Thứ Tư, Ngày 23 tháng 07 năm 2025,
Sau bão số 3, Hà Nội triển khai phương án ứng phó mưa lớn và sạt lở
Linh Nguyễn - 23/07/2025 11:16
 
Dù bão số 3 đã suy yếu, hoàn lưu sau bão vẫn tiếp tục gây mưa lớn trên diện rộng tại Hà Nội đến ngày 25/7. Thành phố đang khẩn trương triển khai phương án “4 tại chỗ”.

Từ ngày 23/7, hoàn lưu sau bão số 3 tiếp tục gây mưa diện rộng tại Hà Nội. Dự báo lượng mưa trong các ngày tới dao động từ 50 - 100mm, một số nơi có thể vượt 150mm, kéo dài ít nhất đến ngày 25/7.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Bộ, mưa lớn tiềm ẩn khả năng kèm theo dông, lốc, sét và gió giật mạnh, có thể gây gãy đổ cây xanh, hư hại nhà cửa, ảnh hưởng công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt, cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo từ nay đến 25/7, các sông trên địa bàn Thành phố như sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Bùi, sông Đuống... có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ từ 1,5 đến 3,5m. Mực nước dâng cao có thể gây ngập úng cục bộ tại vùng trũng, các bãi nổi giữa sông, khu vực ngầm tràn, cầu cống, đường giao thông ven sông.

Các khu vực trọng điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng gồm Xuân Mai, Quảng Bị, Trần Phú, Chương Mỹ, Đan Phượng, Mỹ Đức, Thanh Oai, Hòa Xá, Vân Đình. Một số xã miền núi và khu vực đồi gò có thể xảy ra sạt lở do nền đất đã thấm nước kéo dài nhiều ngày.

Trước diễn biến thời tiết phức tạp, Thành phố Hà Nội đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

Lãnh đạo xã Mỹ Đức (TP. Hà Nội) kiểm tra một vị trí bị sạt trượt đất.

Tại các phường, xã, lực lượng chức năng tổ chức ứng trực 24/24 giờ, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư cứu hộ, đồng thời liên tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ và thông tin kịp thời cho người dân để chủ động phòng tránh. Công tác tuyên truyền được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực ven sông, vùng trũng và đồi núi.

Trong những ngày qua, nhiều địa phương đã ghi nhận tình trạng cây xanh gãy đổ, công trình tạm bị tốc mái do giông lốc. Lực lượng tại chỗ đã kịp thời xử lý các điểm nguy hiểm, dọn dẹp hiện trường và đảm bảo an toàn giao thông.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Hà Nội liên tục ban hành công điện khẩn chỉ đạo ứng phó bão số 3 và hoàn lưu sau bão. Thành ủy, UBND TP. Hà Nội yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, đặt ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã có nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể. Ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng trực tiếp thị sát các điểm xung yếu, nắm tình hình triển khai ứng phó tại cơ sở. 

“Dù bộ máy chính quyền địa phương mới vận hành chưa lâu, đây là dịp quan trọng để kiểm tra năng lực điều hành và phản ứng tại chỗ. Trong lúc khó khăn, càng cần quyết liệt và sát dân hơn nữa”, Phó chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.

Lãnh đạo Thành phố yêu cầu các sở ngành, quận huyện tiếp tục thực hiện nghiêm các công điện từ trung ương đến Thành phố, trong đó đặc biệt lưu ý việc rà soát các khu dân cư, phát hiện kịp thời các điểm có nguy cơ mất an toàn, chủ động sơ tán dân khi cần thiết.

Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ các tuyến giao thông có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, đặc biệt là tại các điểm ngầm tràn, đường ven sông, khu vực miền núi. Mọi tình huống đều phải được xử lý nhanh, đúng quy trình và đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu.

Cùng với việc rà soát và củng cố hệ thống thoát nước, các đơn vị chức năng được yêu cầu bố trí lực lượng ứng cứu tại các điểm có nguy cơ ngập sâu, đê điều xung yếu, đảm bảo kịp thời xử lý sự cố nếu xảy ra. Các phương án cắt điện, đóng đường, sơ tán dân được kích hoạt trong trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra, công tác dự báo, cảnh báo và truyền thông được tăng cường, đảm bảo người dân tại khu vực nguy hiểm nắm bắt đầy đủ thông tin để chủ động phòng tránh. Lực lượng dân quân, thanh niên tình nguyện và các tổ dân phố được huy động để hỗ trợ các hộ gia đình trong vùng ảnh hưởng.

Bên cạnh các biện pháp tại chỗ, Thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã lập danh sách, phương án cụ thể cho từng khu vực có nguy cơ cao, đồng thời đảm bảo nguồn lực, hậu cần phục vụ ứng phó thiên tai kéo dài.

Hà Nội sẵn sàng ứng phó với bão WIPHA và nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất
Ngày 19/7, UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản số 4162/UBND-NNMT về việc sẵn sàng ứng phó với bão và nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư