Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sẽ có ngưỡng cảnh báo nợ công
Mạnh Bôn - 21/12/2017 08:10
 
Kể từ ngày 1/7/2018, ngoài việc khống chế trần, Quốc hội sẽ đưa ra ngưỡng cảnh báo về nợ công. Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng, việc Quốc hội đưa ra cảnh báo trước khi các khoản nợ công trạm trần sẽ giúp Chính phủ quản lý nợ công tốt hơn.
TIN LIÊN QUAN

Quốc hội đã giới hạn an toàn nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài bằng mức trần nợ. Thưa ông, vì sao phải đưa ra ngưỡng cảnh báo về nợ công và nợ công đến mức nào sẽ bị cảnh báo?

Theo quy định hiện hành, nợ công không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ dưới 25% tổng thu ngân sách nhà nước, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

.
.

Kể từ ngày 1/7/2018, để bảo đảm an toàn nợ công, bên cạnh đưa ra mức trần nợ, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác định ngưỡng cảnh báo đối với chỉ tiêu an toàn nợ công, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội quyết định.

Nợ công của Việt Nam đã tiến đến sát trần (năm 2016, nợ công tương đương 64,73% GDP, nợ chính phủ tương đương 53,62% GDP). Vì vậy, cần phải đưa ra ngưỡng cảnh báo. Khi các chỉ tiêu an toàn về nợ công sắp sửa chạm đến mức trần (đèn đỏ), cần phải có mức ngưỡng cảnh báo (đèn vàng) để đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm kiểm soát chi tiêu, bội chi; hạn mức vay nợ, trả nợ, bảo lãnh chính phủ theo thông lệ quốc tế.

Khi nợ công đến ngưỡng cảnh báo, cần phải làm gì để không vượt “đèn vàng”, thưa ông?

Chỉ tiêu an toàn nợ công, bao gồm trần nợ và ngưỡng cảnh báo, được xây dựng dựa trên nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; tình hình thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công giai đoạn 5 năm trước; tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ tiết kiệm nội bộ của nền kinh tế; thu - chi ngân sách nhà nước; bội chi; cân đối giữa nhu cầu huy động vốn vay và khả năng trả nợ; cân đối ngoại tệ; nhu cầu và cơ cấu vốn đầu tư cho toàn xã hội và các cân đối vĩ mô khác của nền kinh tế; tình hình, khả năng huy động vốn trong nước, nước ngoài; kinh nghiệm và thông lệ quốc tế về ngưỡng an toàn nợ công.

Trường hợp tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ giá, lãi suất, bội chi biến động hoặc khả năng huy động vốn vay không đạt mục tiêu, dẫn đến chỉ tiêu an toàn nợ công tới ngưỡng cảnh báo, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ các biện pháp về tài chính, ngân sách, đầu tư… để đảm bảo nợ công an toàn, bền vững.

Cụ thể, trong trường hợp nợ công đến ngưỡng cảnh báo, Chính phủ phải cắt giảm vay mới, điều chỉnh hạn mức vay hằng năm, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đầu tư công và nợ công theo hướng thắt chặt vay nợ và giảm nghĩa vụ trả nợ; bố trí nguồn để trả nợ gốc, giảm vay mới đảo nợ.

Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia tại sao không tính trên dự trữ ngoại hối, mà lại tính trên kim ngạch xuất khẩu, trong khi nếu tính chung cả hàng hóa và dịch vụ thì năm nào, Việt Nam cũng nhập siêu?

Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia là một trong 5 chỉ tiêu an toàn nợ công. Trong khi nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được tính trên GDP, thì nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ được tính trên tổng thu ngân sách hàng năm và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài được tính trên kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Với thông lệ quốc tế tính nợ công như vậy, muốn biết nợ công có an toàn không, cần phải so sánh với các nước, nên phải thực hiện theo chuẩn mực quốc tế. Việt Nam đã tham gia thị trường nợ quốc tế, buộc chúng ta phải công bố thực trạng của nền kinh tế, các chỉ tiêu về nợ công phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Quốc tế tính nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, chứ không tính trên dự trữ ngoại hối là vì kim ngạch xuất khẩu liên quan đến các dòng ngoại tệ từ nước ngoài về nước qua hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Kiểm soát được dòng ngoại tệ này thì mới kiểm soát được nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia.

Theo Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn vay nước ngoài được ấn định là 300.000 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này, số vốn đã ký kết với nhà tài trợ nước ngoài ước khoảng 600.000 tỷ đồng. Vấn đề này sẽ xử lý ra sao, thưa ông?

Tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm cả dự phòng. Trong đó, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài là 300.000 tỷ đồng. Số tiền 300.000 tỷ đồng này là tổng mức giải ngân đầu tư công cho cả giai đoạn 2016 - 2020, chứ không phải là số tiền ký kết với nhà tài trợ nước ngoài.

Theo tôi được biết, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết, nhưng chưa giải ngân tính đến thời điểm đầu năm 2016 ước khoảng 22 tỷ USD, tương đương gần 500.000 tỷ đồng, nếu cộng với số vốn đã ký kết, nhưng chưa giải ngân từ đầu năm 2016 tới nay thì nguồn vốn ODA và vay ưu đãi rất lớn. Để giải ngân được số tiền này, đặc biệt là đầu tư cho các chương trình, dự án mới, phải trải qua rất nhiều công đoạn, quy trình, thủ tục theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng… Vốn vay ODA, vay ưu đãi đã ký kết, nhưng chưa giải ngân thì chưa hình thành nợ công.

Từ ngày 1/7/2017, Ngân hàng Thế giới đã chấm dứt cho Việt Nam vay ODA. Kể từ ngày 1/1/2018, thay vì cho Việt Nam vay ODA, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nhiều nhà tài trợ song phương khác cũng sẽ cho vay vốn có mức độ ưu đãi thấp hơn. Chính vì vậy, Việt Nam nên tận dụng giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi có mức độ ưu đãi cao đã ký kết trong giai đoạn 2016 - 2020. Nếu số giải ngân vượt 300.000 tỷ đồng, thì có thể giảm nguồn vốn vay trong nước, điều chỉnh nguồn vốn dự phòng khi có điều kiện, miễn sao bảo đảm tổng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 không vượt quá 2 triệu tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư