Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
Siết chặt quản lý xe khách giường nằm
H.N - 16/10/2020 21:20
 
Các vụ tai nạn giao thông với xe khách giường nằm chạy ban đêm liên tiếp xảy ra, khiến việc tăng cường kiểm tra, quản lý; ban hành các quy định, chế tài nghiêm khắc lần nữa được đặt ra.
Vào ban đêm, các tuyến đường vắng, nên lái xe thường có tâm lý chủ quan, dễ chạy quá tốc độ, vượt ẩu...
Vào ban đêm, các tuyến đường vắng, nên lái xe thường có tâm lý chủ quan, dễ chạy quá tốc độ, vượt ẩu...

Ẩn họa từ xe giường nằm

Công an huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giao thông kinh hoàng liên quan xe giường nằm xảy ra trên Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn huyện.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 0h05’ ngày 7/10, xe giường nằm do tài xế Huỳnh Văn Lón (39 tuổi) điều khiển chở 23 hành khách và phụ xe lưu thông trên Quốc lộ 1 theo hướng Trung Lương về Mỹ Thuận. Khi đến đoạn thuộc địa bàn xã An Cư, xe bất ngờ tông vào dải phân cách cứng giữa đường.

Sau cú va chạm, xe giường nằm lật nhào nằm chắn ngang đường. Đúng lúc này, xe tải do tài xế Trần Thành Nhân (29 tuổi) điều khiển theo hướng ngược lại tông trúng. Vụ tai nạn khiến 1 người tử vong tại chỗ, 19 hành khách bị thương được đưa vào bệnh viện cấp cứu, xe khách giường nằm hư hỏng nặng, giao thông qua khu vực xảy ra tai nạn ách tắc.

Trước đó không lâu, sáng sớm ngày 26/9, một chiếc xe khách giường nằm do tài xế Nguyễn Ngọc Bình (46 tuổi) điều khiển chạy trên Quốc lộ 1 hướng từ Ninh Thuận vào TPHCM. Khi đến đoạn qua dốc Thiên Thu thì tông vào đuôi xe tải do tài xế Lê Văn Hậu (48 tuổi) điều khiển chạy cùng chiều phía trước. Hậu quả vụ tai nạn làm tài xế xe khách chết tại chỗ, một vài hành khách bị thương, đầu xe khách hư hỏng, biến dạng.

Hồi đầu tháng 7/2020, một vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên địa bàn xã Rờ Koi, huyện Sa Thầy (Kon Tum) khi một xe khách giường nằm đang chở 38 người đã lao xuống vực sâu 20 m. Hậu quả, 5 người chết, 30 người bị thương, cảnh sát phải cắt xe để đưa các nạn nhân kẹt bên trong ra ngoài.

Những vụ tai nạn giao thông thảm khốc liên quan đến xe khách giường nằm liên tiếp xảy ra thời gian qua đang tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có chế tài nghiêm khắc xử lý.

Siết chặt các quy định

Vấn đề có nên cấm xe khách, đặc biệt là xe khách chạy đường dài, đường đồi núi vào ban đêm đã từng được đặt ra nhiều lần khi xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc được dư luận hết sức quan tâm. Thậm chí, năm 2012, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề xuất cấm xe khách chạy ban đêm vì tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Bộ GTVT đã nhiều lần yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị chức năng tăng cường quản lý hoạt động của xe khách giường nằm và xe khách chạy đêm. Cụ thể, yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô khảo sát kỹ điều kiện kết cấu hạ tầng trên tuyến đường, nghiên cứu xây dựng phương án hoạt động, trong đó có phương án sử dụng xe giường nằm phù hợp đối với điều kiện của mỗi tuyến đường, đặc biệt các tuyến đường đèo dốc, quanh co, có tầm nhìn hạn chế.

Đối với xe giường nằm, xe chạy đêm có hành trình chạy liên tục từ 4 tiếng trở lên, đơn vị kinh doanh vận tải phải bố trí đảm bảo mỗi lái xe chỉ lái liên tục tối đa 4 tiếng, sau đó phải thay ca (thời điểm chạy đêm tính từ 20h hôm trước đến 8h hôm sau). Bộ GTVT cũng yêu cầu rà soát, tổng hợp số lượng xe khách giường nằm, xe chạy đêm và yêu cầu các doanh nghiệp lập phương án hoạt động theo chỉ đạo của Bộ này để theo dõi, kiểm tra thực hiện…

Theo TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, về nhịp sinh học của con người, từ 23h - 6h sáng là khung thời gian nghỉ ngơi, nên lái xe thường mệt mỏi và buồn ngủ. Mức độ chiếu sáng về đêm kém, khiến khả năng nhận diện tình huống và phản ứng của tài xế kém và chậm. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, số vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm thường lớn hơn gấp 2 - 3 lần so với ban ngày và những vụ tai nạn giao thông liên quan tới giấc ngủ chiếm 30% tổng các vụ tai nạn giao thông trong một năm.

Vào ban đêm, các tuyến đường thường vắng, lực lượng chức năng ít tuần tra, kiểm soát khiến lái xe có tâm lý chủ quan, dễ chạy quá tốc độ, vượt ẩu.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, theo quy định, người điều khiển phương tiện không được lái quá 10 giờ/ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ, cả doanh nghiệp lẫn lái xe đều phải có trách nhiệm thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát, xử lý các vi phạm về chạy quá thời gian, quá tốc độ, lái xe quá số giờ quy định… chưa được chú trọng.

Bởi vậy, TS. Minh cho rằng, đã đến lúc cần siết chặt các quy định khi vận chuyển trong thời gian ban đêm, cần buộc phải chuyển lái không quá 2 giờ thay vì 4 giờ như hiện nay và quy định tốc độ tối đa ban đêm thấp hơn ban ngày 10 km/h. Đồng thời, cần xây dựng quy định pháp luật nghiêm cấm gây sức ép về thời gian đối với lái xe, lái xe cần được cung cấp đầy đủ các phân tích về rủi ro trên lộ trình.

“Cần tiếp tục lắp đặt camera phạt nguội dày đặc trên các quốc lộ; tim đường phải có đinh phản quang để hỗ trợ người lái xe ban đêm. Đồng thời, cần đưa thêm các kiến thức kỹ năng lái xe ban đêm vào trong đào tạo sát hạch lái xe, đặc biệt với lái xe kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra và xử phạt hành vi không thắt dây bảo hiểm trên xe kinh doanh vận tải, bởi nếu những người trên xe thắt dây an toàn thì số thương vong trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng có thể giảm tới 70%”, TS. Minh nhấn mạnh.

Siết quản lý tải trọng phương tiện vận tải
Trước tình trạng xe container, xe tải vi phạm về tải trọng diễn biến phức tạp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị các lực lượng chức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư