Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Sau 4 lần mua đi bán lại, chúng tôi có nhà to hơn nhưng cuộc sống bất ổn
Hoàng Anh (VnExpress) - 17/03/2018 08:37
 
Tôi không buồn vì thỉnh thoảng phải vay mượn ngân hàng mà buồn vì mãi không an cư, chỉ trong 3 năm đã chuyển nhà tới 4 lần.
 Việc thường xuyên chuyển nhà khiến cuộc sống của gia đình chị Hằng khá mệt mỏi - Ảnh minh họa: Comfree Blog.
Việc thường xuyên chuyển nhà khiến cuộc sống của gia đình chị Hằng khá mệt mỏi - Ảnh minh họa: Comfree Blog.

Dưới đây là chia sẻ của chị Lê Thúy Hằng, 30 tuổi, hiện sống tại TP HCM.

Tôi làm kế toán tại một trường mầm non, lương 5 triệu/tháng, chỉ đủ cho tôi chi tiêu cá nhân, đóng tiền học cho con và thỉnh thoảng gửi về biếu bố mẹ. Bù lại tôi khá rảnh rang, có nhiều thời gian cho gia đình.

Chồng tôi có một công ty nhỏ, chỉ có 6 nhân viên, sản xuất và kinh doanh khung nhôm cửa kính. Tôi đảm nhận luôn công việc sổ sách kế toán cho công ty của chồng. Mỗi tháng, chồng tôi mang về cho gia đình khoảng 20-30 triệu. Chúng tôi thường chỉ tiêu hết một nửa số thu nhập của chồng, còn để tiết kiệm.

Năm 2011, khi chuẩn bị sinh con đầu lòng, chúng tôi mua được một căn nhà một trệt một lầu rộng 40 m2, hẻm 2,5 m, ở thị trấn Nhà Bè, TP HCM với giá 400 triệu. Chúng tôi ở căn nhà đó yên ổn cho đến cuối năm 2015, thì bắt đầu chuyển nhà liên tục do chồng tôi bước chân vào đầu tư bất động sản.

Lúc đó, chúng tôi tiết kiệm được 500 triệu, thấy hàng xóm bên nhà bán miếng đất 82 m2 hiện vẫn thuộc đất thổ canh nhưng đủ điều kiện chuyển đổi lên thổ cư vì 3 nhà xung quanh đã lên thổ cư hết, chồng tôi quyết định mua miếng đất đó. Chúng tôi chuyển đổi mục đích sử dụng, xây nhà ba tầng. Không muốn nợ ngân hàng và bạn bè lâu, chúng tôi bán ngôi nhà đang ở đi để bù vào tiền xây nhà mới.

Gia đình chuyển về nhà mới ở được 9 tháng, tầm giữa năm 2016, một hôm chồng tôi bảo có người muốn mua nhà tôi với giá 1,5 tỷ. Tính ra chúng tôi lãi 300 triệu, và anh muốn bán. Trong thời gian chờ bán căn nhà này, chúng tôi đi mua một căn nhà khác ở Phú Xuân, vẫn thuộc huyện Nhà Bè rộng 70 m2, một trệt một lầu, hết 1,2 tỷ, ở gần đường lớn hơn nhưng vẫn nằm trên những hẻm nhỏ ôtô không vào được như mấy ngôi nhà trước.

Còn dư 300 triệu, đầu tư cái gì cũng dở dang, tôi khuyên cứ gửi ngân hàng nhưng chồng tôi bảo muốn đầu tư bất động sản. Không muốn mua đất ở tỉnh vì khó quản lý, chồng tôi bàn nên chuyển nhà ra mặt đường lớn để tiện đi lại và có giá trị hơn, sau này có thể bán lãi cao.

Sau đó, chồng tôi tìm được một căn nhà 67 m2 xây 3 tầng, nằm trên một con hẻm 4 m, ô tô vào được ở Phước Kiểng. Căn nhà này chủ rao bán với giá 2 tỷ, vào tháng 4/2017. Muốn mua nó, chúng tôi phải vay ngân hàng tiền. Hai vợ chồng quyết định bán nhà ở Phú Xuân, được 1,5 tỷ, vay thêm 200 triệu để mua căn nhà ở Phước Kiểng.

Tôi cứ nghĩ sẽ an cư ở đây, nhưng không ngờ, đến cuối năm 2017, có người trả ngôi nhà chúng tôi đang ở 2,3 tỷ, chồng tôi lại đồng ý bán. Nhưng rồi giá nhà vẫn cứ tăng nên sau đó, số tiền của chúng tôi cũng chỉ đủ mua một căn nhà tương tự và rồi chúng tôi hiện vẫn đang nợ ngân hàng gần 200 triệu.

Tính ra 3 năm qua, chúng tôi đã mua đi bán lại được 4 căn nhà, đồng nghĩa với việc chúng tôi được chuyển nhà 4 lần, nhưng thực sự tiền tiết kiệm được không tăng lên đồng nào. Tất nhiên tôi cũng ghi nhận từ nhà một trệt một lầu 40 m2, trong hẻm 2,5 m giờ mình đã được ở một ngôi nhà ba tầng ở hẻm có xe hơi vào. Có điều chuyển nhà liên tục khiến tôi rất mệt mỏi và không muốn sắm sửa đồ đạc gì vì mỗi lần chuyển chỗ ở là một lần phải sắp xếp lại đồ, loại bỏ nhiều đồ cũ không phù hợp với nhà mới.

Tôi chỉ muốn chồng tôi tập trung vào làm khung nhôm cửa kính, hoặc nếu đầu tư bất động sản thì nên mua riêng một căn nhỏ cho vợ con ở, còn tiền dư anh muốn mua gì thì mua. Tôi nên thuyết phục chồng thế nào đây?.

Theo chuyên gia bất động sản cá nhân Phan Công Chánh, tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư Phú Vinh, khi chỉ đủ điều kiện tài chính để sở hữu một ngôi nhà, người ta vẫn có thể tham gia đầu tư vào bất động sản. Bởi thị trường bất động sản luôn khoan dung và có cơ hội cho tất cả mọi người. Vấn đề của nhiều nhà đầu tư bất động sản cá nhân không phải nằm ở sản phẩm mà nằm ở “tư duy đầu tư” và “cách tiếp cận thị trường”. Họ thiếu quá nhiều kiến thức cần thiết nên lúng túng.

Tuy nhiên, việc mua đi bán lại chính ngôi nhà mình đang ở bên cạnh ưu điểm là người bán hiểu rõ về ngôi nhà, khiến người mua tin tưởng dễ mua bán hơn thì chủ nhà sẽ thường xuyên bị động về chỗ ở cũng như học hành của con cái. Cuộc sống của họ cũng bị xáo trộn khi khách mua nhà đến xem thường xuyên. Ông Chánh cho rằng, trong trường hợp của gia đình chị Hằng, tốt nhất nên thuê một nơi ở cố định, dùng số tiền còn lại để mua bán nhà sinh lời.

Ông Nguyễn Vĩnh Cường, giám đốc marketing DTJ Group cũng đồng tình gia đình chị Hằng nên thuê một nơi ở cố định (hoặc mua một ngôi nhà nhỏ), dùng số tiền còn lại để đầu tư. Ông Cường cho biết, trong các phương pháp quản lý tài chính cá nhân đã thành công trên thế giới, người ta luôn tách bạch số tiền dành cho tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư sinh lời với nguyên tắc "không bao giờ để tất cả trứng vào một giỏ". Việc để lẫn lộn các khoản tiền có thể khiến bạn gặp khó khăn những khi có việc khẩn cấp phát sinh (ví dụ ốm đau, tai nạn) nếu đã mang hết tiền đi đầu tư, hoặc cũng có thể khiến bạn dễ chi tiêu lạm vào tiền dành đầu tư sinh lời, khiến việc đầu tư kém hiệu quả.

Nóng vội mua nhà, tôi lao đao lo bán vì không kham nổi nợ
Nghĩ rằng mua nhà thì chồng sẽ cùng trả nợ, chị Luyến (Hà Đông) chật vật khi một mình gánh vác và giờ muốn bán cũng khó.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư