Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Siết quản lý tải trọng phương tiện vận tải
A.M - 16/09/2020 17:37
 
Trước tình trạng xe container, xe tải vi phạm về tải trọng diễn biến phức tạp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.
.

Xử phạt gần 16,2 tỷ đồng vi phạm tải trọng

Gần đây, trên địa bàn cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe container, xe tải chở vật liệu, chở hàng quá tải trọng, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội và khiến dư luận hết sức lo ngại.

Cụ thể, ngày 17/6, Công an huyện Đắk Mil (Đắk Nông) khởi tố bị can, tạm giam Ngô Văn Bền để điều tra về tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông tham gia đường bộ do gây ra vụ tai nạn liên hoàn khiến 5 người chết, 5 người bị thương tại chợ 312, xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil.

Sau khi xảy ra tai nạn, cơ quan điều tra đo hàng hóa trên xe và phát hiện tài xế này chở quá tải 75% (xe được phép chở 14,4 tấn hàng, nhưng chở 25,3 tấn). Theo Công an huyện Đắk Mil, việc tài xế Bền không có kinh nghiệm điều khiển xe, cộng với tình trạng xe chở hàng hóa quá trọng tải trên 75% là những nguyên nhân dẫn đến tai nạn thảm khốc trên.

Trong khi đó, ngày 18/6, xe container đi hướng Móng Cái - Hạ Long (Quảng Ninh) tới khu vực thôn 6, xã Quảng Minh (huyện Móng Cái) thì xảy ra va chạm rồi lật đè vào xe khách 16 chỗ đi chiều ngược lại, khiến 3 người tử vong.

Sau 2 vụ tại nạn thảm khốc nêu trên, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải và lực lượng cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát các tuyến quốc lộ trọng điểm.

Đặc biệt, yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông siết chặt kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc. Tăng cường công tác tuần tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trên các tuyến trọng điểm có lưu lượng lớn như Quốc lộ 1, 5, 14, 18 và 51.

Mặc dù Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt và rõ ràng, yêu cầu các ban, ngành chức năng vào cuộc mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng xe quá tải, nhưng trên thực tế, tại nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và cả đường địa phương, xe quá tải vẫn ngang nhiên lưu thông. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, qua theo dõi và phản ánh của các cơ quan thông tin, báo chí và người dân về đường dây nóng của đơn vị này, tình trạng xe quá tải đã tái diễn và ngày càng gia tăng.

Cụ thể, tình trạng xe cơi nới thành thùng để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương đã tái diễn, làm hỏng hạ tầng giao thông, gây mất an toàn giao thông.

Điển hình là hiện tượng các xe tải tự đổ, xe ben cơi nới thùng hàng, chở đất, vật liệu xây dựng quá tải trên các tuyến đường ngoại thành của TP. Hà Nội; đường Hồ Chí Minh; các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên (tỉnh Bắc Giang)...

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chỉ tính riêng trong tháng 8/2020, các lực lượng chức năng của Bộ Giao thông - Vận tải đã kiểm tra tải trọng gần 12.000 xe và phát hiện hơn 1.200 xe quá tải… Thanh tra giao thông trên toàn quốc đã lập biên bản tước giấy phép lái xe đối với 500 trường hợp lái xe vi phạm về tải trọng và xử phạt nộp kho bạc nhà nước gần 16,2 tỷ đồng.

Tăng cường kiểm soát tải trọng

Trước tình trạng xe quá tải diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị, trong tháng 9/2020 và các tháng tiếp theo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng công an, thanh tra giao thông, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.

Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có nhiều xe quá tải lưu thông nêu trên chỉ đạo các lực lượng chức năng, các ngành, các cấp phối hợp xử lý, không để tái diễn tình trạng xe quá tải.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Giao thông - Vận tải, các Cục Quản lý đường bộ chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông, công chức thanh tra tăng cường phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện của địa phương, kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng... và trên các tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông, đặc biệt là vào ban đêm.

Đồng thời, các địa phương phải tiếp tục tổ chức và triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn theo Chỉ thị số 03/2020 của Bộ Giao thông - Vận tải, bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và sử dụng cân xách tay để kiểm soát xe quá tải phù hợp với tình hình trên địa bàn. Ban An toàn giao thông cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp kiểm soát tải trọng xe ngay từ đầu nguồn hàng.

Theo quy định tại khoản 7, Điều 24, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt người điều khiển ô tô tải vận chuyển hành hóa, "phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải thiết kế được ghi trong Giấy đăng ký xe hoặc Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường từ 100% đến 150%".

Ngoài việc bị phạt tiền, người thực vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như người điều khiển xe sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

Đối với chủ phương tiện bị phạt theo khoản 11, Điều 30, Nghị định 100/2019/ND-CP, mức phạt là từ 32 triệu đồng đến 36 triệu đồng.
Khó giảm phí BOT đường bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải trong dịch Covid – 19
Sẽ khó có thể giảm mức phí BOT tại thời điểm này do chính nhà đầu tư các dự án BOT đường bộ cũng đang gặp khó khăn do lưu lượng giao thông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư