyên tắc ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả vẫn được giữ vững. Tuy nhiên, tại Bắc Giang, Bộ Y tế đã có những thay đổi về phòng, chống dịch trong cách ly, xét nghiệm và điều trị.

Liên quan tới thông tin ca mắc Covid-19 mới, theo bản tin tối 4/6 của Bộ Y tế, 62 ca mắc Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang được ghi nhận trong khu cách ly và địa điểm đã được phong tỏa, liên quan công nhân làm tại các khu công nghiệp.

Tại TP.HCM, 13 ca mắc liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, một trường hợp là F1 của BN4514 (ca mắc trong cộng đồng là nhân viên kiểm toán, địa chỉ tại TP. Thủ Đức và được phát hiện dương tính ngày 18/5). Trường hợp còn lại đang được điều tra dịch tễ. Các bệnh nhân này có kết quả xét nghiệm dương tính với Sars-Cov-2 ngày 3/6.

Trong số ca mắc được ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh, 2 người là F1, 4 ca liên quan ổ dịch Đại Phúc, 2 ca liên quan ổ dịch khu công nghiệp Khắc Niệm. Ổ dịch tại khu công nghiệp Quế Võ và Vân Trung mỗi nơi ghi nhận một ca mắc. Các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính trong ngày 2-3/6.

Như vậy, trong ngày 4/6, 219 bệnh nhân Covid-19 đã được công bố tại Bắc Giang (141), Bắc Ninh (47), TP.HCM (26), Hà Nội (4), Thái Bình (1). Trong đó, 212 ca mắc mới phát hiện trong khu cách ly hoặc khu vực đã được phong tỏa.

Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 6.744 ca Covid-19 ghi nhận trong nước và 1.543 trường hợp nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 5.174.

13 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Bộ Y tế cũng cho hay trong ngày, 157 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19. Đến nay, Việt Nam điều trị khỏi tổng cộng 3.242 bệnh nhân. 50 trường hợp tử vong đa số là người cao tuổi, mắc bệnh nền nặng.

[Infographic] Các biến thể của virus SARS-CoV-2 ghi nhận tại Việt Nam
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đã xuất hiện thêm biến thể virus SARS-CoV-2 mới lai tạo giữa chủng Ấn Độ và Anh, đưa tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư