Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sẽ siết chặt quản lý thủy điện, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực
Kỳ Thành - 05/11/2020 08:10
 
Các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về các dự án thủy điện có thể trở thành "quả bom nổ chậm" sau 40-50 năm khi đã hết khấu hao.
TIN LIÊN QUAN

Siết chặt quản lý thủy điện

Phát biểu về thủy điện - vấn đề được rất nhiều đại biểu thảo luận tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội 2 ngày qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, đây cũng là vấn đề được đồng bào cử tri của cả nước rất quan tâm, nhất là trong bối cảnh đang có rất nhiều thiên tai, bão lũ đã tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và của nhân dân, gây ra nhiều thiệt hại về người và của.

Hiện nay cả nước có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện ở các quy mô khác nhau, dung tích trữ nước khoảng 56 tỷ m3 và đóng một công suất là khoảng 20.000MW, chiếm 37% công suất nền, công suất phát của đất nước.

“Đây là một nguồn năng lượng rất quan trọng”, ông Trần Tuấn Anh nói. Theo ông, đây là một nguồn năng lượng tái tạo có mức độ ô nhiễm ít và độ phát thải nhà kính gần như không có, do đó việc quản lý và khai thác phải đảm bảo giảm thiểu những tác động đến môi trường và phát huy tối đa hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại phiên thảo luận chiều 5/11
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại phiên thảo luận chiều 5/11

Người đứng đầu ngành công thương nhìn nhận, thủy điện có cả những mặt tích cực và hạn chế. Về mặt tích cực, thủy điện đóng góp vào phát triển hệ thống điện, năng lượng. “Ngoài chức năng phát điện thì các hồ chứa nước của các đập thủy điện cũng có những tác dụng đóng góp vào tích nước, tùy thuộc vào công suất có thể cắt giảm lũ và điều tiết lũ cũng như phục vụ các nhu cầu phát triển khác của các khu vực địa phương”, ông nói.

Tuy nhiên, mặt tiêu cực là tác động đến môi trường, cả đất, nước và khí hậu cũng như đời sống của dân sinh. “Ở đây là những vấn đề tổng thể và tùy thuộc vào cách thức của con người trong khai thác những nguồn lực của thiên nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên”, ông Tuấn Anh cho hay.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, từ lâu thủy điện đã được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ trong hàng loạt các sự giám sát cũng như các yêu cầu cụ thể

“Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội là hằng năm đều có các cuộc kiểm tra, giám sát và báo cáo đầy đủ theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 62 của Quốc hội, để báo cáo về độ an toàn hồ đập, hồ thủy điện, sự vận hành của hệ thống thủy điện, đặc biệt trong việc tham gia phòng, chống lụt bão và thực hiện phòng, chống thiên tai tại địa phương…”, ông Tuấn Anh khẳng định.

Ông cho biết, từ năm 2016 đến nay, trong số các dự án bổ sung thủy điện hoàn toàn không có dự án thủy điện nào sử dụng đến đất rừng tự nhiên.

Liên quan đến chỉ đạo của Quốc hội trong việc xem xét, đánh giá hiệu quả của các dự án điện, nhất là thủy điện nhỏ và vừa, Bộ Công Thương trong giai đoạn này đã cùng phối hợp với các bộ, ngành đưa ra khỏi quy hoạch của các thủy điện là 472 dự án, đồng thời đưa ra khỏi quy hoạch này 8 dự án thủy điện bậc thang ở các lưu vực sông.

Nhấn mạnh đến nội dung mà dư luận, nhân dân và xã hội đang rất quan tâm là thủy điện ảnh hưởng như thế nào đến câu chuyện về lũ bão, ngập lụt cũng như những nguy cơ của sạt lở đất, ông Trần Tuấn Anh cho biết, trước mắt phải khẳng định rằng những câu chuyện sạt lở đất gây ra những tổn hại rất nghiêm trọng tại Quảng Trị, Huế và Quảng Nam vừa qua gắn chặt với yếu tố thời tiết là những tính dị thường và cực đoan của thời tiết.

“Chúng ta phải xác định câu chuyện để ứng phó với thiên tai, bão lũ là một câu chuyện mới, chúng ta phải đặt công tác nghiên cứu khoa học và đưa ra những cảnh báo một cách cụ thể hơn nữa”, ông Tuấn Anh đề nghị.

Xin tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, tới đây sẽ làm việc với các địa phương và các bộ, ngành để nghiên cứu cụ thể, đánh giá về những mặt còn hạn chế, những mặt tích cực, để từ đó tham mưu chính sách với Chính phủ để tiếp tục siết chặt quản lý trong phát triển thủy điện, làm sao để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực nếu có, đồng thời tiếp tục khai thác tốt những nguồn tài nguyên của đất nước.

Lo ngại những “quả bom nổ chậm” khi hết khấu hao

Bấm nút tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, ông “rất chia sẻ, đồng tình” rằng thủy điện có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, ông khẳng định, thủy điện có tính 2 mặt. “Đến bây giờ chúng ta lấy thước đo nào để khẳng định rằng, thủy điện mặt tốt là ưu việt và mặt xấu chỉ là tạm thời”, ông Nhưỡng đặt câu hỏi.

Ông Nhưỡng bảo vệ quan điểm, tất cả các dự án điện nói chung và dự án thủy điện đều có tiềm ẩn về nguy cơ và cho rằng, các nguồn năng lượng xanh - sạch như điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo… có thể thay thế.

“Tôi cũng không chống lại vấn đề làm thủy điện nhưng phải làm thế nào đây để đất nước không thấy đau đớn, không thấy xót xa, không thấy thiệt thòi”, ông nhấn mạnh.

Tiếp nối ý kiến của ông Nhưỡng, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, những bàn luận về lợi hại của hệ thống các thủy điện nhỏ mới là câu chuyện của ngày hôm nay, “nhưng giả dụ 40, 50 năm nữa khi đã hết khấu hao, khi đã không còn hiệu quả kinh tế thì tất cả các công trình xây ở nơi rừng sâu, núi thẳm này sẽ là một quả bom nổ chậm”.

Ông Quốc cho rằng, ngay từ bây giờ, khi xây dựng, phải thấy kết cục của thủy điện như thế nào.

“Chắc chắn nó sẽ là một di sản sau này thế hệ con cháu chúng ta phải lo, cũng như một số điện ta gọi là sạch hiện nay, tái tạo hiện nay. Nếu chúng ta thấy hàng vạn m2 của điện mặt trời khi không sử dụng nữa, nó sẽ là một nguồn gây ô nhiễm như thế nào”, ông Quốc nêu vấn đề và đề nghị Bộ Công Thương, ngành tài nguyên và môi trường phải quan tâm, có chế tài để bảo đảm có nguồn lực để giải quyết những vấn đề hậu họa.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư