Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sáu giải pháp chính phát triển "nông nghiệp thuận thiên" tại ĐBSCL
Huy Tự - 21/03/2024 17:15
 
Ngày 21/3/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị Quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Hơn 300 đại biểu từ các bộ, ban, ngành, 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các cơ quan trong nước, các tổ chức tài chính, Chính phủ song phương, đối tác phát triển quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân quốc tế và trong nước cùng các hiệp hội ngành hàng… đến tham dự Hội nghị.

Hội nghị là hành động cụ thể của Việt Nam để triển khai cam kết Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26 và COP28), khẳng định trách nhiệm của Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng với ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên, trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.

Quan điểm “Mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững” mà người đứng đầu Chính phủ phát biểu tại COP26, sẽ tiếp tục là “kim chỉ nam”, phương châm hành động cho các cấp chính quyền, cho người dân và gắn kết với Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, còn được gọi là Nghị quyết “thuận thiên”.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.

Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên trong việc (i) cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp; (ii) giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quá trình hấp thụ carbon của đất, đất ngập nước và rừng; đồng thời (iii) bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực, các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên đồng thời nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững.

 Quang cảnh Hội nghị

Sáu giải pháp chính về phát triển nông nghiệp thuận thuận thiên tại ĐBSCL được Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu ra tại điễn dàn được đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước đồng thuận cao gồm:

- Cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm, các công cụ đánh giá, cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên;

- Phối hợp cùng Chính phủ rà soát các hạng mục ưu tiên đầu tư không hối tiếc thông qua các Dự án tại ĐBSCL; hỗ trợ thu thập, đánh giá, lựa chọn các mô hình/giải pháp thuận thiên và thực hiện thí điểm các mô hình thuận thiên và dự án thuận thiên trong nông nghiệp, chú trọng tới các giải pháp kết hợp hài hòa đồng bộ giữa công trình và phi công trình - thích nghi theo điều kiện tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, giải pháp an sinh xã hội, quản lý bền vững nguồn lực tự nhiên gắn với chuyển đổi số và cải cách thể chế chính sách;

- Hỗ trợ nguồn lực nhằm triển khai các “Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; “Đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ĐBSCL”…,

- Cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, tài chính xanh, dễ tiếp cận, đặc thù cho khu vực ĐBSCL, đặc biệt lưu ý về ưu đãi lãi suất và điều kiện cho vay đối với các Dự án nông nghiệp đầu tư công;

- Kết nối với các địa phương và doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp thuận thiên, tạo liên kết chuỗi với tổ nhóm nông dân để phát triển sản xuất kinh doanh thông qua việc cung cấp các nguồn tài chính linh hoạt từ các quỹ đầu tư, các thể chế tài chính đa phương và song phương;

- Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, doanh nghiệp và tổ nhóm nông dân cùng với triển khai các mô hình thí điểm có tính sáng tạo để phát triển nông nghiệp thuận thiên, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhân rộng cho các tỉnh vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Chính phủ: Ngành nông nghiệp Việt Nam khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế
Theo Thủ tướng, trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư