Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Shark Khoa: Startup muốn đi nhanh hay đi xa cả ekip đều cần đi cùng nhau
Thị Hồng - 04/05/2018 13:37
 
Để hoạt động kinh doanh trơn tru, dù ở doanh nghiệp nhỏ đến lớn, đều cần ít nhất một ekip cốt cán, giỏi cả về chuyên môn lẫn thuận hòa trong hoạt động nội bộ.
.
CEO Lê Đăng Khoa là khách mời của Chương trình CAFÉ KHỞI NGHIỆP tập 2

Chuẩn bị đội ngũ vận hành

Nguồn lực nhận sự cốt cán có thể được gây dựng từ 2 đầu mối. Một là tự xây dựng và hai là nhận hỗ trợ từ nhà đầu tư chiến lược. Với những người khởi nghiệp, thiếu một ekip phù hợp với ngành kinh doanh và những thành viên cốt cán còn lại dường như là điểm yếu chung.

Là “cá mập” tại Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên, Lê Đăng Khoa, CEO Công ty TNHH Phân bón Ba Lá Xanh, đồng thời là Giám đốc điều hành chuỗi thương hiệu hoa 38 độ, đã chi gần 5 tỷ đồng vào 3 dự án khởi nghiệp để đổi lấy tỷ lệ sở hữu từ 35%.

Lý do thuyết phục Shark Khoa xuống tiền chính là niềm tin vào đội ngũ sáng lập (co-founders).

“Tôi thà chọn một ý tưởng bình thường với một ekip xuất sắc hơn là một ý tưởng xuất sắc nhưng lại có đội ngũ vận hành bình thường”, Lê Đăng Khoa nhấn mạnh.

Để có đúc kết như trên, chàng trai 35 tuổi này đã trả giá không ít. Trong những lần vấp ngã, nguyên do từ sự thiếu chuẩn bị chiếm không nhỏ.

Đầu tiên, đó là sự thiếu chuẩn bị một đội ngũ vận hành có thể bổ trợ các kiến thức, kinh nghiệm cho nhau trong quá trình kinh doanh. Được giao vị trí điều hành công ty phân bón, với việc phải nhập hàng tháng số lượng lớn bao bì, Đăng Khoa “hồn nhiên” cho rằng, nếu lập công ty bao bì, sự phụ thuộc này có thể thuyên giảm.

Thực tế không phải lúc nào cũng diễn ra đúng như những gì ta mong muốn. Sản phẩm bao bì mà Khoa cho sản xuất có giá thành cao gấp nhiều lần đơn vị cung ứng. Khoa phát hiện ra, sản xuất bao bì không chỉ đơn giản với các yêu cầu về kích thước, dàn trang...

“Mỗi ngày trôi qua, tôi mất rất nhiều tiền và nhận ra, mình non kinh nghiệm nhiều kỹ năng”, Shark Khoa tìm ra bài học cho chính mình.

Thấu đáo về hành lang pháp lý

Vậy sau khi đã “tạm ổn” về đội ngũ vận hành, người đứng mũi chịu sào của dự án phải chuẩn bị điều gì kế tiếp?

Lê Đăng Khoa nhấn mạnh đến sự quan tâm và chấp nhận giành chi phí cho việc tìm hiểu các quy định pháp luật về kinh doanh, nhất là quy định về tài chính doanh nghiệp. Nhưng, phí bỏ ra không phải sáng lập nào cũng có thể kham nổi, bởi ai cũng hiểu câu cửa miệng trong giới là “khởi nghiệp thì làm gì có tiền”.

“Chi phí để tìm hiểu, học hỏi các thông tin này có thể vài triệu hoặc vài chục triệu đồng, nhưng đó không phải là số tiền quá lớn nếu mình vì đứa con tinh thần chứa đầy hoài bão. Bù lại, khi gọi vốn, nhà đầu tư dễ tham gia hơn bởi mọi việc đều minh bạch dựa trên các con số thực tế đã được công khai”, Lê Đăng Khoa nói.

Giá trị từng thương vụ đầu tư không chỉ hiển diện trên những con số. Sẽ mất nhiều tháng năm và ngân sách không nhỏ để tuyển, đào tạo và giữ chân vị trí giám đốc sales, marketing, tài chính, nhân sự... nhưng một nhà đầu tư chiến lược có thể hỗ trợ nhanh chóng việc này, thông qua các chính sách điều chuyển phù hợp.

“Kinh nghiệm, nguồn nhân sự, bản lĩnh và mối quan hệ kinh doanh mới là những giá trị tưởng chừng như vô hình, nhưng mang lại sức ảnh hưởng to lớn cho mô hình kinh doanh”, Shark Khoa chia sẻ.

Nhắc đến hoa là nói đến 38 độ

Lê Đăng Khoa định vị 38 độ có thể trở thành thương hiệu hoa mạnh nhất Việt Nam. Lý do, thương hiệu này dung hòa 3 yếu tố: rẻ, đẹp và có chuỗi Teahouse đang được mở rộng - nơi đón hàng ngàn lượt khách ăn uống, mua hoa mỗi ngày.

Nhân vật này cho rằng, quy mô thị trường hoa thế giới hàng năm trên 92 tỷ USD, trong đó Hà Lan chiếm 55% thị phần và vị trí thứ hai là Ecuador, với 16%. Yếu tố khí hậu thổ nhưỡng đặc thù tạo nên sự khác biệt và giá trị cho từng loại hoa.

Ở Việt Nam, Đà Lạt - Lâm Đồng sở hữu nhiều lợi điểm cho việc phát triển các giống hoa đặc trưng. Tận dụng lợi thế này tất nhiên sẽ không chỉ có Đăng Khoa hay hoa 38 độ, mà là cơ hội dài hạn cho những con người có đầu óc kinh doanh.

“Có thể biến Việt Nam trở thành điểm cung cấp hoa cho thế giới trong tương lai, với khoảng 1% thị phần chẳng hạn. Hà Lan có hoa tulip, Hồng nổi tiếng từ Ecuador, cúc Việt Nam hay cẩm tú cầu Việt Nam, tại sao không”, Lê Đăng Khoa tham vọng rồi đặt ra bài toán về sự đồng đều trong chất lượng sản phẩm cho việc đảm bảo nguồn cung ứng ổn định.

Chuỗi Teahouse góp phần mở rộng danh sách số lượng khách mới cho hoa 38 độ. Ở đây, nhóm khách hàng mục tiêu có thể ăn bánh, uống trà, ngắm hoa và “nảy sinh tình cảm” rồi chi tiền cho những bó hoa từ vài trăm đến vài triệu đồng.

Teahouse trở thành môi trường kích thích cho hoạt động kinh doanh của 38 độ trở nên sôi động. Đăng Khoa tự tin, đây là yếu tố khác biệt mà chưa chuỗi hoa nào tại Việt Nam làm được. 

.
Doanh nhân Lê Đăng Khoa, CEO Công ty TNHH Phân bón Ba Lá Xanh

CAFÉ KHỞI NGHIỆP trao đổi với Lê Đăng Khoa:

Câu hỏi mà một “cá mập” như Khoa từng phải trả lời nhiều lần?

Nhiều bạn hỏi, là sinh viên vừa ra trường nên đi làm thuê hay khởi nghiệp? Cá nhân tôi cho rằng, phải đi làm trước đã. Kinh doanh phức tạp, cay đắng hơn mọi người nghĩ rất nhiều.

Tồn tại trong kinh doanh là câu chuyện viễn tưởng với người vừa tốt nghiệp đại học vì thiếu kinh nghiệm, kiến thức về ngành, bản lĩnh điều hành chưa đủ để thuyết phục cộng sự hay nhà đầu tư,...

Ngoài 38 độ, Khoa đang điều hành cả một công ty phân bón của gia đình. Anh xem đó là lợi thế từ nền tảng gia đình kinh doanh hay áp lực của người kế nghiệp?

Tôi chưa từng ngừng tự hào dựa trên nền tảng này. Đi lên từ một gia đình bán bánh ướt, chả lụa trong một ngôi nhà cấp 4 lợp mái dầu. Sau đó, ba mẹ tôi mới khởi nghiệp và giao quyền điều hành công ty phân bón cho tôi. Việc tiếp quản  có nhiều áp lực cho một người trẻ như tôi từ kinh nghiệm, sợ thua...Nhưng tôi đã điều hành được, bởi đó là thế phải làm.

Nhưng dường như có quãng thời gian, một du học sinh Mỹ như Khoa không mặn mà với công ty của gia đình – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có vẻ như “chân lấm, tay bùn”?

Tôi từng để cảm xúc cá nhân chi phối khi quyết địn nghỉ để đi chơi 3 tuần. Mẹ tôi đã yêu cầu sa thải tôi, bởi tôi không ý thức được trách nhiệm của mình với hàng trăm gia đình của nhân viên công ty. Cuộc sống của họ đang trông vào vào đồng lương hàng ngày.

Tôi đã có được bài học là trách nhiệm của người lãnh đạo lớn hơn nhiều quyền lực mà họ có. Và việc, yêu hay không yêu ngành mình làm thì đều phải gắn bó với nó ít nhất 8 tiếng đồng hộ.

Vậy, tại sao không thay đổi tư duy của bản thân, hãy chủ động yêu nó để làm việc hiệu quả hơn.

CAFÉ KHỞI NGHIỆP là chương trình dành cho những người trẻ nhiệt huyết, đam mê và có hoài bão ghi dấu ấn của mình trên thương trường. Chương trình là nơi các Start-up đã, đang và sắp thành công gặp gỡ, chia sẻ về những chông gai trên con đường thực hiện mơ ước của cuộc đời.

Chương trình do HTV7 phối hợp cùng TV Hub Entertainment & Media độc quyền sản xuất và được phát sóng vào 7 giờ sáng thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7.

Website chương trình tập 2: https://www.youtube.com/watch?v=wE6CeJDYRQs

Baodautu.vn là đơn vị bảo trợ thông tin Chương trình CAFÉ KHỞI NGHIỆP.

Khởi nghiệp với 100 triệu đồng, thuyết phục thành công hai "cá mập" rót 3 tỷ
Đối với Kinh Văn Quân Dao, khởi nghiệp là những trải nghiệm mới, là niềm đam mê. Đứa con tinh thần của Quân Dao - Phleek, ứng dụng mua sắm thời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư